Mới nắng nóng đầu hè, đang đá bóng bỗng ngã lăn hôn mê

Lê Mai Thứ tư, ngày 01/05/2019 12:26 PM (GMT+7)
Mới chỉ đầu hè, nhưng mỗi ngày, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị đột quỵ do nắng nóng. Theo các chuyên gia y tế, nhiệt độ cao khiến các bệnh nhân có bệnh mãn tính, thói quen sinh hoạt không tốt có nguy cơ bị đột quỵ cao. Thậm chí có người đang đá bóng bỗng ngã lăn hôn mê bất tỉnh.
Bình luận 0

Đang đá bóng bỗng ngã lăn hôn mê

Mới đây, BV Bạch Mai đã xảy ra một sự việc đáng tiếc, khi một nhân viên y tế trẻ đã đột quỵ và tử vong khi tham gia một trận bóng. Bạn bè cho biết, anh này đang chạy tranh bóng, bỗng nhiên ngã xuống rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê, ngừng tuần hoàn. Kết quả chiếu chụp cho thấy, bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện.

Mặc dù được cấp cứu kịp thời và nhanh chóng nhưng ổ vỡ quá lớn, diễn biến nghiêm trọng. Vì thế, khi vừa ngã xuống, bệnh nhân đã nhanh chóng rơi vào hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn và tử vong.

img

  Mùa nắng nóng, mỗi ngày, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị đột quỵ. Ảnh: L.M

Nhận biết và sơ cứu người
bị đột quỵ

Dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt nửa cơ thể, liệt một tay, một chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội.

Cách sơ cứu là đặt bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở và nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở cho bệnh nhân.

Tư vấn của bác sĩ
Đào Việt Phương

PGS - TS Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng Khoa Cấp cứu A9 - BV Bạch Mai cảnh báo, dự báo thời tiết cho thấy, tình hình nắng nóng năm nay sẽ đạt mức kỷ lục. Do đó, các ca đột quỵ có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

PGS Chi phân tích, nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ, mà chỉ là yếu tố thuận lợi thúc đẩy đột quỵ ở những người có nguy cơ gây đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…

Theo PGS Chi, nắng nóng và chế độ sinh hoạt thường ngày không tuân thủ điều trị, như không uống thuốc huyết áp, ăn mặn, không vận động, suốt ngày khó chịu căng thẳng dẫn đến huyết áp tăng, nguy cơ đột quỵ tăng. Nguy hiểm hơn là trước đây, tỉ lệ người lớn tuổi bị đột quỵ cao, nhưng nay tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi còn cao hơn.

“Giống như đồng nghiệp trẻ đang đá bóng, thời tiết nóng không phải là nguyên nhân gây đột quỵ. Nhưng bệnh nhân đã có sẵn nguy cơ bất thường về tim mạch, khi gắng sức chơi thể thao trong trời nắng nóng thì làm tăng nguy cơ khiếm mạch máu vỡ và gây xuất huyết não” - PGS Chi nói thêm.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, làm việc tại BV Lão Khoa T.Ư, nhận định, trời nắng nóng khiến người già dễ tăng huyết áp, có nguy cơ bị đột quỵ cao. Do đó, người già không nên ra đường vào lúc nắng nóng cao điểm, nếu đang ở phòng điều hòa mát cũng tránh đột ngột ra ngoài, phải chờ cơ thể thích ứng với nhiệt độ cao bên ngoài để tránh hiện tượng mạch máu bị nở ra bất thường, dễ vỡ.

Đảm bảo sinh hoạt điều độ

Theo PGS Chi, những người mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp cần đảm bảo 3 yếu tố: Ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi, thuốc điều trị nhằm đạt mục tiêu đạt huyết áp ổn định. Nếu người dân muốn luyện tập thể thao, cũng nên tránh thời điểm nắng nóng nhất (khoảng từ 12-16 giờ). Bởi, trong môi trường nắng nóng, nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ có nguy cơ gây ra đột quỵ hoặc sốc nhiệt.

Còn những người lao động thường xuyên phải làm việc ngoài trời nắng nóng như nông dân, công nhân xây dựng, xe ôm… nên hạn chế làm việc vào khoảng thời gian có nhiệt độ cao, không đứng ngoài trời liên tục trong thời gian dài. Đồng thời, phải mặc áo chống nắng, đội mũ, đảm bảo uống đủ nước để đề phòng mất nước, sốc nhiệt…

Bác sĩ Đào Việt Phương làm việc tại khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết, thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là trong vòng 6 giờ đầu xảy ra dấu hiệu đột quỵ. Do đó, nếu người nhà, đồng nghiệp thấy có người có dấu hiệu đột quỵ, nên đưa đi cấp cứu sớm. Với kỹ thuật tiêu sợi huyết chữa đột quỵ mà BV Bạch Mai đang áp dụng hiện nay, nếu được cấp cứu sớm, các bệnh nhân đột quỵ đều qua khỏi và phục hồi rất tốt.

“Đáng tiếc, chỉ 10% bệnh nhân bị đột quỵ đến chỗ chúng tôi trong khung giờ vàng” - bác sĩ Phương cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem