Môn phái Vũ Gia Thân Pháp: 3 quả đấm - huyền bí và uy lực

Hà Quỳnh Chủ nhật, ngày 29/01/2017 07:13 AM (GMT+7)
Buổi đầu bén duyên với Vũ Gia Thân Pháp qua một anh bạn giới thiệu, tôi đã tìm đến võ đường tại 74 Phó Đức Chính (Ba Đình, Hà Nội) đúng vào buổi tập. Tôi thật sự ấn tượng và xin thầy - võ sư - Chưởng môn Nguyễn Tiến Mỹ (ảnh) cho làm đệ tử với tất cả sự kính phục.
Bình luận 0

img

Uy lực ba quả đấm huyền bí

Ngồi bên bàn trà theo dõi, tôi chỉ thấy các võ sinh xoay người và đấm. Những cú đấm vào không khí rất nhẹ nhàng như không có tí lực nào. Tôi bắt đầu thất vọng. Lúc sau, thấy các võ sinh mặc giáp, đeo găng thì thôi rồi, cú đấm làm cho đối phương phải lùi 1-2, thậm chí đến 3m. Tôi tò mò, có ý định thử nên đã nói nhỏ với anh bạn cho mặc giáp. Để cẩn thận hơn, tôi ôm thêm một giáp nữa trước ngực và lấy hết sức gồng người đón chờ cú đấm như trời giáng ấy. Quả thật, tôi phải bật ra sau, 2 chân như ríu lại, nhờ có bức tường đỡ tôi khỏi ngã nhưng ngực đau tức đến khó tả. Nếu  không găng, giáp thì không biết tôi sẽ ra sao.

img

Quả đấm một đầy uy lực và lợi hại trong Vũ Gia Thân Pháp. L.H.T

Sau buổi hôm ấy, tôi thường tranh thủ những lúc rảnh rỗi lại đến võ đường để tập luyện những kỹ thuật căn bản của môn phái. Từ động tác đầu tiên xoay người cũng mất vài ngày dù tôi là người tiếp thu nhanh, tiếp theo là những kỹ thuật đỡ cơ bản rồi tiếp đến là tiến, thoái, lật, lướt..., mới nghe qua thật mơ hồ, ngay cả các môn sinh cũng chưa thể một chốc một lát mà ngộ ngay được. 

Để có được 3 quả đấm là cả một vấn đề đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và tập luyện công phu “Ý - Khí  - Lực”. “Ý ở đâu Khí ở đó và khí sẽ sinh ra Lực. Lấy lực từ chân lên hông, vai và cuối cùng mới đến tay chỉ là chọn điểm muốn đánh đối phương, kết hợp với xoay người, bật thân trong khuôn hình “túc bất ly địa, thủ bất ly thân- chân không rời đất, tay không rời người”. Tất cả những thứ đó phải đồng tốc, cùng một nhịp thì cú đấm mới hiệu quả” - thầy luôn nhắc nhở học trò như vậy. Bộ pháp vững chắc với bước đi linh hoạt của mèo (chân mèo), bật, lướt của khỉ (chân hầu) kết hợp nhuần nhuyễn với bộ tay khéo léo của Vĩnh Xuân. Tất cả những kỹ năng đó đã giúp tôi hiểu kỹ càng hơn câu nói “Lấy nhu chế cương, lấy yếu thắng mạnh”, “nhu mềm mà không yếu, cương chắc mà linh hoạt” - đó là kim chỉ nam cho các thế hệ tiếp nối con đường võ đạo của môn phái.

img

Trong công có thủ, trong thủ có công. L.H.T

Sau vài tháng tập luyện, tôi cảm nhận sức khỏe được cải thiện rõ rệt, những kỹ thuật căn bản đã lĩnh hội được phần nào, cộng thêm những lần nghe nhiều kỷ niệm vô tiền khoáng hậu của môn phái mà thầy và các môn đệ kể lại tôi mới thấu uy lực và sự huyền bí của 3 quả đấm - “đặc sản” của môn phái.

img

Di hình hoán ảnh.  Ảnh: L.H. T

Thượng đài

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, thầy Mỹ và một số anh em tâm huyết có ý định mở võ đường để đào tạo và truyền dạy những kỹ thuật cận chiến đầy hiệu quả của môn phái, nhưng nhận thấy đây là điều cực kỳ khó khăn, không thể tránh khỏi việc so găng phân tranh cao thấp, thậm chí những băng đảng có thể đến võ đường quấy rối và sẵn sàng đập phá, vòi vĩnh để võ đường khó bề hoạt động. Lường trước được việc đó, thầy chủ động đến các lò võ đất Hà thành xin được giao lưu tỉ thí trên tinh thần thượng võ “đóng cửa bảo nhau” không gây thương tích về thể xác cũng như tinh thần đối thủ (vì vậy cho đến nay, vài lần tôi gặng hỏi tên tuổi các võ sư bại trận nhưng thầy vẫn giấu).

Thật hiệu quả với lối đánh riêng bằng thân pháp của môn phái, không hoa mỹ, múa may, thiên về biểu diễn như một số môn phái khác. Để cho đối phương ra đòn, chỉ với cú xoay người, lật thân làm đối phương mất phương hướng, lập tức áp sát đối thủ, kết hợp với tì đè làm cho đối phương không thể cất chân, cất tay, liền di thân, bật người ra sau đối phương (mà sau này tôi mới biết đó chính là thuật “di hình hoán ảnh”), rồi chỉ vỗ nhẹ vào đối thủ để họ biết đã dính đòn. Nhiều đối thủ nhận ra ngay, cũng có nhiều kẻ mãi sau mới ngộ ra được chiêu thức đầy huyền bí của môn phái. Đánh mà như đùa với đối thủ, để họ tự nhận ra dù có quyết chiến thì rốt cuộc vẫn thua (nhưng không bị tiêu diệt, không bị dồn vào thế tuyệt lộ) bởi thầy luôn quan niệm làm cho họ sẽ tâm phục khẩu phục- vừa công pháp, vừa tâm pháp- chứ không ra đòn nặng nề đến mức kẻ bại trận nung nấu quay cuồng với ý định phục thù phục hận.

img

Điều đáng nói về thầy Nguyễn Tiến Mỹ mà nhiều đối thủ phải kính phục là khẩu khí, những cái chạm tay, thần sắc, phong thái... Thầy kể, có lần tại một võ đường, đang uống trà đàm đạo võ học, bất ngờ đối phương vơ chiếc chai trên bàn đập vỡ định uy hiếp, nhanh như cắt, thầy đặt tay tì lên tay đối phương chặn cứng - sau đó là cái bắt tay đầy tình hữu hảo.

Những năm tháng đó, rất nhiều võ sư ở miền Trung, miền Nam ra Hà Nội giao lưu, tỉ thí, đáng chú ý nhất là một cao thủ Nam Bộ từng qua 21 võ đường khoe chiến thắng. Thầy  tôi lại buộc phải động thủ và tất nhiên là đối phương xin thua trong tâm phục, khẩu phục.

Trong võ có đạo, trong đạo có võ

“Môn võ mà tôi tâm huyết, theo đuổi cả đời là võ tự vệ, khi không thể dàn hòa, không thể lui, bị dồn vào chân tường thì mới ra tay. Học võ, đầu tiên là rèn luyện sức khỏe, hoàn thiện mình để bảo vệ bản thân và những kẻ yếu. Vấp không được ngã, rửa bát không được vỡ, võ ở trong tâm chứ không phải ở những đòn đấm, đòn đá của kẻ vũ phu, côn đồ...” - đó là những câu nói mà thầy Mỹ luôn nhắc nhở học trò của mình.

img

Vào những dịp lễ của môn phái, thắp nén hương dâng Tổ phụ, mắt thầy lại sáng lên đầy vẻ tự hào và kể: Đầu thập niên 90, giới võ thuật Tiệp Khắc, một trong những trung tâm karatedo của châu Âu, mời sư phụ tôi -   Sư tổ Vũ Bá Quý sang thăm. Năm đó cụ đã 82 tuổi, cân nặng chỉ còn 47kg, lưng còng, sức khoẻ giảm sút nhiều nên cụ không chủ định thi triển võ thuật mà chỉ nói chuyện võ đạo trong đời sống. Bất ngờ có 3 võ sư Tiệp đề nghị được giao đấu, cụ vẫn khiêm nhường chối từ, nhưng có một võ sư bản địa lỡ buông lời khích bác. Lòng tự hào dân tộc trỗi dậy trong khí huyết cụ, phải bảo vệ vẹn tròn danh dự cùng màu cờ sắc áo, cụ cảnh báo đối thủ rồi tung chiêu về phía bộ tam kỳ phùng địch thủ kia, đánh bật cả 3 võ sư cao lớn có trọng lượng gần gấp đôi bằng thân pháp điêu luyện, tinh tế. Tên tuổi cụ vang danh trên báo chí Tiệp Khắc, cái tên Vũ Gia Thân Pháp từ đó càng được khuếch trương thanh thế lẫy lừng từ tuyệt kỹ “ba chùy” vô tiền khoáng hậu đó.

Tiếp nối danh xưa, các đệ tử chân truyền luôn khắc sâu ghi nhớ: “Học văn cho võ bớt phu – Học võ cho văn bớt nhược” để cùng vun đắp lưu truyền hào khí danh bất hư truyền của Vũ Gia Thân Pháp.

 “Học văn cho võ bớt phu – Học võ cho văn bớt nhược”  - đó là nền tảng của môn phái mà lớp lớp các đệ tử chân truyền luôn khắc sâu ghi nhớ. Học võ để hoàn thiện bản thân, rèn tính kiên trì, bền bỉ, nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân và giúp kẻ yếu...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem