Mưa xuống, ào ạt trút nước theo từng khu vực chứ không rải trên diện rộng như những cơn mưa mùa khác, nước ao hồ dềnh lên. Ngày trước bờ ao đầm xập xệ, cỏ mọc rậm rì, lũ cá rô béo núc đón nước mới, giương vây vọt lên bờ, đi ngược nước tìm chỗ đẻ. Chúng dùng vây làm phương tiện di chuyển từ ao nọ sang ao kia, trườn bò lổm ngổm trên mặt cỏ, bờ ao.
Lúc này là cánh trẻ con chỉ chực trốn nhà đi bắt cá rô rạch. Câu nói của các cụ "Bắt cá hai tay, chẳng được tay nào" có lẽ xuất phát từ công việc này. Bởi nhiều anh tham lam, thấy cá rạch lên, bò cả đàn trên bờ cỏ, vội dùng cả hai tay để bắt. Nào ngờ nắm vào vây cá rô sắc như hàng trăm mũi kim, vội kêu oai oái mà bỏ cả hai con cá ra.
Muốn bắt cá rô rạch, lũ trẻ phải chuẩn bị "đồ nghề". Vật dụng hữu hiệu nhất là một cái rế tre bắc nồi và một cái giỏ hoặc xô, nhìn thấy cá rạch là dùng cái rế chụp lên, nhanh tay khéo léo đè đầu cá rồi bắt cho vào giỏ từng con một. Chớ thấy cá rạch theo cả đàn mà tham, kẻo "xôi hỏng bỏng không", bởi cá rô luôn giương vây nhọn hoắt khi rạch ngược lên bờ.
Cá rô bắt về, mẹ cắt vây, đánh vây, rửa sạch. Rồi lót lá gừng xuống đáy nồi, giã riềng và một thứ không thể thiếu là khế chua. Gia vị ướp có muối, nước tương, nước hàng, tiêu... ướp trong khoảng một giờ rồi đổ nước xâm xấp mặt cá, nhóm bếp củi kho liu riu. Gần cạn nước lại chế thêm một lần nữa, lại đun nhỏ lửa đến khi cạn nước thì rưới thêm chút nước mắm, nước mỡ lợn rồi hạ xuống, dùng than củi lót đáy, bên trên đốt trấu vùi om khoảng một giờ nữa.
Nồi cá bắc ra nóng hôi hổi, cá rô mềm nhừ nhưng béo, khô cong, có thể gỡ từng con rời, đầy những trứng bùi ngậy, thơm phức mùi riềng, gừng... nhưng ngon nhất vẫn là những miếng khế. Cá rô kho khế ăn với cơm nóng vào tiết trời thu se lạnh vẫn là một cảm giác ngon khó tả và cũng khó quên cho những người con đi xa quê mỗi khi nhớ về tuổi thơ với những món ăn dân dã và bình dị.
XEM THÊM
>> Những đặc sản trứ danh trên quê hương Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.