Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Núi Báo Đức nằm ở khu dân cư Đá Bạc, xã Hoàng Hoa Thám, là một trong những ngọn núi cao ở vùng đất Chí Linh.
Từ trên đỉnh núi có thể phóng tầm mắt ra tứ phía. Xa kia là núi Côn Sơn. Đây là đỉnh Ngũ Nhạc Linh Từ hùng vĩ. Xa nữa là đỉnh Phượng Hoàng - nơi Người thầy của muôn đời Chu Văn An yên nghỉ.
Hướng mắt về bên trái là đỉnh núi Thiên Bồng- nơi có đền thờ vua Lê Đại Hành và đền Cao An Lạc thờ 5 anh em họ Vương quê ở Dược Đậu trang (Chí Linh ngày nay) chống quân Tống xâm lược vào thế kỷ thứ X.
Xa xa nữa là đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Nguyễn Trãi - những người ruột thịt của Nguyễn Phi Khanh...
Nếu trên núi Phượng Hoàng có giếng Son, hằng năm cứ khoảng trước - sau rằm tháng bảy ắt có một ngày nước đổi màu son chảy xuống tận điện Lưu Quang phía dưới, thì ở núi Báo Đức cũng có một dòng suối mát lành. Dòng suối này chảy từ núi Báo Đức xuống đập Khơ me rồi chảy qua mặt tiền đền thờ cụ Nguyễn Phi Khanh.
Núi Báo Đức có nhiều tên gọi, như núi Báo Ân, núi Tam Tiêu (hoặc Tam Tiên) và Bái Vọng Sơn. Bái Vọng Sơn gắn với câu chuyện Nguyễn Thiện Thuật - một lãnh tụ trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy trong phong trào Cần Vương ở thế kỷ XIX - hậu duệ của cụ Nguyễn Phi Khanh. Khoảng năm 1884, Nguyễn Thiện Thuật chống Pháp ở Thành Lạng Sơn.
Từ đỉnh núi Báo Đức (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) có thể phóng tầm mắt ra tứ phía. Trong ảnh: Phần mộ cụ Nguyễn Phi Khanh trước năm 2015 (ảnh do Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cung cấp)
Sau khi thành thất thủ, trước khi sang Long Châu (Trung Quốc) lánh nạn, ông về núi Báo Đức, song núi cao, cây rừng rậm rạp không thể lên mộ, ông đành đặt lễ dưới chân núi rồi bái vọng lên và lặng lẽ từ biệt tổ tiên.
Đường lên núi Báo Đức bây giờ dễ đi hơn trước. Thế nhưng, dù khỏe mạnh và có người dẫn đường thì có leo từ sáng, lúc về cũng đã phải giữa buổi chiều. Dù đường đi lên vòng vèo, có chỗ dốc dựng, song không vì thế ngăn được bước chân của khách hành hương.
Ông Nguyễn Quy Tuấn, trưởng tộc Nguyễn Quy ở Chi Ngãi, hậu duệ của cụ Nguyễn Phi Khanh kể, tháng trước có gần 30 người ở Nghệ An ra, lên núi Báo Đức thăm lăng mộ cụ, nhưng chỉ có vài người lên được đến nơi.
Trên đường lên đỉnh núi Báo Đức, người leo núi sẽ được đắm mình trong màu xanh bất tận của những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại và cả rừng trồng với bạt ngàn thông, keo... Người dân ở đây kể, thời trước ở đây còn nhiều loài thú lớn hay lang thang xuống làng.
Sau nhiều giờ leo núi xuyên rừng, khu lăng mộ cụ Nguyễn Phi Khanh cũng dần hiện ra uy nghi, trầm mặc giữa màu xanh của những cánh rừng thông trẻ. Nằm trên đỉnh núi, khu lăng mộ xây dựng bằng đá xanh, có kích thước 4 x 2 x 4 m, trong khoảng sân rộng chừng 60 m2 đã được lát gạch.
Để có khu lăng mộ như hôm nay là tâm nguyện của bao lớp hậu duệ cụ Nguyễn Phi Khanh. Trước đây, khu mộ cỏ leo chằng chịt. Khoảng năm 1990, mộ còn bị kẻ xấu đào bới tìm cổ vật. Khi phát hiện, con cháu trong dòng họ lên xếp tạm lại bằng đá.
Theo ông Nguyễn Quy Tuấn, để xây dựng được khu lăng mộ cụ Nguyễn Phi Khanh là quyết tâm, đồng lòng của nhiều thế hệ các con cháu trong dòng họ, nhất là về kinh phí, nhân công. Toàn bộ kinh phí xây dựng lăng mộ cụ là do con cháu đóng góp. Khi ấy, dòng họ phát động con cháu cõng gạch đá lên xây lại mộ cụ.
Trai tráng khỏe khoắn nhất mỗi lần lên cũng chỉ cõng được 5 viên gạch và phải đi nhiều tiếng đồng hồ. Khi ấy, từ chân núi lên được đến nơi xây dựng mất khoảng 3.000 m men quanh núi. Còn đơn vị thi công đo đường thẳng từ chân núi đến nơi xây dựng dài đúng 1.800 m để tời vật liệu. Việc tời chiếc bàn đá nặng 1,2 tấn từ chân núi lên lăng mộ mất rất nhiều công sức và nguy hiểm. Song mọi công việc đã hoàn thành sau 1 năm xây dựng. Khu lăng mộ đã khánh thành vào năm 2015, trong niềm hân hoan, tự hào và thỏa tâm nguyện của con cháu cả dòng họ.
Cũng trong thời gian đó, đền thờ cụ Nguyễn Phi Khanh được con cháu đóng góp xây dựng ngay trên quê hương của cụ - khu dân cư Chi Ngãi 2. Trước đây, đền thờ cụ Nguyễn Phi Khanh ở trong làng, gồm 5 gian rộng rãi. Khoảng năm 1950, giặc Pháp tràn về chiếm đóng, chúng tháo nhà thờ, lấy cột ra làm cầu trên đường 18. Sau này chính quyền cấp cho khoảng đất rộng 700 m2 gần quốc lộ 18 để dòng họ dựng lại nhà thờ.
Ngày nay, hễ đến ngày giỗ cụ Nguyễn Phi Khanh 15/11 âm lịch, là con cháu khắp các tỉnh, thành phố tìm về đền thờ làm lễ. Có năm, dòng họ làm đến hơn 150 mâm cỗ. Dòng họ đã kết nối được với các hậu duệ của cụ Nguyễn Phi Khanh từ Huế trở ra, có những người từ Đà Nẵng cũng đã tìm về.
Cụ Nguyễn Phi Khanh tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh năm 1355. Cụ quê gốc ở làng Chi Ngãi, huyện Phượng Sơn (nay là phường Cộng Hòa, TP Chí Linh). Sinh ra trong thời loạn lạc, cuối đời Trần (1255-1400), đầu nhà Hồ (1400-1407), cụ luôn một lòng đau đáu vì nước non xã tắc.
Cụ là con rể quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán và là thân sinh Nguyễn Trãi. Sử sách ghi lại, mến tài của chàng trai trẻ, quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán đã vời Nguyễn Phi Khanh về dạy học cho ái nữ của mình - tiểu thư khuê các Trần Thị Thái. Sau này 2 người kết đôi, sinh ra Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Lăng mộ cụ Nguyễn Phi Khanh đã được xây dựng bằng tâm huyết, đồng lòng của bao lớp hậu duệ của cụ.
Mặc dù đỗ Tiến sĩ dưới triều Trần, vào năm Long Khánh thứ hai (1374) đời vua Trần Duệ Tông, nhưng Nguyễn Phi Khanh không được bổ làm quan to, do vậy phải ở nhà dạy học để kiếm sống qua ngày. Đến thời nhà Hồ, cụ lại ra làm quan, thăng dần tới chức Thái tử tả tán Thiện đại phu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Mảnh đất Chí Linh bát cổ là nơi an nghỉ của 2 Tư nghiệp Quốc Tử Giám (được coi như chức vụ hiệu trưởng bây giờ).
