Mất ngủ mau gặp thầy thuốc

Thứ sáu, ngày 05/04/2013 13:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhờ nhiều mô hình nghiên cứu về hoạt động của hệ thần kinh trung ương, thầy thuốc nay đã hiểu nhiều hơn về vai trò chủ động của giấc ngủ. Nếu tưởng ngủ chỉ để nghỉ thì sai cả cây số.
Bình luận 0

Theo báo cáo của chuyên gia ở hai đại học Bremen và Stuttgart (Đức), khoảng thời gian yên bình lúc chợp mắt quên đời là khoảnh khắc quan trọng của một tiến trình đa dạng và sinh động vô cùng. Nói chính xác hơn, cơ thể của người đang ngủ vẫn hoạt động không ngừng, thậm chí hơn xa lúc còn thức. Bằng chứng là kháng thể được tổng hợp nhiều hơn trong máu sau một đêm ngon giấc khi đối chiếu với nhóm trằn trọc suốt đêm.

img
Ảnh minh họa

Thậm chí men gan cũng giảm thiểu thấy rõ ở đối tượng đang được điều trị viêm gan nếu đặt lưng là thẳng giấc. Ngược lại, cho dù dùng thuốc với liều cao hơn, hiệu quả vẫn thấp trong nhóm viêm gan nhưng thường mất ngủ! Hệ thống miễn dịch rõ ràng hoạt động hữu hiệu hơn khi cơ thể tạm ngừng các chức năng khác trong giấc ngủ.

Thừa thắng xông lên, thầy thuốc ở Bremen đã theo dõi công thức máu của cả trăm sinh viên bị cảm cúm. Kết quả cho thấy không chỉ lượng thực bào trong máu nhóm sinh viên ngủ ngon tăng thấy rõ mà thời gian hồi phục khi viêm họng cũng được thu ngắn gần phân nửa nếu so với nhóm đồng môn đêm nào cũng thức khuya. Không chỉ vượt trội về hiệu năng, giấc ngủ ngon rõ ràng có ích hơn viên thuốc cảm vì giấc Nam Kha không hề có phản ứng phụ!

Đi xa hơn nữa, thống kê của các hãng bảo hiểm y tế ở Đức cho thấy 2/3 số đối tượng béo phì là người mất ngủ hay tuy ngủ đủ giờ nhưng ngủ không sâu. Ngay cả trẻ con cũng thế. Bằng chứng là đa số thiếu niên thức khuya xem truyền hình hay lên mạng càng lúc càng phì dù ăn chẳng bao nhiêu! Không lạ gì khi nhiều trung tâm chữa trị béo phì ở phương Tây từ lâu đã áp dụng phương pháp cho bệnh nhân ban ngày lao động thật nặng để đêm vừa đặt lưng thì ngáy o o, thay vì bắt nhịn ăn để rồi chỉ toi công tốn của…

Không chỉ với chất béo mà với chất đường cũng thế. Thầy thuốc điều trị bệnh tiểu đường đều biết “hội chứng sáng hôm sau”, qua đó đường huyết tăng cao vào buổi sáng sớm cho dù bệnh nhân nhịn đói suốt đêm. Lý do là vì tuyến thượng thận làm tăng lượng đường trong máu trong lúc người bệnh thao thức thâu canh. Ngược lại, đường huyết rất dễ ổn định ở người bệnh tiểu đường nhưng không mất ngủ. Mọi biện pháp dỗ giấc ngủ ngon cho người bệnh tiểu đường vì thế cũng quan trọng như viên thuốc hạ đường huyết vì uống thuốc lại thêm kiêng cữ nào có ích gì khi đường huyết tự tăng vào lúc canh ba?!

Tương tự như đường huyết, huyết áp cũng dao động theo kiểu hai chiều khi thiếu ngủ. Với người có huyết áp cao, cho dù có uống thuốc đúng toa, vẫn có khuynh hướng bắt chước vật giá để nhích dần lên cao nếu thường xuyên mất ngủ! Ngược lại, với người có huyết áp thấp, huyết áp chỉ chực chờ khi nào gia chủ mỏi mệt sau một đêm trăn trở để tuột dốc không phanh. Tình trạng huyết áp dao động, cao hay thấp cũng thế, là đòn bẩy khiến rối loạn chức năng của tế bào, đơn vị của sự sống. Bệnh khi đó không mời cũng đến.

Trông mặt mà bắt hình dong. Muốn đẹp mà chỉ trông mong vào thuốc thoa hời hợt bên ngoài thì không lạ gì nếu tiền mất tật mang. Cho dù có chất đống mỹ phẩm hàng hiệu nhưng thiếu giấc ngủ sâu thì tiến trình tổng hợp collagen dưới da chắc chắn bị kẹt xe. Muốn chống nếp nhăn mà thiếu nội tiết tố serotonin, chất tạo giấc ngủ yên bình, thì có căng bao nhiêu cũng mau nhão!

Ông bà đã khẳng định “ăn được, ngủ được là tiên”. Ngủ cho thẳng giấc, ngủ cho thật ngon chắc chắn là biện pháp bảo vệ sức khỏe hữu ích hơn thuốc đắt tiền. Bằng chứng là đâu thấy ông tiên nào phải dài cổ ngồi chờ khám bệnh?!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem