Thần đồng Đào Sư Tích
Trạng nguyên Đào Sư Tích sinh trưởng tại vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất nổi tiếng khoa bảng thuộc xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Cha ông - Tiến sĩ Đào Toàn Bân được triều đình bổ nhiệm làm quan tại phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định nên cậu bé Đào Sư Tích theo cha về Nam Định sinh sống để được cha dạy dỗ học hành. Từ nhỏ Đào Sư Tích đã bộc lộ trí tuệ phi phàm, bảy tuổi ông nổi tiếng là Thần đồng của nước Đại Việt.
Ở khoa thi Hương, Đào Sư Tích đỗ danh sách thứ nhất (Hương nguyên). Vào thi Hội, thi Đình ông đều đỗ thứ nhất: Đình Nguyên, Trạng nguyên nên ông được phong là vị Tam nguyên đầu tiên và duy nhất đời Trần. Không chỉ là một vị quan thanh liêm của Đại Việt, Đào Sư Tích còn là một nhà ngoại giao đại tài khi đi sứ phương Bắc khiến vua Minh e sợ.
Chân dung trạng nguyên Đào Sư Tích.
Vào những năm 1380, quan hệ giữa nhà Minh và Đại Việt rất xấu. Nhà Minh tạo nhiều sức ép nhằm có cớ để xâm chiếm Đại Việt. Tháng 9 năm 1384, nhà Minh yêu cầu Đại Việt phải cung cấp lương thực cho quân Minh đang ở Vân Nam.
Tháng 3 năm 1385, nhà Minh lại yêu cầu phải nộp 20 tăng nhân. Tháng 2 năm 1386, nhà Minh lại đòi phải nộp các loại cây ăn quả quý, cấp 50 thớt voi để đánh Chiêm Thành.
Tháng 6 năm 1395, quân Minh tiến đánh quân phản loạn ở Quảng Tây, yêu cầu Đại Việt phải cung cấp 5 vạn quân, 50 vạn thạch lương, 50 thớt voi. Về yêu cầu này, nhà Trần chỉ nộp lương thực, quân Minh yêu cầu phải nộp tiếp tăng nhân, thanh niên và phụ nữ phục vụ chiến trường.
Đền thờ trạng nguyên Đào Sư Tích tại xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Các yêu cầu của nhà Minh ngày càng vô độ nên triều đình cần người tài giỏi đi sứ nhằm xoay chuyển tình thế. Bấy giờ nhà Trần ở vào thời mạt, quyền lực trong triều dần bị Hồ Quý Ly nắm lấy. Hồ Quý Ly khi tìm người thì thấy chỉ có mình Đào Sư Tích từng đỗ trạng nguyên là có thể đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên lúc này Đào Sư Tích chán cảnh Hồ Quý chuyên quyền nên đã cáo quan về quê bốc thuốc và dạy học.
Dù không ưa gì Đào Sư Tích nhưng vì không thể có ai thay thế, Hồ Qúy Ly đành phải xin vua Trần cho Đào Sư Tích đi sứ. Khi Hồ Quý Ly triệu Đào Sư Tích vào triều có ra lệnh nếu Đào Sư Tích không hồi triều đi sứ sẽ bị tru di tam tộc.
Để đề phòng dòng họ bị sát hại, Đào Sư Tích đã đổi con cháu sang họ Phạm rồi mới về triều. Sau này lại có người đổi từ họ Phạm sang họ Dương. Vì thế mà ngày nay từ đường họ Đào ở Cổ Lễ (quê của Đào Sư Tích) có bức đại tự ghi là Đào – Phạm – Dương. Bên cạnh đó, có một nhánh con cháu họ Đào đổi sang họ Nguyễn.
Vị trạng nguyên khiến vua Minh e sợ
Chuyến đi sứ này Đào Sư Tích đã thuyết phục nhà Minh bỏ và giảm nhẹ nhiều lệ cống nạp hàng năm, trong đó bỏ hẳn được việc cống nạp tăng nhân, góp phần quan trọng kéo dài thời gian hòa hoãn cho Đại Việt.
Tài năng, trí tuệ của Đào Sư Tích khiến triều đình nhà Minh cũng phải e ngại, trong dân gian còn lưu truyền lại một giai thoại về chuyến đi sứ cuối cùng và sự việc khiến ông qua đời.
Khi thời hạn đi sứ sắp hết, vua Minh có hỏi Đào Sư Tích rằng: “Nếu Bắc đánh Nam thì ai thắng?”
Đào Sư Tích bèn ngâm hai câu thơ trả lời:
Bắc thắng, Nam thua, thua thua thắng
Nam thua, Bắc thắng, thắng thắng thua.
Câu trả lời của Đào Sư Tích khiến các quan võ cười khoái trá nhưng vua Minh và các quan văn thì không thể cười được, bởi hai câu thơ này có đến 5 chữ “thắng”, 5 chữ “thua”. Ngụ ý nhà Minh tiến đánh Đại Việt thì 5 thắng 5 thua tức không thể thắng được.
Câu trả lời lời của Đào Sư Tích thể hiện được ý chí của nước Nam lại cũng không làm phật lòng vua Minh, giúp kéo dài thời gian hỏa hoãn giữa hai nước, có lợi cho Đại Việt.
Vua Minh lại hỏi tiếp: “Nhà Trần suy vong, Hồ Quý Ly chuyên quyền, lòng dân ly tán, tại sao ta không thắng?”
Đào Sư Tích cũng lại đáp bằng hai câu thơ: “Trần thực, Hồ hư, hư hư thực/ Cổ lai chinh chiến thực thực hư hư”. Nghĩa là: “Nhà Trần là thực, Hồ chỉ là hư, hư là hư thực/ Xưa nay chinh chiến thực thực hư hư.”
Biết không dễ gì khuất phục được một người giỏi như Đào Sư Tích, vua Minh liền nghĩ cách phải triệt hạ ông. Vua trao cho vị quan chuyên tiếp đón Đào Sư Tích bốn phong thư và dặn rằng phải mở theo thứ tự.
Đền Đào Sư Tích tại thị trấn Cổ Lễ, Trực Ninh, tỉnh Nam Định cũng đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Viên quan này mở phong thư thứ nhất thấy có câu “thượng văn vấn, hạ tri vương” nhưng không hiểu ý là gì bèn hỏi Đào Sư Tích.
Đào Sư Tích trả lời rằng: “Văn là nghe, nghe là tri, tri là nhĩ (耳). Vấn là hỏi, hỏi là khẩu (口). Bên dưới có chữ vương (王). Hợp ba chữ: nhĩ, khẩu, vương thành chữ thánh (聖). Vua Minh có ý bảo ta là thánh nhân đó mà. Vua Minh quá khen, cho ta là bậc thánh hiền. Ta đâu dám nhận lời khen đó.” Sau đó vị quan mở phong thư thứ 2, đây chính là đáp án giải nghĩa cho phong thư thứ nhất, đúng như những gì Đào Sư Tích đã giải nghĩa khiến viên quan kinh ngạc và thán phục.
Phong thư thứ ba là sắc phong Đào Sư Tích làm lưỡng quốc trạng nguyên, tức trạng nguyên của cả Trung Hoa lẫn Đại Việt.
Phong thư thứ tư có hai dòng chữ:
"Hậu hoạ
Nhất dược nhị đao".
Vị quan này hiểu rằng đây là mệnh lệnh phải giết Đào Sư Tích bằng đao hoặc độc dược nên ông rất buồn bã. Nhìn vẻ mặt của vị quan này, Đào Sư Tích đoán được sự việc liền an ủi rằng: “Thánh thì thoát tục. Ông chẳng nên quá buồn rầu. Chỉ xin cho được chết bằng thuốc độc để ông khỏi phải khổ tâm khi phải trực tiếp giết ta”.
Sau đó, Trạng nguyên Đào Sư Tích qua đời khi đi sứ xứ người. Thi hài ông được đưa về nước mai táng tại phủ Thiên Trường – Nam Định. Sau khi mất, ông đã được người dân lập đền thờ tại nhiều nơi, hiện đền thờ Đào Sư Tích có ở Bắc Giang, Nam Định đều được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Cuộc đời của Đào Sư Tích đã đi vào tâm thức dân gian, ca dao cũng như lời hát ru con của người dân nơi quê ông trong đó có những câu ngợi ca tài đức của ông: “Bảy tuổi đắc phong thần đồng/Hữu tài thành chủ hàm công rõ rành./ Thi Hương, thi Hội, thi Đình, Đứng đầu Đại Việt, anh minh sáng ngời…”.
Hiện trong nhà thờ của dòng họ Đào Văn ở làng Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) vẫn còn lưu hai câu đối:
* Song Khê miếu đường lưu vạn đại
Trần triều khoa giáp đệ nhất môn
* Khoa giáp thiên thu, gia phụ tử
Thanh danh vạn cổ, quốc quân thần
Con cháu họ Đào Văn Song Khê cũng được truyền lại nhiều mẩu chuyện, giai thoại rất thú vị về Tiến sỹ Đào Toàn Mân và Trạng nguyên Đào Sư Tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.