Nam sinh đăng ký 122 nguyện vọng: Từng suy sụp, mệt mỏi
Năm 2022, em Nguyễn Chí Hưng, học sinh Trường THPT Dương Văn Thì, TP.HCM trao đổi với PV báo Dân Việt khi rơi vào "khủng hoảng" vì phải đóng tới 1,66 triệu đồng để đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Đây là số tiền quá lớn so với hoàn cảnh gia đình em. Do muốn trở thành thủ khoa và nghĩ khi nào chọn nguyện vọng mới đóng tiền, Hưng đã đăng ký tới 122 nguyện vọng.
Rất may sau đó, hệ thống đăng ký nguyện vọng của Bộ GDĐT mở lại và em đã xóa bớt, còn 47 nguyện vọng, trong đó chỉ có 7 nguyện vọng phải thanh toán lệ phí với 140.000 đồng.
Sau đúng 1 năm, gặp lại Nguyễn Chí Hưng khi nam sinh vừa hoàn thành chương trình học năm thứ nhất tại khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Hưng kể: "Vào học kỳ 1, do chưa quen nên có nhiều môn điểm không quá cao nên em chỉ được học lực Khá. Sang học kỳ 2, em đã thích ứng và đề ra những chiến lược học tập phù hợp từng môn học nên đã đạt học lực Giỏi".
Là gương mặt gây chấn động mùa tuyển sinh năm 2022, Hưng kể thêm, khi đi học có nhiều sinh viên thấy em "quen quen" nhưng lại không nhận ra là ai: "Mọi người chỉ nghĩ gặp em ở đây đó mà không biết từng thấy em trên báo. Có thể là do hình ảnh trên báo của em khác với hình ảnh thực tế ngoài đời. Cũng có người bất ngờ hỏi em về nhân vật đăng ký 122 nguyện vọng mà không biết người đó đang đứng trước mặt họ.
Ở khoa Giáo dục Đặc biệt, khi em giới thiệu tên là Nguyễn Chí Hưng, tất cả mọi người đều biết em được lên báo. Em lo lắng mọi người nhận ra em và có những lời lẽ, hành động không hay như những lời chỉ trích trên mạng xã hội. Sau 1 năm, dù từng rất buồn bã, mệt mỏi, suy sụp nhưng bây giờ khi nghĩ lại, em cảm thấy rất hạnh phúc khi được các giảng viên, sinh viên chào đón nồng nhiệt, thân thiện và gần gũi.
Chia sẻ thêm về cuộc sống sinh viên, Hưng cho hay không như em tưởng tượng: "Em từng nghĩ sẽ rất áp lực, vất vả, khó khăn. Tuy nhiên, em rất vui, hào hứng khi được học những môn học thú vị, hấp dẫn và được đi thực tế tại các trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục hòa nhập, được các bạn nhỏ "chào thầy". Vì vậy, mỗi khi rảnh, em không đi chơi hay ở nhà mà lại tìm cách đến nơi ấy để làm việc. Ngoài ra, em còn tham gia các dự án thiện nguyện để được chia sẻ yêu thương, đem đến tiếng cười cho học sinh".
Một mùa hè ý nghĩa sau 1 năm hoang mang
Không còn hoang mang, lo lắng, hiện tại, Hưng đã trở thành một sinh viên lạc quan, vui vẻ, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Chia sẻ thêm với PV, Hưng hào hứng: "Mùa hè năm nay, em đăng ký học hè và có hỗ trợ ở Phòng Tư vấn - Đánh giá - Can thiệp sớm của trường. Em đang học múa và ôn lại kiến thức của môn "Phương pháp giáo dục Âm nhạc cho trẻ Mầm non" để có thể trình diễn cho học sinh xem và hướng dẫn các bạn nhỏ ấy vận động theo nhạc khi đến lớp.
Ngoài ra, em đang là giáo viên dự giờ nên luôn chú ý quy trình của buổi học và cách giáo viên nói chuyện với học trò để học hỏi và sau này có thể hỗ trợ lại. Đặc biệt, em muốn trau dồi thêm Tiếng Anh và đọc thêm tài liệu, xem thêm video về kiến thức giáo dục trẻ khuyết tật để phát triển chuyên mô, từ đó ứng dụng vào dạy học".
Tư vấn cho các bạn thí sinh trong mùa tuyển sinh đại học năm nay, Chí Hưng nói: "Em nghĩ các bạn thí sinh nên đăng ký càng nhiều nguyện vọng càng tốt. Tuy nhiên, em mong họ nhớ rằng mỗi nguyện vọng tương ứng với một khoản tiền và càng nhiều nguyện vọng thì số tiền thanh toán càng nhiều. Với những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, càng phải cân nhắc kỹ để có lựa chọn đúng đắn và trúng tuyển vào ngành nghề mình yêu thích.
Ngoài ra, khi có một thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, thay vì chỉ trích, lên án, em nghĩ rằng cư dân mạng nên an ủi hay hỗ trợ cho thí sinh ấy. Vì đó có thể là "tai nạn ngoài ý muốn" và những lời chỉ trích không thể giúp thí sinh ấy có thêm điều kiện mà chỉ khiến họ đau buồn, suy sụp, chấn thương tâm lý.
Thí sinh có quyền đăng ký nhiều nguyện vọng và họ phải chịu trách nhiệm thanh toán số tiền tương ứng với số lượng nguyện vọng mình đăng ký. Những lời chỉ trích, lên án của cộng đồng mạng không có quyền được xuất hiện. Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, các thí sinh còn bỡ ngỡ và có thể mắc sai lầm. Những thanh niên 18 tuổi ấy xứng đáng nhận được sự cảm thông hơn là phản ứng tiêu cực.
Em mong cộng đồng mạng có thể bao dung hơn và không ném đá những câu nói gây đau khổ về phía thí sinh vì họ cũng chỉ là những con người mới lớn, chưa trưởng thành và chưa đi qua nhiều năm tháng cuộc đời".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.