Mất trắng hàng nghìn tỷ đồng sau thu hoạch lúa

Thứ ba, ngày 05/10/2010 09:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tổn thất sau thu hoạch lúa ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL lên đến 20-30% đã được đề cập từ hàng chục năm nay. Thế nhưng, các cơ quan chức năng và ngành nông nghiệp vẫn loay hoay.
Bình luận 0

Tiếc lắm… nhưng hết cách

Đó là câu trả lời của lão nông Huỳnh Nghĩa Nhân đang canh tác hơn 3ha đất lúa 2 vụ ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang.

Ông khẳng định: “Tui làm lúa tính đến nay ngót 50 năm rồi. Giờ cũng vẫn vậy, chủ yếu cũng vẫn làm theo kiểu gặt tay, vác bằng lưng, suốt xong thì đem phơi sân đất… Thất thoát cũng phải chịu thôi!”. 

img
Lúa phải phơi trên ruộng, dọc đường đi ngoài hao hụt về số lượng còn giảm cả chất lượng

Ông cho biết, ngày trước làm xong vụ nào, cả nhà đều kéo nhau đi mót lúa rơi vãi ngoài ruộng. Có khi lúa mót được đến cả chục giạ (mỗi giạ 20kg – PV), đủ lúa cho cả nhà ăn mấy tháng trời…

“Nếu tính ra gian nan hơn 3 tháng ròng mới làm ra hột lúa, thấy rơi vãi nhiều vậy cũng tiếc lắm chứ... Nhưng cũng không biết làm sao cải thiện được!”.

Theo nhiều nông dân ở đây, hiện nay dù làm lúa 2 – 3 vụ, áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, dùng cả giống cứng thân, chống ngã đổ nhưng nông dân “huyện lúa” này vẫn bị tổn thất rất nhiều.

Ông Lê Văn Nuôi, canh tác hơn 1ha lúa ở xã Mỹ An (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), nói thêm: “Sau công đoạn gặt, đến công đoạn đem phơi lúa còn bị mất thêm một số đáng kể nữa. Mà tụi tui chỉ biết nó là khá nhiều, chứ cũng không thể tính cụ thể là bao nhiêu… Vì người dân ở đây toàn phơi lúa trên sân gạch, sân xi măng, sân đất… lúa bị gãy, nứt, tróc vỏ, thất thoát và bị lái lúa chê bai, ép giá… Rất khó tính được các khoản đó”.

Theo nhiều hộ dân ở An Giang, Đồng Tháp… họ cũng có nghe khuyến cáo dùng lò sấy sẽ giảm thất thoát, nhưng chi phí quá cao (trung bình mỗi tấn lúa sẽ đội giá lên từ vài trăm ngàn đồng) nên ít hộ dùng.

Mất hàng ngàn tỷ đồng…

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), hiện mức tổn thất trên đồng ruộng của nông dân khu vực Đông Nam Á nói chung và ĐBSCL nói riêng, ước tính dao động trong khoảng 15-20%. Nếu chọn Kiên Giang (một trong những tỉnh có diện tích lúa đứng hàng đầu cả nước) làm so sánh, sản lượng lúa của tỉnh này ước tính khoảng 3,4 triệu tấn/năm. 

img
Máy gặt đập liên hợp sẽ giúp giảm thất thoát lúa

Như vậy, mỗi năm nông dân tỉnh này tổn thất 320.000-400.000 tấn lúa ở công đoạn “sau thu hoạch”. Nếu tính giá lúa theo giá “bảo hiểm” của Chính phủ đề xuất là 4.000 đồng/kg; mức tổn thất nói trên đồng nghĩa với việc hàng năm nông dân tỉnh này bị thiệt hại khoảng 1.400 tỷ đồng.

Đau lòng là ở Tiền Giang, một tỉnh có sản lượng lúa khá “khiêm tốn”, chỉ khoảng 1,4 triệu tấn/ năm và nông dân có trình độ “cơ giới hoá” vào hàng cao nhất khu vực.

Theo một khảo sát của Sở NN&PTNT tỉnh này, tổn thất sau thu hoạch vẫn dao động ở mức trên 10,8%. Cụ thể, thất thoát do thu hoạch thủ công, phơi sấy thô sơ, kho bãi tồn trữ không đạt tiêu chuẩn… mỗi năm trung bình mất 140.000 tấn. Và nếu cũng áp dụng bài toán nói trên, tổn thất của nông dân tỉnh này vẫn lên đến hơn 560 tỷ đồng/năm.

Tại một Hội nghị do Viện Nghiên cứu Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) vừa tổ chức ở An Giang, một chuyên gia đã đưa ra một con số thống kê gây “choáng” các đại biểu tham dự: Có nhiều địa phương, tổn thất sau thu hoạch lúa lên đến 20-30%! Điều này đồng nghĩa, thiệt hại của nông dân là vô cùng lớn và “không thể chấp nhận” đối với bất cứ chuyên gia kinh tế nào làm bài toán hạch toán hộ nông dân ĐBSCL trong “canh bạc” trồng lúa!

Điều đáng quan ngại là hầu hết nông dân biết nhưng đành phải bó tay với sự tổn thất này (!). Tổn thất kinh khủng như vậy nhưng cho đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra con số thiệt hại chính thức và giải pháp cụ thể để hướng dẫn nông dân giảm tổn thất sau thu hoạch. Lãng phí này càng đau xót hơn trong khi nhiều nông dân còn rất nghèo.

-------------------

>> TS Nguyễn Ngọc Đệ (Trường Đại học Cần Thơ): Tôi từng tham gia các chương trình chống thất thoát sau thu hoạch của Viện Lúa quốc tế. Tôi cho rằng những thất thoát đó là hoàn toàn có thể kéo giảm và làm cho nông dân tăng lợi nhuận từ thu hoạch lúa. Điều này đòi hỏi nông dân phải ưu tiên áp dụng các tiến bộ về công nghệ sau thu hoạch như: Máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa, hệ thống kho tồn trữ kín... Ngoài ra, các nhà máy xay xát cũng nên áp dụng kỹ thuật xay xát cải tiến, đầu tư và thay thế hệ thống máy móc hiện đại hơn để giảm đáng kể tổn thất do làm gãy vụn hạt gạo trong quá trình xay xát, đáp ứng đúng yêu cầu tiêu chuẩn của các doanh nghiệp xuất khẩu.

>> TS Lê Văn Bảnh-Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Hiện tại các lò sấy lúa trong vùng chỉ đáp ứng tối đa 30-35% nhu cầu của nông dân. Khả năng dự trữ, bảo quản lúa của nông dân rất thấp, không quá 3 tháng. Trong điều kiện mưa gió, nếu trữ lúa trong nhà khoảng 1-2 tháng là có vấn đề, chất lượng sụt giảm, thất thoát rất lớn. Tình trạng mưa dầm, lũ ngập, nông dân khó có điều kiện phơi sấy, trữ lúa tại nhà không phải là mới, thì việc nhanh chóng xây dựng hệ thống kho chứa quy mô lớn ở ĐBSCL là rất rất thiết. Giải pháp này giúp đảm bảo chất lượng, giảm giá thành, giảm thất thoát rất lớn cho nông dân…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem