Nhà báo Hồ Quang Lợi nói về tác động của mạng xã hội.
Đó là nhận định của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về ảnh hưởng của truyền thông thời đại số đến các doanh nghiệp, xã hội.
Theo ông Lợi, hiện nay vẫn còn một số nhà báo sử dụng mạng xã hội để đưa những thông tin không đáng tin cậy, thậm chí thông tin sai lệch, đưa ra những bình luận không có tính xây dựng, có ý đồ xấu để dẫn dắt dư luận, không chuẩn mực.
Đặc biệt, gần đây có xảy ra một số việc mà trong đó nhà báo sử dụng mạng xã hội không chuẩn mực. Hội nhà báo Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức hội trực thuộc, nhất là hội đồng xử lý vi phạm ở cấp cơ sở chiếu theo bản quy tắc để xử lý.
“Với những trường hợp nghiêm trọng, có thể phối hợp với các cơ quan khác để truy cứu trách nhiệm”, ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, mạng xã hội đang trở thành một phần “không thể thiếu” của đời sống xã hội và thế giới ngày nay. Tuy nhiên, hiện mạng xã hội đang gây áp lực mạnh lên cả đời sống xã hội chứ không phải chỉ riêng đời sống báo chí, thậm chí đang là nỗi khiếp đảm với nhiều người.
Không thể phủ nhận mạng xã hội vừa có xây đắp, nhưng cũng có hủy hoại, tàn phá. Chẳng hạn như Facebook đang là “siêu quyền lực” vì tính không bị kiểm soát và không thể kiểm soát, khiến nhiều trường hợp sự bình yên bị tước đoạt vì sự thiếu tử tế và tàn nhẫn.
“Mạng xã hội với xã hội nói chung và báo chí nói riêng là câu chuyện cực lớn. Báo chí sẽ phải trải qua một cuộc cách mạng thật sự về cách thức, phương thức làm nghề. Nhưng, tôi nghĩ, lý tưởng làm nghề, đạo đức làm nghề thì không thể khác”, ông Lợi chia sẻ.
Vậy ở thời kỳ hiện nay, đâu là phẩm chất cần thiết nhất của một nhà báo? Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ở bất cứ thời kỳ nào thì “trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật” vẫn là những yêu cầu có tính nguyên tắc khi hoạt động nghề báo. Để làm được điều đó, đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Báo chí có trách nhiệm bảo vệ công lý và lẽ phải, cho nên nhà báo phải dũng cảm và có tinh thần dấn thân.
Theo chia sẻ của nhà báo Hồ Quang Lợi, còn nhớ cách đây không lâu, một PV hỏi một lãnh đạo UBND TP.Hà Nội bên lề nghị trường về việc chặt cây ở một số tuyến đường.
PV hỏi: Đang có tình trạng chặt cây xanh nhiều, ông có biết không?. Cán bộ này trả lời, có biết.
PV tiếp tục đặt câu hỏi: “TP.Hà Nội có chỉ đạo chặt cây không?”. Cán bộ tiếp tục trả lời: TP có chỉ đạo, việc thay cây ở một số tuyến đường là bình thường…
PV hỏi: Việc chặt cây có hỏi ý kiến người dân không? Cán bộ đó trả lời, việc này là bình thường, nên không cần hỏi dân…
Kết quả là, PV sau đó làm cái tít: “Hà Nội chặt cây không cần hỏi dân”.
Sự việc sau đó gây khủng hoảng truyền thông vì thực tế việc chặt cây một số tuyến đường là để thay cây mới, cây có rễ đã mục ruỗng, có nguy cơ đổ ra đường… nhưng chính cách giật tít câu view đã hướng dư luận, mạng xã hội lái sang vấn đề khác.
“Đã nói đến báo chí là nói đến tinh thần chiến đấu, đi đến cùng, làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật. Nhưng tính chiến đấu của báo chí phải gắn liền với tính nhân văn. Chúng ta không thể phơi bày mọi thứ lên mặt báo bất chấp số phận của cá nhân và tập thể có liên quan.
Có thể đằng sau mỗi bài báo là sinh mạng, là số phận của một con người hay một doanh nghiệp, doanh nhân và sau đó nữa còn là bố mẹ, vợ con, người thân của họ. Cho nên, khi nhấn mạnh tính chiến đấu của báo chí, chúng ta cũng phải luôn suy nghĩ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Rồi đi đến quyết định, viết cái gì, viết như thế nào?”, ông Lợi đặt vấn đề.
Trả lời vấn đề này, ông Lợi khẳng định: “Cái tốt luôn cần được bảo vệ và lan tỏa. Càng đấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác càng đòi hỏi tính nhân văn. Đây là việc cực kỳ khó khăn. Bởi khoảng cách giữa cái thiện và cái ác trong đấu tranh chống tiêu cực đôi khi rất mỏng manh. Cho nên, nếu phải nói gọn lại, tôi nghĩ, nhà báo phải là người “dũng cảm và nhân văn”…
Kết lại, ông Lợi thằng thắn: “Báo chí không thể thắng mạng xã hội bằng tốc độ đưa tin, nhưng báo chí sẽ vượt trội mạng xã hội bằng sự chuẩn mực, tinh thần trách nhiệm, bằng độ tin cậy và sức thuyết phục. Độ tin cậy và sức thuyết phục là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số…”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.