Cứ chiều tối là một thầy giáo ở Hòa Bình "đắm đuối" nuôi con đặc sản lạ hoắc, thế mà có thêm "lương"

Tuệ Linh - Xuân Tuấn Chủ nhật, ngày 10/03/2024 05:42 AM (GMT+7)
Cả ngày "gõ đầu trẻ" ở trường, chiều về anh Bùi Văn Huyển ở xóm Lòn (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) lại "toàn tâm toàn ý" vào nuôi con don-một con đặc sản bán đắt tiền có thân mình đầy gai sắc nhọn. Sau cả năm chăm sóc loài gặm nhấm này, anh Huyển bắt đầu có thêm một "khoản lương".
Bình luận 0

Thầy giáo ở Hòa Bình nuôi con don-con đặc sản, giá bán cao

Tại trang trại của gia đình, ngoài nuôi don, anh Huyển còn nuôi gà, vịt. Nói về hiệu quả của con don, anh Huyển không giấu diếm: “Giá bán hiện tại là 1,4 triệu đồng/1kg. 

Nuôi don sau 2 năm, nó có thể đạt trọng lượng 4kg. Trong khi đó, thức ăn cho chúng rất đơn giản như sắn, ngô, chuối. Những thứ này luôn sẵn có ở vùng miền núi”.

Cứ chiều tối là một thầy giáo ở Hòa Bình "đắm đuối" nuôi con đặc sản lạ hoắc, thế mà có thêm "lương"- Ảnh 1.

Anh Bùi Văn Huyển ở xóm Lòn (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) chăm sóc đàn don-con đặc sản bán đắt tiền. Ảnh: Tuệ Linh.

Chuồng nuôi con don được anh Huyển xây kiên cố và kín mít ở bên cạnh quả đồi, chỉ để một cửa ra vào và luôn được khóa cẩn thận.

Dẫn chúng tôi đi thăm đàn don, anh Huyển chia sẻ: “Don không thích ánh sáng nên phải làm chuồng thật tối. Nó sống quây quần thành đàn, do vậy không nhốt riêng mà cho chúng ở theo hộ gia đình. Chỉ khi nào đến thời kỳ sinh sản, phối giống mình mới cần nhốt riêng don đực và don cái vào 1 chuồng”.

Dọc hành lang chuồng don, anh Huyển để đầy chuối và sắn. Đây là nguồn thức ăn chính cho đàn don. 

Do được chăm sóc tốt nên đàn don phát triển tốt. 2 dãy chuồng chạy dài được làm kiên cố tựa như một cái lồng kín. Phía trong đám don leo trèo, chạy nhảy thỏa thích.

Vừa lấy củ sắn cho đám don ăn, anh Huyển vừa nói: “Đám don thích chạy nhảy, nó leo giỏi chẳng kém gì đám chuột. Hơn nữa, nó thích sống cùng anh em, họ hàng nhà chúng. Mình tách ra nó sẽ kém phát triển”.

Cứ chiều tối là một thầy giáo ở Hòa Bình "đắm đuối" nuôi con đặc sản lạ hoắc, thế mà có thêm "lương"- Ảnh 3.

Những con don thân mình đầy lông nhọn sắc nhọn trông như lông nhím đang được nuôi trong khu chuồng trại của anh Huyển, một thầy giáo ở xã xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Xuân Tuấn.

Theo anh Huyển, don phát triển rất nhanh. Sau 2 tuần chào đời, don con có thể rời tổ và lông bắt đầu cứng. Don con khá hiếu động và thích chạy nhảy, đùa giỡn cùng nhau. Don con bú mẹ 6-8 tuần và bắt đầu tập ăn cây cỏ...

Don sinh trưởng, phát triển trung bình 0,5 - 0,7 kg/con/tháng. Don trưởng thành 7 - 8 tháng và đạt trọng lượng 3 - 4 kg/con thì bắt đầu sinh sản. 

Cũng giống như loài gặm nhấm, don sinh sản quanh năm không theo mùa vụ. Khi don được 7-8 tháng tuổi thì bắt đầu động dục. 

Khi muốn giao phối, nước tiểu của don đực nặng mùi khai hơn và chúng thường đánh nhau tranh giành con cái.

So với đám gia súc, gia cầm, con don thuộc loài ăn tạp, thức ăn của don bao gồm tất cả các loại rau, củ, quả, rễ cây, mầm cây dù ngọt, bùi, đắng, chát…; thức ăn tinh hỗn hợp, thức ăn bổ sung khoáng, sinh tố…; thức ăn động vật gồm: Côn trùng, ốc, giun đất...

Cứ chiều tối là một thầy giáo ở Hòa Bình "đắm đuối" nuôi con đặc sản lạ hoắc, thế mà có thêm "lương"- Ảnh 5.

Thực ăn của con don đặc sản có sẵn tại địa phương nên không tốn nhiều chi phí chăm sóc. Ảnh: Xuân Tuấn.

“Tôi chỉ cho chúng ăn ngô, sắn và chuối, ngày cho ăn 2 lần. Muốn chúng phát triển tốt, khi làm chuồng, mình phải để các bậc cho chúng leo trèo. Chuồng trại phải làm vệ sinh thường xuyên”, anh Huyển bảo vậy.

Phát triển thành trại don giống trên đất Hòa Bình

Anh Huyển sinh ra và lớn lên ở xứ Mường. Từ nhỏ, anh đã cùng các phường săn vào rừng săn bắt don ở hang đá. 

Sau mỗi năm, số lượng don trong tự nhiên ngày một ít đi. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà hàng về loài gặm nhấm này rất lớn. Thịt của chúng thơm ngon, bổ dưỡng, nhưng việc săn bắt ngoài tự nhiên là phạm pháp.

Anh Huyển luôn ấp ủ một ngày nào đó sẽ tiến hành nuôi loài don với quy mô lớn. Đam mê nông nghiệp, nhưng duyên phận lại đưa anh đến với nghề "gõ đầu trẻ". 

Cứ chiều tối là một thầy giáo ở Hòa Bình "đắm đuối" nuôi con đặc sản lạ hoắc, thế mà có thêm "lương"- Ảnh 7.

Thịt con don là thịt đặc sản, thơm ngon nên được nhiều người săn tìm. Ảnh: Xuân Tuấn.

Suốt 28 năm qua, anh gắn bó với trường lớp vùng cao ở chính quê hương mình. Mấy năm gần đây, khi lịch dạy học cũng vãn, anh trở lại với đam mê của mình là gắn bó với nghiệp nông gia.

Anh Huyển kể, trong những ngày học đại học ở Thái Nguyên, anh có cơ hội đi thăm những trại nuôi don lớn của bà con nơi đây. 

Họ làm chuồng và nuôi bài bản loài gặm nhấm cho thịt thơm ngon này. Hơn nữa, mỗi con don đều có hồ sơ đăng ký với kiểm lâm nhằm quản lý loài vật nuôi này. Về bản, anh nung nấu và gom tiền rồi tay nải lên Thái Nguyên mua don về nuôi.

Biết ý định của anh, gia đình rất ủng hộ. Bởi lẽ việc nuôi động vật hoang dã có kiểm soát sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Tôi mua 20 con don bố mẹ, trong đó có 4 con đực. Khi đưa chúng về nuôi, tôi cũng lo lắm, vì mình chưa hiểu hết về chúng. 

Tuy nhiên, sau cả năm gắn bó với đám don này, tôi nhận thấy nuôi chúng còn dễ hơn nuôi gà. Chúng ăn rồi chơi và lớn, không mắc bệnh tật gì”, anh Huyển chia sẻ.

Hiện đàn don của anh Huyển đang phát triển tốt, 16 con don mẹ chuẩn bị đẻ. Theo anh Huyển, nếu việc này thuận lợi, cuối năm nay đàn don của anh có thể nâng lên vài chục con. 

Bước đầu, anh gây đàn rồi mở rộng quy mô nuôi 200 con don sinh sản để cung cấp giống cho trại và cho những người nông dân khác muốn nuôi.

“Nuôi don nhàn hạ và dễ kiếm thức ăn, đầu ra lại rất dễ, nó phù hợp với quy mô hộ gia đình người Mường nơi đây”, anh Huyển nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem