Những ngày này, trên khắp các tuyến đường trên địa bàn huyện Bình Đại, Ba Tri… đều xuất hiện hình ảnh nhiều xe máy cày chở nước đi đổi cho người dân.
Ông Nguyễn Thành Sa - Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Bình Đại - cho biết, nhiều người dân trên địa bàn huyện đang phải sử dụng nước thô có độ mặn khoảng 1‰. Sở dĩ có tình trạng trên là do nguồn nước ở đập Ba Lai - nước được dùng để cung cấp cho người dân thông qua nhà máy nước Ba Lai - bị nhiễm mặn.
“Nếu thời gian tới tiếp tục không mưa, nguồn nước ở đập Ba Lai tiếp tục bị nhiễm mặn thì đời sống người dân sẽ càng khó khăn hơn, đặc biệt là trong sinh hoạt. Nhiều địa phương, người dân không sử dụng nước thô, đã tranh thủ đi đổi nước từ xe bồn với giá khoảng 100.000 đồng/m3 (giá cao hơn hoặc thấp hơn tuỳ thuộc vào chiều dài đoạn đường vận chuyển nước đi đổi)” - ông Sa nói.
Cũng như nhiều người dân khác, bà Hồ Thị Yến (ấp 4, xã Tân Xuân) cũng vô cùng lo lắng về việc sinh hoạt của gia đình trong những ngày tới. Trong ảnh, bà Yến đang đổi 2m3 nước để dự trữ.
Cũng như huyện Bình Đại, theo Phòng NNPTNT huyện Ba Tri, đập Ba Lai - cũng là nơi cung cấp nước chính cho huyện Ba Tri - có lúc có độ mặn lên đến 2,4‰. Vì vậy, nguồn nước được các nhà máy lấy, xử lý, dẫn truyền đến dân đều bị nhiễm mặn. Cũng có tình trạng, nhiều người đã tận dụng mạch nước ngầm ở độ sâu từ 5-6m, chưa bị nhiễm mặn để bơm vào xe bồn chở đi đổi cho người dân.
Tuy nhiên, về việc khai thác mạch nước ngầm trên, ông Nguyễn Thành Lâm - Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Ba Tri - nhận định: “Mạch nước này tuy ngọt nhưng chứa nhiều chất kim loại nặng, sử dụng nhiều sẻ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Còn mạch nước sâu hơn (dưới mặt đất khoảng 60m) thì đã bị nhiễm mặn như nước biển từ nhiều năm qua, không sử dụng được”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.