Đó là thầy giáo Chu Văn An - Tư nghiệp Quốc Tử Giám đầu tiên của trường đại học đầu tiên ở Việt Nam và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Phi Khanh. Đều là những hiền sĩ, không thể tuốt kiếm xông ra trận mạc để đánh đuổi ngoại xâm, song cả 2 vị đều luôn đau đáu vì nước, vì dân.
Nếu Chu Văn An có "Thất trảm sớ" dâng lên đề nghị vua chém đầu 7 tên gian nịnh làm hại xã tắc giang san, thì Nguyễn Phi Khanh có "Thôn cư cảm sự ký trình" - một bài thơ đau thay nỗi đau của dân, của nước: Lưỡi tham quan lại vơ hầu kiệt/ Mạch sống dân gian cạn mỡ dầu/ Thơ mới này xin thay biểu tấu/ Vì đang nằm bệnh chửa về chầu...
Dù không sinh ra ở đây, nhưng Chu Văn An lấy Chí Linh làm nơi ở ẩn dạy học những năm cuối đời rồi thác ở mảnh đất này. Còn Nguyễn Phi Khanh, quê gốc ở đây nhưng chỉ khi qua đời mới về đất mẹ. Gia phả dòng họ Nguyễn Quy, hậu duệ của cụ Nguyễn Phi Khanh ở khu dân cư Chi Ngãi 2 hiện nay không có thông tin về việc Nguyễn Phi Khanh có thời gian sinh sống tại đây.
Nhiều cứ liệu ghi chép, ông sinh ra tại Nhị Khê, Thường Tín (Hà Nội). Cả 2 ngôi đền thờ ở Nhị Khê và Chi Ngãi đều có chung một đôi câu đối: Nhị Khê phát tích tồn thiên địa/ Chi Ngãi trường lưu tự cổ kim. Dù không rõ năm Nguyễn Phi Khanh trở về an nghỉ trong lòng đất mẹ, song chuyện phần mộ của ông được táng tại quê nhà là một điều đặc biệt.
Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần năm 1400. Năm 1406, nhà Minh sang xâm lược nước ta. Khi đó, Nguyễn Phi Khanh đã cùng nhà Hồ đánh giặc cứu nước. Nhưng chỉ một năm sau, nhà Hồ thất thủ, cùng với các vua quan trong triều, Nguyễn Phi Khanh bị bắt về Trung Quốc, ông mang theo con trai là Nguyễn Phi Hùng đi theo.
Lúc ấy, Nguyễn Trãi cũng đi theo cha và em trai sang Trung Quốc. Đến ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi nên quay về tìm thời cơ cứu nước. Cụ Nguyễn Phi Khanh từ trần năm 1428 tại Trung Quốc. Còn người con trai Nguyễn Phi Hùng của ông không có tài liệu nào chép lại về những năm tháng cuối đời ở nơi xa xứ.
Sau khi nhà Hồ mất vào tay nhà Minh, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa. Từ Côn Sơn, Nguyễn Trãi tìm đường vào Thanh Hóa phò vua cứu nước. Trong cuộc kháng chiến chống nhà Minh, Nguyễn Trãi là người ban ân huệ cho tên giặc Hoàng Phúc thoát tội chết. Nhớ ơn này, khi trở về Trung Quốc, Hoàng Phúc đã tìm hậu duệ của Nguyễn Phi Hùng, cho mang tro cốt của cụ Nguyễn Phi Khanh về quê nhà Chi Ngãi để an táng.
Cũng theo ông Nguyễn Quy Tuấn, điều này đã được ghi trong gia phả Nguyễn Quy ở Chi Ngãi. Gia phả ghi rõ đó là phần mộ của cụ Nguyễn Phi Khanh, có đặt bia. Từ thời xa xưa, các cụ trong dòng họ đã cắt cử người lên núi trông nom.
Như vậy, tại sao lăng mộ cụ Nguyễn Phi Khanh được đặt trên núi Báo Đức đã có lời giải sáng rõ qua lời kể của hậu duệ và gia phả của dòng họ Nguyễn Quy. Việc lăng mộ của thân phụ người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi được đặt trên núi Báo Đức đã làm giàu có thêm giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của vùng đất Chí Linh bát cổ linh thiêng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.