Mất 760 triệu USD vì tổn thất sau thu hoạch: Thúc đẩy đưa máy móc vào trồng lúa trên diện rộng

Hồng Nhân Thứ sáu, ngày 30/06/2023 05:17 AM (GMT+7)
Lợi thế của vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là thâm canh lúa, lúa đặc sản, có thị trường tại chỗ lớn, lao động nhiều, cơ sở hạ tầng phát triển, do đó cần hiện đại hóa khâu sản xuất lúa, phát triển mô hình sản xuất cánh đồng lớn để dễ dàng đưa máy móc vào thay sức người.
Bình luận 0

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề "Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng", do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp tỉnh Hà Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng do đồng ruộng manh mún nên việc đưa máy bay không người lái, máy cấy vào sản xuất nông nghiệp tại miền Bắc còn gặp nhiều khó khăn. 

Mất 760 triệu USD vì tổn thất sau thu hoạch

Lợi thế của vùng Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) là thâm canh lúa, lúa đặc sản, có thị trường tại chỗ lớn, lao động nhiều, cơ sở hạ tầng phát triển, hiện đại hóa sản xuất lúa, phát triển mô hình sản xuất cánh đồng lớn. Tuy nhiên mức độ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại đây mới tập trung một số khâu như làm đất, tưới tiêu, vận chuyển...

Ông Hồ Phi Tuấn – đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết: "Mức độ áp dụng cơ giới hóa tập trung ở vùng ĐBSH tập trung một số khâu như làm đất, tưới tiêu trên 90%, vận chuyển lúa trên 75%, còn lại cấy lúa bằng máy chỉ đạt khoảng 12%, sấy khoảng 20%".

Trên cả nước, việc ứng dụng máy móc trong làm đất bằng máy đạt 90,75%, gieo trồng đạt 21%, bơm tưới 80,44%, phun thuốc 53,53%, thu hoạch bằng máy đạt 58,98% diện tích...

Thúc đẩy đưa máy móc vào trồng lúa trên diện rộng tại miền Bắc - Ảnh 1.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại Thanh Liêm, Hà Nam. Ảnh: P.V

Theo báo cáo của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất trồng lúa trên cả nước đạt bình quân 90,75%, trong đó vùng ĐBSH đạt 91,99%, một số tỉnh đạt gần 100% như Thái Bình, Hà Nam, Nam Định.

Thực trạng ứng dụng cơ giới hóa thấp đã gây ra những tổn thất không nhỏ cho ngành lúa gạo Việt Nam. Theo thống kê, thất thoát lúa trong công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch là gần 3,2 triệu tấn lúa/năm, tương đương 760 triệu USD. Riêng tổn thất ở khâu sấy mất khoảng 970.000 tấn, tương đương 233 triệu USD.

Ông Trần Thắng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) cho biết, là những người làm trực tiếp cùng nông dân, đơn vị nhận ra nhiều khó khăn khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Một là bản thân lãnh đạo địa phương, người dân còn e ngại, cho rằng giá chi phí cấy máy còn cao. Thứ hai, việc làm mạ khay chưa chủ động được tại chỗ, vẫn phải mua từ nơi khác, đối với diện tích gieo cấy lớn cần phải có diện tích rộng tương thích để gieo và đặt khay.

Thứ ba, nhiều địa phương diện tích nông nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ví dụ như việc đưa máy bay không người lái phun thuốc BVTV cần diện tích ít nhất 10ha/cánh đồng mới phát huy hiệu quả. 

Trong khi đó, với diện tích này thường có hàng chục hộ sản xuất, gieo cấy không cùng loại giống, cùng thời điểm và có những diện tích vướng vào hệ thống đường dây điện, gò đống…, dẫn đến không thể triển khai máy bay phun dù nhiều hộ dân có nhu cầu.

"Cuối cùng là chi phí đầu tư cho máy móc, hệ thống khay, dàn máy gieo hạt lớn vượt quá nguồn lực kinh tế của hộ gia đình. Chưa kể việc điều khiển máy bay phun thuốc hầu hết là người dân tự học, chưa qua đào tạo cơ bản khiến quá trình làm việc máy móc cơ giới hay xảy ra sự cố hỏng hóc" - ông Thắng nói.

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thịnh, nông dân ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam) trăn trở: "Xưa nay người nông dân lấy công làm lãi, việc áp dụng cơ giới hóa thì tiện, nhanh thật và hiệu quả thật nhưng chi phí lớn quá. Ví dụ với cấy máy, giá khoảng 300.000 đồng/sào, chưa kể tiền cày, gặt, vận chuyển, trong khi năng suất lúa không như mong đợi. Tôi muốn hỏi liệu Nhà nước, các ngành, địa phương có thể hỗ trợ chúng tôi từ 50.000 - 100.000 đồng/sào được không để giảm chi phí sản xuất?".

5 giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa

Thúc đẩy đưa máy móc vào trồng lúa trên diện rộng tại miền Bắc - Ảnh 3.

Các đại biểu thăm mô hình ứng dụng mạ khay máy cấy ở xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Hồng Nhân

Lúa gạo là ngành có tỷ lệ cơ giới hóa cao từ chế biến giống, làm đất, gieo, cấy, chăm sóc, thu hoạch. Trong đó, khâu phun thuốc hiện đã bán cơ giới bằng bình phun thuốc mang vai có động cơ hay loại kéo dây dùng máy nén khí và thùng chứa lớn, nhưng năng suất còn thấp và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người sử dụng. 

Khâu tưới nước, tỷ lệ cơ giới hóa trong tưới chủ động cho lúa đạt 80,44%, trong đó cao nhất là vùng ĐBSH đạt 90,37%. Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa bình quân cả nước đạt 58,98%, vùng ĐBSH đạt 32,84%.

Toàn vùng ĐBSH có 3.166 máy gặt lúa, trong đó có 2.892 máy gặt đập liên hợp còn lại là máy gặt rải hàng, cơ giới hóa thu hoạch bình quân trong vùng đạt 32,84%, trong đó Thái Bình cao nhất 55%. 

Theo ông Hồ Phi Tuấn, vùng ĐBSH hoàn toàn có thể đẩy mạnh việc áp dụng máy móc vào trồng lúa, đồng nghĩa khu vực này phải tập trung vào các giải pháp sau: Một là tập trung đẩy nhanh công tác dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Hai là tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất lúa tập trung, đặc biệt là hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi.

Ba là hoàn thiện chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết, xây dựng các chuỗi sản xuất lúa gạo quy mô lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất. Bốn là tỷ lệ cơ giới hóa tại các vùng trồng lúa chuyên canh vùng ĐBSH ở một số khâu đã đạt gần 100%, nhưng trong giai đoạn tới cần tập trung vào đổi mới công nghệ, áp dụng các công nghệ mới hiện đại như máy bay không người lái vào phun thuốc, bón phân; … để nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Năm là tăng cường công tác đầu tư, nghiên cứu phát triển các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất lúa gạo tại ĐBSH nói chung, từng vùng nói riêng và phù hợp với quy mô, đặc điểm canh tác của các hộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem