Mái ấm Thánh Tâm ở Hà Nội (Bài 1): Những nữ tu nuôi gà, trồng rau cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Hải Đăng Thứ hai, ngày 17/07/2023 12:40 PM (GMT+7)
Nhiều nữ tu sĩ đã quên đi hạnh phúc của riêng mình để lập nên một ngôi nhà chung mang tên mái ấm Thánh Tâm ở xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cưu mang các mảnh đời bất hạnh. Tại đây, các nữ tu đã trồng rau, nuôi gà...tạo thêm nguồn thực phẩm sạch để nuôi trẻ em, những người bất hạnh...
Bình luận 0

CLIP: Mái ấm Thánh Tâm ở Hà Nội là các mảnh đời bất hạnh được chăm lo chu đáo, đủ đầy.

Dời quê lên Hà Nội đi tu

Đến nay đã gần 40 tuổi, sơ Nguyễn Thị Bích (quê Thanh Hóa) đã có hơn 10 năm gắn bó với mái ấm Thánh Tâm ở Hà Nội. Sơ Bích kể: Từ khi còn nhỏ đã chững kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng mẹ nên tôi mong ước sau này sẽ đi tu để có thể cưu mang, giúp đỡ các số phận kém may mắn.

Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, sơ Bích chọn vào học trường trung cấp y ở địa phương. Đến khi ra trường, sơ Bích đã quyết định tìm đến mái ấm Thánh Tâm để tu. "Khi đó, bố mẹ cũng muốn tôi ra trường gắn bó với nghề y và yên bề gia thất ở quê nhưng tôi vẫn quyết tâm đi tu và chăm sóc người khuyết tật nên mọi người cũng phản đối rất dữ dội vì sợ con vất vả, khổ cực.

Mới đầu vào mái ấm Thánh Tâm công việc cũng rất áp lực, vất vả, thiếu thốn trăm bề nhưng mỗi lần gọi điện về cho gia đình, sơ chỉ kể các câu chuyện vui để mọi người yên tâm. Lâu dần mọi người cũng ủng hộ và rất tự hào về công việc mà sơ đang làm", sơ Bích nhớ lại.

Mái ấm Thánh Tâm ở Hà Nội (Bài 1): Nữ tu sỹ quên mình hết lòng chăm lo các mảnh đời bất hạnh - Ảnh 3.

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 60kg, mái ấm Thánh Tâm ở xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đang là ngôi nhà chung của nhiều mảnh đời bất hạnh. Ảnh: HĐ

Sơ Bích cho biết, từ khi Cha Giuse Nguyễn Minh Hoàng thành lập mái ấm năm 2008, mái ấm còn ở nhờ các nhà giáo dân trong thôn nhưng vẫn tiếp nhận nhiều trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, bị động kinh, khuyết tật...

Những ngày đầu mái ấm thiếu thốn vô cùng, đến từng bữa cơm, bỏ rau hay các thùng nước tắm cho các em, các sơ cũng phải đi xin, quyên góp khắp nơi. "Vất vả là thế nhưng không ai kêu, các sơ đều xuất phát từ các vùng quê khác nhau, thời gian công tác khác nhau nhưng lý tưởng sống của các sơ đều giống nhau, đều đi theo tiếng gọi của Chúa, muốn đem tình yêu thương đến cho những người kém may mắn nên ai cũng cố gắng vượt khó", sơ Bích chia sẻ.

Trước đây, Mái ấm Thánh Tâm còn có nguồn thu từ ao sen với thu nhập trung bình khoảng 80 triệu đồng/năm từ việc bán hạt sen, làm trà sen... Nhưng mới đây, ao sen đã trả lại cho giáo xứ xây dựng công viên. Mất đi nguồn thu chính, các sơ phải loay hoay làm máy nước, trồng rau, nuôi thêm gà vừa có thực phẩm để cải thiện bữa ăn cho các con vừa có thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt của cơ sở.

Mái ấm Thánh Tâm ở Hà Nội (Bài 1): Nữ tu sỹ quên mình hết lòng chăm lo các mảnh đời bất hạnh - Ảnh 5.

Sơ Nguyễn Thị Bích chăm sóc đàn gà đẻ để cung cấp trứng sạch cho các con ở mái ấm Thánh Tâm. Ảnh: HĐ

"Khi vào mái ấm các sơ như tờ giấy trắng nhưng làm dần cũng quen. Từ trồng trọt, chăn nuôi cũng đều phải học hỏi, tra cứu thông tin kỹ thuật trên internet, cái gì không biết thì lại gọi điện hỏI bố mẹ, bạn bè khắp nơi. Mới đầu trồng cây ăn quả, rau và nuôi gà cũng chết nhiều nhưng cứ học làm dần rồi cũng thành công. Đến giờ sơ trồng rau xanh tốt, nuôi gà đẻ chuyên nghiệp nên gà đẻ đều lúc nào cũng đủ trứng cho các con ăn", sơ Bích khoe.

Ngôi nhà chung tại Hà Nội của hơn 30 mảnh đời bất hạnh

Nhờ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ, mái ấm Thánh Tâm đã mua được thêm đất, xây được thêm nhà ba tầng và nhà chức năng rộng hàng nghìn m2. Từ khu nhà vệ sinh riêng, sân chơi, nhà bếp.. được được xây dựng khang trang hơn trước.

Mái ấm Thánh Tâm ở Hà Nội (Bài 1): Nữ tu sỹ quên mình hết lòng chăm lo các mảnh đời bất hạnh - Ảnh 6.

Nữ tu sĩ Nguyễn Thị Ngát, thành viên của mái ấm Thánh Tâm cho biết, hơn chục năm vất vả đun nấu bếp củi, mới đây, mái ấm đã được các mạnh thường quân ủng hộ xây dựng được nhà bếp riêng hiện đại phục vụ việc nấu ăn nên các sơ đỡ vất vả hơn. Ảnh: HĐ

Đến nay, 6 nữ tu sĩ ở mái ấm Thánh Tâm đang nuôi dưỡng, cưu mang hơn 30 các trẻ em mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn... "Mỗi người là mỗi số phận, mảnh đời nghiệt ngã khác nhau. Có em mới sinh xong bị mẹ bỏ rơi ở cổng  mái ấm Thánh Tâm, có em sinh ra bị khuyết tật bị bỏ rơi ở viện được các sơ đón về chắm sóc, nuôi dưỡng... Cuộc đời chúng tôi không có hạnh phúc riêng nhưng mọi người luôn coi và chăm sóc các con như con ruột của mình sinh ra", sơ Bích bộc bạch.

Mái ấm Thánh Tâm ở Hà Nội (Bài 1): Nữ tu sĩ quên mình hết lòng chăm lo các mảnh đời bất hạnh - Ảnh 5.

Khu vườn rau sạch của mái ấm Thánh Tâm có đủ các loại đậu, rau muống, rau đay... Ảnh: HĐ

Bà Nguyễn Thị Ngần 92 tuổi ở thôn Nghĩa, xã Xuy Xá có hoàn cảnh rất đặc biệt. Hai vợ chồng bà có với nhau 6 người con gái nhưng do áp lực từ gia tộc bên chồng phải có con trai nối dõi nên bà phải "ngậm đắng" tìm mai mối để bạn đời của mình đi thêm bước nữa.

Khi chồng mình lấy vợ 2, bà Ngân lại nhường lại nhà và bản thân bà đến tìm niềm vui ở mái ấm Thánh Tâm. Đến nay đã hơn chục năm, dù đã tuổi cao nhưng bà Ngần vẫn còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn, hàng ngày bà vẫn phụ giúp các sơ trông nom, chăm sóc các trẻ em khuyết tật, người già neo đơn ở mái ấm Thánh Tâm.

Mái ấm Thánh Tâm ở Hà Nội (Bài 1): Nữ tu sỹ quên mình hết lòng chăm lo các mảnh đời bất hạnh - Ảnh 8.

Khu nhà vệ sinh mới xây của mái ấm Thánh Tâm. Ảnh: HĐ

"Tuổi già được nhà nước trợ cấp hàng tháng cũng đủ ăn không cần các con hỗ trợ nhưng ở mái ấm Thành Tâm chúng tôi cảm thấy vui hơn, cuộc sống ý nghĩa hơn nên các con tôi cũng ủng hộ", bà Ngần nói. Gắn bó với mái ấm Thánh Tâm từ ngày đầu, bà thấy các sơ đều rất vất vả, khổ cực nhưng mọi người không ai kêu than gì mà luôn dành tâm sức, hạnh phúc của mình để chăm sóc các trẻ em mồ côi, khuyết tật... 

"Đến giờ cuộc sống, sinh hoạt ở mái ấm Thánh Tâm đã ổn định và khá hơn nhưng các sơ còn rất vất vả, vẫn phải lo từng miếng ăn, quần áo mới, đồ dù sinh hoạt cho các em. Mong các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm ủng hộ mái ấm nhiều hơn để cùng chung tay giúp các mảnh đời bất hạnh có cuộc sống tốt hơn", bà Ngần nói.

Mái ấm Thánh Tâm ở Hà Nội (Bài 1): Nữ tu sỹ quên mình hết lòng chăm lo các mảnh đời bất hạnh - Ảnh 9.

Mái ấm Thánh Tâm luôn rộn vang tiếng cười. Ảnh:HĐ


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem