Nếp Hương Lân hơn 300 tuổi, thơm ngon nức tiếng được trồng ở đâu?

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ năm, ngày 07/11/2019 06:45 AM (GMT+7)
Nếp Hương Lân là sản phẩm nông nghiệp truyền thống lâu đời, gắn liền với đời sống lao động, sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng của người nông dân huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất và đất đai không được cải tạo nên giống nếp truyền thống này đã dần mai một. Hiện, chính quyền địa phương đang tập trung khôi phục lại giống nếp này.
Bình luận 0

Quyết tâm khôi phục giống nếp Hương Lân

Vụ hè thu năm 2017, giống nếp Hương Lân đã bắt đầu khôi phục trên cánh đồng xã Bình Giang (Thăng Bình). Đến vụ hè thu 2018, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình giao cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Đào trồng thí điểm nếp Hương Lân trên cánh đồng ở thôn Vân Tiên (xã Bình Đào).

img

Nếp Hương Lân được khôi phục thành công sau nhiều năm mai một.

Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào (Thăng Bình – Quảng Nam) cho biết, toàn xã Bình Đào hiện có hơn 5ha trồng nếp Hương Lân, tập trung dọc hai bên dòng sông Trường Giang là những người chuyên trồng nếp Hương Lân trên những chân ruộng phù sa màu mở, từ dòng sông mẹ Thu Bồn hằng năm bồi đắp. Ngày xưa nếp Hương Lân chỉ được dùng trong các dịp Hội làng, giỗ chạp, lễ Tết của những gia đình khá giả.

Theo ông Sanh, nếp Hương Lân chỉ làm được một vụ duy nhất trong năm là vụ Hè Thu, thời gian sinh trưởng khá dài, dao động 130-135 ngày, đẻ nhánh khỏe, dạng hạt tròn có màu vàng sáng. Khi hạt đủ độ chín có mùi thơm đặc trưng, cơm dẻo, khả năng chịu úng khá, đặc biệt thích nghi trên nhiều chân đất khác nhau. 

img

Cây nếp có sức kháng bệnh cao, là loại giống mang tính cảm quan nên muốn cây phát triển tốt, người sản xuất phải tính lịch thời vụ cấy nếp khác so với các loại cây khác. L.C – Báo Quảng Nam.

Là hộ trồng nếp Hương Lân lâu năm, lão nông Trần Hữu Chơi (ở xã Bình Đào, Thăng Bình, Quảng Nam) cho hay, cây nếp có sức kháng bệnh cao, là giống mang tính cảm quan nên muốn cây phát triển tốt, người sản xuất phải tính lịch thời vụ cấy nếp khác so với các loại cây khác, phù hợp nhất là sau Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5) để nếp trổ khi trời lập thu thì mới đạt chất lượng cao.

“Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, gia đình tôi bắt đầu khôi phục, trồng lại giống nếp Hương Lân truyền thống, hiện tôi sản xuất nếp Hương Lân với diện tích 5 sào (sào 500m2), với năng suất 35 tạ/ha, giá bán 30-35 nghìn đồng/kg. Với mức giá này thì cây nếp cho giá trị gấp 3-4 lần so với cây lúa, hiện tôi đã liên kết sản xuất với HTX Nông nghiệp Bình Đào nên đầu ra tương đối ổn định…”, ông Chơi phấn khởi.

Theo các vị cao niên ở xã Bình Đào cho biết, cứ đến mùa thu hoạch, mùi rơm rạ, mùi xôi nếp quyện vào nhau thơm ngát đến cuối xóm. Trong làng một người nấu xôi mới thì cả làng đều biết nên hễ ai gặt nếp trước cúng xôi mới thì cũng phải biếu cho mỗi nhà một đĩa nhỏ để làm thảo. Còn khi nấu bánh chưng, bánh tét, hạt nếp tiết ra một chất dầu bóng như mỡ, tạo nên sự khác biệt so với các giống nếp khác. Không chỉ nếp thơm mà rơm nếp khi phơi khô được bện thành tấm lợp nhà cũng giữ được mùi thơm qua vài ba cái Tết.

Hướng đến sản phẩm OCOP đặc trưng

Ông Trần Thế Vinh – Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho biết, trong những năm gần lại đây người tiêu dùng quay lại dùng những sản phẩm nông nghiệp truyền thống có nguồn gốc từ xa xưa và nếp Hương Lân cũng là loại sản phẩm đặc biệt, được mọi người tìm kiếm trên thị trường bởi hương thơm độc đáo, khác lạ.

img

Giống nếp truyền thống Hương Lân được Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam khôi phục. Ảnh: Biên Thực.

Xôi nếp dẻo, thơm, có hương vị mặn mà. Khi gói bánh chưng, bánh tét hoặc nấu xôi, làm các loại bánh hạt nếp tiết ra một chất dầu bóng mượt, lóng lánh như có xới thêm dầu mở trông rất bắt mắt và ngon miệng. Bước đầu nếp Hương Lân có mặt tại Quảng Nam và Đà Nẵng, từng bước giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước biết về một loại gạo nếp thơm ngon nối tiếng của một miền quê thông qua con đường du lịch.

Khôi phục giống nếp Hương Lân là dịp để người dân xứ Quảng tri ân với các bậc tiền nhân, những người đã gieo hạt giống lành đầu tiên từ những buổi đầu đi mở đất, là cơ hội tốt nhất để trả lại tên tuổi cho nếp Hương Lân chính hiệu có tuổi đời trên 300 năm, nhưng trải qua thời gian thăng trầm và bị thất truyền hơn 30 năm qua.

“Chúng tôi đã giao cho HTX Nông nghiệp Bình Đào xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nếp Hương Lân nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng nếp tập trung và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đẩy mạnh công tác quảng bá, tiếp cận thị trường, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân…”,  ông Vinh nói.

Hiện xã Bình Đào đã đăng ký sản phẩm nếp Hương Lân Trường Giang tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Nam năm 2019, sắp tới chính quyền địa phương sẽ nhân rộng mô hình và diện tích trồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem