Ly kỳ chuyện bí ẩn về hàng loạt mộ cổ hình thù kỳ dị của các quan lang đất Hòa Bình

Thứ tư, ngày 03/04/2024 14:11 PM (GMT+7)
Nằm hoang lạnh, im lìm cạnh quốc lộ 12b, khu mộ cổ Đống Thếch (ở xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) với những cột đá xám lạnh vươn ngạo nghễ lên nền trời xanh thẳm, ẩn chứa trong nó biết bao câu chuyện, truyền thuyết kỳ bí về tộc người Mường Động.
Bình luận 0

Chiều dần buông, sương chùng chình, quấn quện vào khói bếp giăng mờ trên nóc những ngôi nhà sàn của đồng bào người Mường nằm lưa thưa dưới lòng thung lũng. 

Lần mò mãi, tôi cũng hỏi được đường vào khu mộ cổ nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn cánh đồng ngô mía. Cái sự hoang tàn của nó thể hiện ngay ở tấm biển chỉ dẫn đứng chen chân cùng lớp lớp hoa xuyến chi và cỏ dại.

Khu mộ cổ kỳ lạ-nơi yên nghỉ của các quan lang đất Hòa Bình

Theo lời kể của người dân Vĩnh Đồng, ngày trước khu vực này vốn dĩ là một khu linh địa hoành tráng, đồ sộ, có đến hàng trăm ngôi mộ với những chiếc cột đá cao lừng lững của dòng họ Đinh Công, dòng họ danh tiếng bậc nhất trong tứ Mường (Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động) ở đất Hòa Bình.

Tất cả các ngôi mộ đều được chôn tạo hình vởi những cột đá cao từ 1 đến 3m, phía đầu mộ đá to, chân mộ chôn đá nhỏ. Hai bên, cũng được bao bọc bởi hàng rào đá xếp ken dày. 

Số lượng cột đá được chôn xuống nhiều hay ít tỉ lệ với danh tiếng, uy quyền của người quá cố. Với những khối đá cẩm thạch nhẵn bóng, tuyệt đẹp, vững chãi có nguồn gốc ở tận Thanh Hoá, nó thể hiện sự bề thế và quyền lực của các dòng họ quan Lang ở xứ Mường.

Theo tài liệu cổ của người Mường, ngày xưa, các vị quan lang ở xứ Mường Động rộng lớn đã chọn khu vực núi non hình miệng rồng này làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng nhằm giữ long mạch cho con cháu đời sau mãi được thịnh vượng. 

Mỗi bản Mường thường có một bà mỡi (tương tự như thầy mo, thầy cúng) và các bà mỡi có quyền lực rất lớn trong bản. Điều đặc biệt là các bà mỡi đều thờ Vua Hùng. Để quyền năng của mình cao hơn, các bà mỡi thường sắm lễ mang vào rừng mộ đá cúng bái.

Ly kỳ chuyện bí ẩn về hàng loạt mộ cổ hình thù kỳ dị của các quan lang đất Hòa Bình- Ảnh 1.

Khu mộ cổ của các quan lang đất Hòa Bình, khu mộ cổ Đống Thếch (ở xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) với những cột đá xám lạnh vươn ngạo nghễ đầy bí ẩn, gợi sự tò mò.

Bởi, tương truyền, người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này là bà vợ thứ ba của vua Hùng giận chồng rời bỏ hoàng cung, dắt theo hai người con lên đây khai hoang lập bản, tạo nên vùng đất mới trù phú. 

Khi mất, ba mẹ con đã hoá thành ba ngọn núi dáng rồng chầu và cùng hướng về kinh đô. Vì thế hàng năm, vào dịp Tết, các bản Mường dắt trâu, bò lên núi ở khu vực Đống Thếch mổ thịt làm lễ cúng.

Người đặt nền móng cho sự phồn thịnh của dòng họ Đinh Công của xứ Mường Động là ông Đinh Văn Cương vốn người Ngọc Lặc, Thanh Hoá. Ông Cương mồ côi cha, từ nhỏ đã đam mê võ thuật, đánh trận. Một lần khi vua Lê hành quân qua đây bị giặc phục kích, đang lúc nguy khốn, ông Cương “múa giáo, phò vua”.

Để ghi nhớ công trạng, nhà vua phong công thần và ban cho ông chữ Công, đổi tên đệm từ Đinh Văn thành Đinh Công và giao trấn giữ vùng đất Kim Bôi, Hòa Bình ngày nay. Khi ông chết, người ta phải dùng hàng chục con voi về Thanh Hoá chuyển đá ra làm mộ, ròng rã nhiều tháng trời mới xong. Con trai ông là Đinh Công Kỷ, một tướng giỏi được phong đến chức Quận công.

Trên một cột đá mộ ông Kỷ còn ghi văn tự: Đinh Công Kỷ, tước Uy lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1582, mất giờ sửu, ngày 13 tháng 10 năm Đinh Hợi 1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc uy quận công. 

Đến ngày 22 tháng 2 năm Canh Dần (1650) được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa, đoàn người đưa tiễn có đến hàng ngàn, tiếng than khóc, tiếng cồng chiêng vang dội cả một vùng rộng lớn.

Từ đó, dòng họ Đinh Công ngày càng phát triển. Chỉ những người làm quan trong dòng họ Đinh khi chết mới được chôn trong khu mộ Đống Thếch và quanh năm có người trông coi cẩn thận. Khi một vị quan lang hoặc gia tộc có người chết thì cả vùng Mường Động làm đại tang.

Quan tài là một khúc gỗ quý được xẻ dọc làm đôi, cho thợ khoét rỗng ruột. Sau nhiều ngày cúng bái, quan tài mới được khiêng đi chôn ở khu mộ đá. Người ta rải một lớp than củi đốt bằng gỗ trai, và đổ vào quan tài một lớp gạo rang khá dày rồi mới lấp đất, táng cẩn thận như vậy để hút ẩm, giữ xác lâu bị phân hủy.

Đồ dùng, vật dụng cũng được chôn theo khá nhiều như xoong, nồi, âu, chậu, ly, cốc, tiền..., người nào làm quan to, giàu có thì được chôn theo rất nhiều vật quý. Thậm chí, người ta còn chôn sống cả gia nhân là các cô gái xinh đẹp.

Những câu chuyện mang màu sắc liêu trai xung quanh khu mộ cổ

Những cô gái đồng trinh được chôn sống này, vừa có nhiệm vụ “mua vui”, hầu hạ cho chủ nhân, vừa được xem như thần giữ của. 

Trước khi chôn, các cô gái được cho tắm rửa sạch sẽ, ăn của ngon vật lạ và được ngậm sâm khi chôn. Sau này khi khai quật mộ, người ta phát hiện ra rất nhiều hình nộm người mà theo truyền thuyết, các hình nộm này đều được yểm bùa, ngâm trong chất độc, ai chạm vào chất độc sẽ ngấm vào người cho đến chết.

Gắn liền với khu mộ cổ là những câu chuyện mang đầy màu sắc liêu trai, huyền bí được lưu truyền hàng mấy trăm năm qua. Người ta kể rằng, ngày trước, nơi đây còn là một thung lũng ít người sinh sống, xung quanh cây cối um tùm, ánh nắng không bao giờ lọt tới. 

Vào những đếm sáng trăng, ánh trăng nhảy múa trên các thân cột đá tạo ra vô vàn hình thù kỳ quái, chẳng thể phân biệt đâu là cột đá, đâu là cây cối. Cộng với tiếng gió thổi ù ù từ trên đỉnh núi tràn xuống khu mộ đá, nghe như tiếng tù và rúc thổi lúc gần, lúc xa, đêm trời càng gió, trăng càng sáng thì tiếng tù và càng to, giống như tiếng hú

Khu mộ cổ được xem như vùng đất thiêng, ai vào đây trót lấy dây quấn xung quanh hoặc dùng dao chém vào các cây cột đá sẽ bị thánh thần làm cho mê mẩn đầu óc không biết đường ra. Nếu không có người khác phát hiện và tìm cách “giải cứu” thì sẽ vĩnh viễn biến mất một cách khó hiểu trong khu mộ rộng chỉ “một tầm tiếng hú”.

Có lần, một đoàn người ngựa nghỉ đêm bên những cột đá, đến sáng hôm sau người ta chỉ còn thấy hành lý và những con ngựa nhẩn nha gặm cỏ, tuyệt nhiên không thấy một bóng người. Đến khi dân bản đánh liều vào xem thì phát hiện hành lý của đoàn người toàn là cuốc thuổng. Hoá ra bọn chúng là lũ trộm chuyên đào mồ trộm đồ cải táng.

Số phận những tên trộm đó qua lời kể của mỗi người lại khác nhau chút ít, người bảo bị thần giữ của “vật” chết mất xác, người bảo bị hùm beo bắt tha lên rừng ăn thịt. Có lẽ, đây chỉ là câu chuyện người dân Mường quanh đây sáng tác để “dọa” bọn ăn trộm mộ. Nhưng, chẳng ăn thua, rừng mộ đá vẫn bị trộm đến hoang tàn.

Trước kia, khu vực Đống Thếch có hơn 100 ngôi mộ với hàng ngàn cột đá sừng sững, uy nghiêm, giờ chỉ còn lại hơn chục ngôi mộ nằm rải rác trong vuông đất rộng chừng 2ha. Có nhiều ngôi mộ giờ chỉ còn lại đống đất trống trơn, cột đá bị vứt chỏng chơ, ngô mía mọc lút đầu người. Mộ bị phá, người dân vào đây canh tác cho đỡ… phí đất!

Đến cả những tấm bia khắc văn tự bằng chữ Hán, ghi lại thân thế, công lao của người chết cũng bị lấy cắp. Trong hơn chục ngôi mộ nằm rải rác ở khu A và khu B, ngôi lớn nhất còn đến 18 cây cột đá xung quanh, ngôi nhỏ còn vài ba cột.

Tình trạng đào trộm mộ tìm cổ vật diễn ra mạnh nhất vào đầu những năm 80 thế kỷ trước. Lúc ấy, cả quần thể mộ giống như một công trường ngổn ngang. Dân buôn đồ cổ từ Bắc tới Nam kéo nhau về đây ăn nằm ở dề hàng tháng trời chờ mua cổ vật. Từ âu, ang, ly, cốc…, đến trống đồng Ngọc Lũ cũng bị bán cho bọn thương lái.

Mãi đến năm 1984, Viện Khảo cổ, Bảo tàng lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT Hoà Bình khai quật một số những ngôi mộ còn sót lại để phục vụ nghiên cứu văn hóa Mường. Lúc này, hầu hết các ngôi mộ đã bị đào bới, nhiều hiện vật bị lấy trộm, rơi vào tay các nhà sưu tầm đồ cổ.

Tuy vậy, cũng có hàng trăm hiện vật được tìm thấy, chuyển về Bảo tàng tỉnh Hoà Bình. Trong đó, ngoài bộ sưu tập cổ vật của nhiều triều đại nước Việt còn có cả những đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản thế kỷ XVII rất tinh xảo.

Và, đến năm 1996, khu mộ cổ Đống Thếch được Bộ Văn hóa Thông Tin xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Người ta cho xây dựng tường bao, bờ rào và làm một số hạng mục công trình nhằm tôn tạo, giữ gìn khu mộ cổ này. 

Nhưng, giờ đây nó không còn giữ được nét tôn nghiêm, linh thiêng như ngày xưa nữa. Trâu bò được chăn thả, ngô sắn đồng bào canh tác mọc lút mộ đá.

Ông Đinh Công Dũng, hậu duệ đời thứ 21 của Chưởng vệ đề đốc uy Quận công Đinh Công Kỷ, không dấu được vẻ tiếc nuối: “Nhìn khu mộ cổ của dòng họ bị phá hoang tàn, xót xa lắm chứ! Tôi chỉ mong chính quyền vào cuộc để có biện pháp giữ gìn khu mộ cổ này, bảo tồn những giá trị văn hóa hơn 400 năm về một thời phồn vinh cực thịnh của người xứ Mường Động”.

Mới đây, chính quyền huyện Kim Bôi đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND xã Vĩnh Đồng không cho bà con canh tác quá gần các ngôi mộ, giao Hội chiến binh quản lý, trông coi khu mộ cổ nhằm giữ lại những gì còn sót lại của tinh hoa của văn hóa Mường xa xưa.

Trung Thành (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem