Nét đẹp trên quang gánh của người dân quê

Thứ ba, ngày 04/11/2014 11:01 AM (GMT+7)
Nhắc tới quang gánh Sài Gòn, người ta nghĩ ngay đến sự cực khổ, lam lũ. Nhưng quang gánh từ lâu là một “nghề” mang tính truyền thống lâu đời của người dân quê. Nghề quang gánh thời nay cho thu nhập khá, cộng với sự chắt chiu dành dụm của những người mẹ tần tảo nên không ít đứa con được ăn học thành tài, vươn lên khá giả.  
Bình luận 0
Tờ mờ sáng, giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Nguyễn Trọng Tuyển còn thưa người qua lại. Bà Phạm Thị Mười tất tưởi đặt đôi quang gánh trước cổng Viện Y dược học Dân tộc, bắt đầu công việc như thường ngày.

Kẽo kẹt phận người

Nhà bà Mười ở cách điểm bán vài cây số. Ngoài 60 tuổi, bà đã gắn bó với nghề bán xôi đậu từ 30 năm nay. Nửa đời gắn bó với ngã tư quen thuộc, bà rành rọt từng vị khách, từng thói quen. Trừ khách lạ, người quen đã nhìn thấy mặt, bà đã làm sẵn gói xôi nóng ấm theo ý thích của khách.  
Khách hàng của bà Mười có nhiều loại, từ học sinh sinh viên đến người lao động và nhân viên văn phòng. Những người không có điều kiện tài chính hoặc thời gian để ngồi ăn sáng trong quán ăn, nhà hàng.
img Bà Mười nửa đời quang gánh, nuôi 3 người con khôn lớn, mua được nhà ở Sài Gòn.
Mẹ bà Mười trước đây cũng bán xôi, thời trước giải phóng sau này truyền lại cho bà. 30 năm nay, ngày nào cũng vậy. 3 rưỡi sáng bà đã thức dậy nhóm bếp nấu xôi. 5 giờ sáng, gánh đến chỗ bán đến 10 giờ sáng gánh về.
Bà Mười nhớ bán từ hồi xôi có giá 500 - 1.000 đồng cho đến bây giờ một gói xôi giá từ 5000 - 7000 đồng tùy loại. Mỗi ngày trừ vốn liếng, bà lời được chừng 150.000 đồng. Khoản thu nhập ấy nuôi nấng 3 người con bà từ nhỏ đến khi trưởng thành, xây tổ ấm ra riêng.

Nhiều năm dành dụm, bà mua được căn nhà nho nhỏ làm nơi trú ngụ. Rồi lại bán căn nhà nhỏ đó mua được căn nhà to hơn. “Nhờ quang gánh mới có ngày hôm nay. Không bỏ nghề được. Một ngày không gánh, buồn lắm” - bà cười nói.

Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Hai, người bán bánh kẹp trước cổng Bệnh viện Y học cổ truyền trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3). Bà quê ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), từ những năm 1980, người dân quê bà đã lũ lượt vào Sài Gòn mưu sinh, hầu hết phụ nữ bán gánh.

“Trước giải phóng đã có người đi rồi. Sau này mới ồ ạt. Có khi cả làng dắt nhau đi”-bà kể. Bà Hai năm nay 62 tuổi. Năm bà 39 tuổi, chồng bỏ đi để lại 6 người con tuổi ăn tuổi lớn. Ở quê túng quẫn, bà theo chân chị em vào Sài Gòn bán bánh kẹp, bánh bông lan cho tới bây giờ.
 
Nhờ nghề bán bánh, bà nuôi tất cả 6 người con ăn học đàng hoàng, đều đã có gia đình và công việc làm ổn định. Người con trai lớn đã có nhà ở Q.Tân Phú và giàu có. Nhiều lần muốn mẹ về ở nhưng bà không đồng ý. Bà bảo đã quen với đường phố, về thui thủi trong nhà buồn lắm.

Người chị họ của bà Hai ngoài lục tuần cũng bán gánh bánh kẹp ở Bệnh viện Pasteur phía đối diện. Họ ở cùng phòng trọ, mỗi người mất 800.000 đồng/tháng tiền phòng trọ và sinh hoạt. Mỗi ngày, bà gánh một đầu bếp lò, một đầu xô bột nặng chừng 20kg từ chợ Bà Chiểu lòng vòng nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố rồi dừng lại ở bệnh viện này, chiều dài hơn 10km.

Bà bán từ sáng đến 5 giờ chiều mới về nhà đi chợ nấu cơm. Đến 8 giờ tối thì đi ngủ, 3 giờ sáng dậy pha bột, nhóm bếp. Vòng quay đều đặn ngày này qua mùa khác, tháng này sang tháng nọ. Bà khoe mỗi ngày bán được, thu nhập tròm trèm 200.000 đồng, mỗi tháng đều đặn 3 triệu đồng.
“Để phòng tuổi già bóng xế. Còn sức thì tự nuôi mình, làm phiền con cái chi tội lắm” - bà nói.

Quang gánh quần cư

Nghề quang gánh gần như trở thành một “đặc quyền” của người Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đông tới mức từng nhóm đồng hương quần cư theo thành những cộng đồng theo hàng hóa chuyên biệt. Ví như người Quảng ở Q.Thủ Đức chuyên trái cây, ở Tân Bình thì mua bán ve chai, Q.5 và Q.8 thì tập trung người bán hàng vặt, bánh tráng trộn, ở các quận trung tâm thì có các hẻm đậu hũ, hẻm bún riêu...

Ở ngay trung tâm Sài Gòn có “xóm đậu” nổi tiếng khuất trong con hẻm nhỏ gần chợ Tân Định. Vài chục hộ với hàng trăm người chuyên làm nghề đậu hủ hoặc các loại chè đậu. Xóm đậu cứ mười nhà thì hết chín là dân gốc Bình Sơn, Đức Phổ (Quảng Ngãi).

Bà Nguyễn Thị Giang, người cố cựu ở đây cho biết: Trước giải phóng, số ít người ở Quảng Ngãi dắt díu vào đây sinh sống, lập nghiệp rồi mang thêm người thân, họ hàng vào.

Lúc trước loay hoay đủ nghề nhưng không đủ sống. Vài nhà thử làm nấu đậu hũ, bán chè quẩy gánh đi bán. Người này làm được chỉ người kia. Dần dà cả xóm này theo nghề quang gánh nên mới gọi là "xóm đậu".

“Hồi trước cái xóm này là khu ổ chuột, nhà sàn chi chít chứ không được như bây giờ” - bà nói thêm. Nhờ nghề quang gánh mà xóm đậu thay da đổi thịt, nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ. Đặc biệt là một chỗ cư ngụ giữa Sài Gòn, ước muốn của mọi người.

Nghề quang gánh vì vậy như một cái “ân” với xóm đậu. Hàng chục năm chưa bao giờ mai một, thậm chí còn phát triển hơn trước. Sáng sáng, cư dân xóm đậu quẩy gánh túa ra từ ngõ nhỏ đi khắp phố phường, chiều tối mới về lại.

Chị Nguyễn Thị Liên, người bán gánh ở công viên 23/9 tâm sự, chị quê ở Đập Đá (H.An Nhơn, Bình Định) theo nghề quang gánh ở Sài Gòn  đã 18 năm nay. Chị nói: “Mưu sinh đất khách, phải có chị em bạn bè đỡ đần nhau lúc trắc trở. Làm nghề này ở một mình khó lắm”.

Ở quê chị có hàng trăm người hành nghề quang gánh ở Sài Gòn. Hồi trước, phụ nữ quê chị chỉ vào Sài Gòn làm ăn vào những lúc nông nhàn. Sau này làm ăn được, đàn ông ở lại quê chuyên tâm ruộng vườn nuôi con ăn học, đàn bà vào Sài Gòn quẩy gánh bán bưng, lâu đã thành cái nết.

Đàn bà quê chị rủ nhau đi, Tết rủ nhau về, dần dà thân thiết như chị em. Ở Sài Gòn, vài chục người chia thành một nhóm thuê nhà cùng ăn ở sinh hoạt, làm nên những “khu quang gánh” ở khắp nơi.
img Nghề lam lũ nhưng cho thu nhập không nhỏ.
Khu trọ chị Liên ở, một căn nhà nhỏ có gác chạy dài chân cầu Muối, có 30 người chuyên nghề quang gánh. Những chiếc chiếu vừa một người nằm trải liên tiếp, cách một khoảng lại có một chiếc quạt.

“Ở đây ngủ không cần mùng. Toàn ngủ ngày, có muỗi đâu mà phải giăng mùng” - chị giảng giải. Ở khu trọ này, tất cả các thành viên đều bán bánh tráng trộn, gỏi xoài, cóc ổi và đồ ăn vặt. Ngày nào cũng đi bán đến 3 giờ sáng mới về. Dọn dẹp xong thì đã 5 giờ. Sau một giấc ngủ ngày ngắn ngủi, gần trưa đã phải quẩy gánh đi.

Chỗ chị ở, tiền phòng trọ và sinh hoạt chia theo đầu người, mỗi người 500.000 đồng/tháng. Phòng trọ chật nhưng cảm thấy thênh thang vì chẳng có vật dụng gì ngoài quần áo. Tiền bạc thì giữ trong người. Có rớt ra cũng không lo mất.

“Cực khổ như nhau, thương nhau còn không hết, chẳng ai nỡ lấy của nhau đồng nào đâu” - chị Liên rổn rảng.

Từ Cầu Muối, chị Liên gánh một vòng các đường phố ở Q.5, Q.1 rồi mới dừng hẳn ở Công viên 23/9. Trước khi lên đường, chị gói sẵn hộp cơm mang theo. Mỗi ngày chị ăn làm nhiều bữa, lúc nào đói thì ăn vài miếng, vừa ăn vừa nghỉ mệt.

18 năm ở Sài Gòn, chị chưa bao giờ dám ăn ở gần công viên vì mức giá một tô bún, một dĩa cơm có khi bằng một nửa thành quả hàng ngày chị kiếm được. Hôm nào bí quá thì mua một ly mì vài ngàn đồng rồi xin nước sôi pha ăn.

“Còn thằng nhỏ năm nay thi vào đại học. Vì con, chị gắng vài năm nữa” - chị Liên nói vừa quệt mồ hôi rồi bước đi.
(Theo MTG)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem