Mất niềm tin “cái thiện thắng cái ác”

Diệu Linh (ghi) Thứ năm, ngày 09/07/2015 08:19 AM (GMT+7)
Nhận định về tình trạng tội phạm gia tăng ở nông thôn, PGS-TS Nguyễn Hồi Loan – giảng viên tâm lý (Khoa Xã hội học – Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) cho biết, có thể nhận thấy hiện tượng thanh thiếu niên có hành vi lệch chuẩn, phạm tội xuất hiện ngày càng nhiều. Đáng lưu ý nhiều vụ án giết người, cướp của dã man nhưng tội phạm lại là những thanh niên mới lớn, hành vi bột phát chứ không phải là quá trình thoái hóa, biến chất trong thời gian dài.
Bình luận 0
img
Người dân ở tiểu khu 13 (phường Bắc Lý, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) đánh 2 thanh niên trộm chó và đốt xe máy của họ. (Ảnh: T.L)

Theo ông Loan, tìm hiểu về các tội phạm là thanh thiếu niên đều cho thấy, đa số họ bị đổ vỡ niềm tin vào cuộc sống. Họ không tin cái thiện sẽ thắng cái ác, người lao động cần mẫn sẽ được hưởng quả ngọt... Đó là vì, hàng ngày, họ nhìn thấy, nghe thấy những chuyện tham nhũng, ăn gian bán lận... Rõ ràng là vi phạm pháp luật, làm điều ác nhưng lại thoát khỏi sự trừng phạt của luật pháp hoặc có trừng phạt cũng không nghiêm. Nhưng người làm sai thậm chí là quan chức lại đổ lỗi cho khách quan, cho hệ thống, cho giấy tờ.

Ngay cả các vụ án oan đến lúc đưa ra ánh sáng, người điều tra, kết án sai cũng không bị xử phạt mà lại đổ lên đầu nhân dân (lấy tiền thuế của nhân dân để đền). Từ những bài học nhãn tiền, những “tấm gương” hàng ngày, thanh niên sẽ tự suy nghĩ lệch lạc, nhận thức tiêu cực về cuộc sống.

Hầu hết những đứa trẻ lệch chuẩn đều lớn lên trong gia đình lệch chuẩn - bố mẹ lục đục, đánh chửi nhau, tranh giành về tiền bạc, phản bội... Có người phó mặc con cho ông bà, đi làm ăn nơi xa, mặc con tự ăn, tự lớn, tự tìm đến các mối quan hệ không lành mạnh. Mà những trò chơi bạo lực, tệ nạn lại dễ “quyến rũ” với trẻ em. Có gia đình lại cổ vũ con cái gian lận, phạm lỗi để đạt được mục đích. Nếu không được uốn nắn, giáo dục thì khi nhỏ sẽ gian lận thi cử, bắt nạn bạn, lớn lên sẽ buôn lậu, giết người... Mức độ tàn bạo tuy khác nhau nhưng khoảng cách cũng rất gần. Đây đều là những “bài tập” để giới trẻ chai lì cảm xúc, xói mòn sự tốt đẹp. Hết tiền để ăn chơi sẽ dễ dàng tìm cách kiếm tiền, mà nhanh nhất là đi ăn trộm, ăn cướp...

Phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn. Trong khi đó các thông tin về cuộc sống hào nhoáng lại quá cập nhật. Do đó, một bộ phận người nghèo, đặc biệt là thanh niên mới lớn có tâm lý ngông cuồng, sốc nổi sẽ không chấp nhận được việc mình thua kém người khác. Họ cố gắng tìm mọi cách để san bằng khoảng cách mà không cần đánh giá điều kiện, tài năng của mình.

>> Vì sao cái ác đang quá dễ nảy sinh?
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem