Mùa lũ muộn ở Đồng Tháp Mười: Cá tôm đã ít, hẹ nước còn khan hiếm

Chủ nhật, ngày 06/10/2019 06:35 AM (GMT+7)
Sau thời gian mòn mỏi chờ lũ, nay người dân vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An được thỏa ước vọng khi nước từ thượng nguồn tràn về mang theo cá, tôm. Tuy nhiên, lũ nhỏ đồng nghĩa với việc cá, tôm ít, nhiều người sống bằng nghề giăng câu, lưới cá đành phải ngậm ngùi bỏ nghề, kiếm công việc khác để mưu sinh.
Bình luận 0

Chạy xe dọc các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, chúng tôi thấy tại một số địa phương, nước đã “nhảy” khỏi bờ. Theo đó, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân tất bật mưu sinh với đủ loại hình đánh bắt thủy sản như thả lưới, cắm câu, đặt dớn, đặt xà di,...

img

Dù lũ thấp, các đặc sản mùa nước nổi ít, người dân vùng Đồng Tháp Mười vẫn rất vui vẻ, vì lũ đã về.

Công việc tuy vất vả, thường bắt đầu từ giữa khuya nhưng đổi lại, người dân có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nếu lũ “đẹp” thì sau mỗi mùa nước, người dân kiếm được vài chục triệu đồng là chuyện bình thường.

Trước khi mùa lũ về, gia đình ông Nguyễn Văn Tây, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, chuẩn bị 20 cái dớn. Hiện tại, với 20 cái dớn này, mỗi đêm gia đình ông đánh bắt được khoảng 40kg cá, chủ yếu là cá tạp, cá mồi, rất ít cá linh, cá chạch, cá lăng. Ông Tây tâm sự: “Nếu như lũ lớn, với 20 cái dớn, gia đình tôi có thu nhập tiền triệu, còn giờ đây nước thấp lè tè, ngày kiếm vài trăm ngàn đồng cũng rất khó”.

img

Hẹ nước được xem là đặc sản của mùa lũ, tuy nhiên lũ thấp, hẹ nước cũng trở nên khan hiếm.

Xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa thuộc vùng trũng của vùng Đồng Tháp Mười. Những năm trước, cá, tôm nơi này rất nhiều, nhưng năm nay, những người sống bằng nghề câu lưới ở địa phương kiếm đủ cá ăn đã rất khó, huống chi đem bán.

Bà Huỳnh Thị Nghỉ, ngụ ấp 6, xã Tân Lập, nói: “Mấy năm trước, lũ về, gia đình tôi tha hồ ăn cá đồng, ăn không hết còn làm khô hoặc đem bán. Còn bây giờ, gia đình tôi toàn là mua cá nuôi ăn. Ở địa phương, có rất nhiều người sống bằng nghề câu lưới đến mấy chục năm cũng đành phải bỏ nghề, kiếm nghề khác mà sống. Giờ đây, xóm này toàn là người già và trẻ em, người trong độ tuổi lao động hầu hết đi làm công nhân, thu nhập ổn định”.

Lũ thấp, không chỉ người dân sống bằng nghề câu lưới phải lắc đầu ngao ngán mà những người sống bằng nghề hái bông điên điển, hẹ nước, bông súng cũng “rầu thúi ruột”.

Anh Đặng Văn Trong, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, cho biết: “Hẹ nước là loại rau dại, chỉ mọc tự nhiên dưới những ruộng nước sâu chứ không thể trồng. Hẹ nước chấm cá linh kho mắm thì không còn gì bằng. Từ một loại rau dại, ngày nay, nhiều người xem hẹ nước là món ăn đặc sản của mùa nước nổi, từ đó, thị trường tiêu thụ hẹ nước rất lớn. Vào mùa nước nổi, người dân “săn” hẹ nước đem bán cũng kiếm vài trăm ngàn đồng/ngày. Đó là câu chuyện của những năm trước, còn bây giờ lũ thấp lè tè, hẹ nước tự nhiên khan hiếm”.

img

Bà Huỳnh Thị Nghỉ nói: “Lũ nhỏ, cá, tôm ít, nhiều người sống bằng nghề câu lưới mấy chục năm cũng đành phải bỏ nghề, kiếm nghề khác mà sống”.

Tuy năm nay lũ thấp, các đặc sản mùa nước nổi như cá linh, cá lóc, bông điên điển, hẹ nước,... không nhiều nhưng người dân vùng Đồng Tháp Mười vẫn có niềm vui và tiếng cười trên khắp các cánh đồng, bởi lũ đã về.

Anh Ngô Văn Tòng, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, bộc bạch: “Người dân chúng tôi sống chung với lũ quen rồi. Mấy tháng trước nghe thông tin không có lũ, chúng tôi buồn lắm! Giờ lũ về, người dân chúng tôi dù ít hay nhiều cũng có thêm thu nhập nhờ nghề “bà cậu”. Ngoài ra, cảnh mua bán trên bờ cũng tấp nập, không khí càng trở nên nhộn nhịp hơn”. 

Biết rằng lũ nhỏ, người dân vùng Đồng Tháp Mười đang đón một mùa lũ buồn. Thế nhưng đối với họ, mùa lũ vẫn là những kỷ niệm đẹp./.

Minh Thư (Báo Long An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem