Mỹ điều chỉnh chiến lược quốc phòng

Thứ sáu, ngày 06/01/2012 07:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dự kiến, ngày 5.1 (theo giờ Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta sẽ công bố bản điều chỉnh chiến lược của Lầu Năm Góc trong tình hình mới.
Bình luận 0

Văn kiện này sẽ xác định lại các ưu tiên quốc phòng sao cho phù hợp với thực tế là khoảng 490 tỷ USD ngân sách sẽ bị cắt giảm trong 10 năm tới.

Không thể duy trì bộ binh

Trước khi bản công bố của Lầu Năm Góc chính thức được giới truyền thông truyền tải rộng rãi, một nguồn tin riêng của hãng tin Mỹ Bloomberg đã tiết lộ, chiến lược quân sự mới sẽ được triển khai theo hướng phối hợp nguồn lực của các binh chủng hải, lục, không quân và thủy quân lục chiến. Mục tiêu nhắm tới là phá vỡ mọi mưu toan của các nước như Trung Quốc hay Iran, muốn ngăn cản Mỹ tiến vào Biển Đông, vùng Vịnh Persian, hoặc những khu vực chiến lược khác.

img
Lính Mỹ khi còn tham chiến ở chiến trường Iraq.

Cũng theo Bloomberg, Bộ trưởng Panetta sẽ cho biết sơ lược về cách thức quân đội Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Thái Bình Dương, đó là phối hợp chặt chẽ hai binh chủng hải quân và không quân trong chiến thuật mới “không chiến - hải chiến”.

Để đạt được mục tiêu theo chiến lược đề ra, cả hải quân và không quân Mỹ đều phải được trang bị máy bay ném bom, tên lửa hành trình cũng như máy bay không người lái mới, được phóng đi từ tàu sân bay. Tất cả những yêu cầu về nâng cấp, cải tiến trang thiết bị này đều đòi hỏi một khoản ngân sách khá lớn trong khối ngân sách chung của quốc phòng Mỹ năm 2012.

Giới quan sát nhận định, thay đổi lớn nhất trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ là việc Washington thừa nhận không thể duy trì bộ binh chiến đấu trong nhiều cuộc chiến lớn xảy ra cùng lúc.

Vị trí châu Á trong chiến lược mới của Mỹ

Tháng 11.2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái xác định sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược của Mỹ trở lại vùng châu Á-Thái Bình Dương, với việc thông báo nhiều bước mở rộng hợp tác thương mại và quân sự với những nước trong vùng, trong đó có nhiều nước cùng chia sẻ mối quan ngại của Mỹ về các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Khi chiến lược quốc phòng Mỹ thay đổi, giới phân tích đã đưa ra rất nhiều nhận định, giả thiết về vị trí và tình hình của khu vực châu Á- Thái Bình Dương đối với Mỹ trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị siết chặt.

Theo đề xuất của Tổng thống Obama, ngân sách quốc phòng năm 2012 của Mỹ là 670,9 tỷ USD, trong đó ngân sách chi cơ bản là 553,1 tỷ và một khoản dành riêng cho các chiến dịch ở nước ngoài hiện nay là 117,8 tỷ USD.

Theo "Nhật báo Phố Wall" của Mỹ ngày 4.1, chiến lược của Trung Quốc là ngăn chặn Hải quân Mỹ tiến lại gần các mục tiêu trên biển.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ đang phát triển loại máy bay không người lái với tầm hoạt động cực rộng, có thể cất cánh từ tàu sân bay ở thật xa ngoài khơi, và có thể ở lâu trên không. Bên cạnh đó, không quân Mỹ còn yêu cầu được trang bị một phi đội máy bay ném bom không người lái, có khả năng hoạt động trên những khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương. Tất cả những nhu cầu đó đòi hỏi ngân sách đáng kể.

Tuy nhiên, trước đó, Tổng thống Obama từng khẳng định nhân chuyến thăm Australia tháng 11.2011 rằng: “Việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ không tác hại đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Giới phân tích cho rằng hải quân và không quân Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng do nhu cầu thắt lưng buộc bụng chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem