Ở đó có những dãy nhà cổ rêu phong trải dài theo năm tháng, và có những phận người không kể ngày đêm bươn chải mưu sinh. Từ những cụ ông cụ bà chèo ghe đưa khách đến những cậu bé cô bé hằng đêm thao thức cùng đêm trường phố Hội bán từng con tò he, chiếc đèn lồng cho khách tham quan.
Chị, em “Nhánh Ớt” mưu sinhThành phố Hội An, 7giờ tối, mọi tuyến đường trong phố cổ đều vắng tiếng động cơ xe cộ, chỉ còn tiếng nhạc du dương của bài hát quen thuộc về Hội An “Đêm hội phố Hoài” ngân lên báo hiệu đến giờ của khu phố dành cho người đi bộ. Từng dòng người nối đuôi nhau, Tây có, ta có, cùng kéo nhau về tham quan vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính, những dãy đèn lồng chiếu sáng tạo nên vẻ đẹp lung linh huyền ảo.
Hòa vào dòng người đổ xô về nơi đang diễn ra đêm hội thả hoa đăng (tổ chức vào các đêm rằm hằng tháng), chúng tôi dừng chân bên đầu cầu An Hội, cây cầu nối nhịp đôi bờ sông Hoài, một bên là phố cổ cổ kính, bên kia cầu là những dãy nhà hàng khách sạn mọc san sát.
Hai cụ bà Nhánh - Ớt đang bày biện bán đủ thứ để mưu sinh
Chúng tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh của 2 bà lão đang lọ mọ bày biện đủ thứ nào tò he, đèn lồng, hoa đăng. Cảm thương trước 2 phận già ở cái tuổi gần đất xa trời vẫn phải vất vả mưu sinh, chúng tôi lại bắc chuyện thăm hỏi.
Vì quá bận bịu với gánh hàng vừa mang từ nhà sang khu phố và dường như hai bà chưa nhận thấy sự có mặt của chúng tôi nên phải đợi một hồi lâu chúng tôi mới được hồi âm: “Thật tình xin lỗi, nãy chừ hai chú ghé mà tụi tôi mô có biết. Già cả, tai mắt kém lắm mong hai chú thông cảm. Thế chừ hai chú muốn mua gì già tính giá rẻ cho, nhất định không ăn lời đồng nào của hai chú”.
Bà vừa tiếp lời chúng tôi là bà Đặng Thị Nhánh, năm nay đã bước sang tuổi 90, còn cô em đang ngồi kế cạnh bà nghe bà giới thiệu là cô em gái Đặng Thị Ớt, người dân trong khu phố cổ vẫn thường gọi hai chị em bà là “Nhánh Ớt” và đã có thâm niên gần trọn cuộc đời với khu phố này, cuộc sống mưu sinh của các bà cứ theo chu kì mà trôi đi.
Ban ngày chèo ghe đưa khách, tối bày bán những món quà lưu niệm ngộ nghĩnh, đáng yêu như tò he cho khách du lịch. Và ngót nghét cũng 37 năm, hai chị em bà đêm nào cũng thao thức mưu sinh cùng đêm phố Hội. Cứ khi nào phố cổ lên đèn lồng hai bà lại mở hàng đến khi phố “đi ngủ” cũng là lúc hai bà lụi hụi thu dọn “hàng quán”, lẫm lũi ra về khuất dần theo màn đêm.
Khi chúng tôi hỏi sao hai bà không ở nhà an hưởng tuổi già để con cháu lo, không thì bán tại nhà cho khỏe?.
Nghe xong, cả hai bà cố nhìn về phía xa xăm, thở từng hơi dài. Bà Ớt bùi ngùi: “Số hai chị em tôi giống nhau đều không chồng con gì hết, cả hai mất cha mẹ từ nhỏ nên năm chị tôi mới lên 10 đã dắt tôi đi xin ăn khắp nơi. Đến khi giải phóng hai chị em dành dụm được ít tiền làm vốn rồi sắm ghe đưa đón khách, tối tối cả hai bày chiếc chiếu bán cái hoa đăng, tò he, đèn lồng cho khách kiếm thêm tiền trang trải chi tiêu. Nhà tụi tôi ở bên kia An Hội, nhà tạm bợ nằm trong hẻm cụt có khách mô mà bán hai chú”.
Vừa nói bà Ớt vừa lúi húi móc trong bọc xách ra 2 nắm cơm được gói trong tàu lá chuối non còn đang bốc khói nóng, đặt nhẹ nắm cơm, búi lại đầu tóc xõa rối rắm bà nói tiếp: “Hôm nào chèo ghe cũng về tối om nên nấu cơm xong chưa kịp ăn phải ra dọn hàng nên đêm nào hai chị em cũng ăn cơm muộn. Có hôm khách đông quá không thảnh thơi ăn cơm nữa đó hai chú, vậy mà chẳng thấy đói, cứ nghĩ đến chuyện mua may bán được mai có tiền đong nhiều gạo dường như chẳng còn thấy đói nữa”.
Nghe hai bà tâm sự dường như cái nghiệp cái duyên gắn bó với những đêm mưu sinh của đêm phố cổ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của hai bà, có muốn dứt bỏ cũng không được. Có những đêm vắng khách, rằng đêm đó chẳng thể thu được đồng xu nào, ấy vậy mà người ta vẫn thấy hai bà ngồi đó, như đang khắc khoải chờ mong như chính những nỗi chờ mong của hơn 35 năm qua hai bà vẫn chờ. Chờ cho khách dừng chân ghé lại chọn mua món quà lưu niệm, chờ bán được đồng ra đồng vô để ngày mai hai bà có tiền trang trải cuộc sống.
Cậu bé bán tò he trong đêmTạm biệt “chiếu hàng” của hai cụ bà, chúng tôi tiếp tục cuốc bộ thêm vài ba chục mét, nơi đang có cậu bé tuổi tầm lên 8 lên 9 đang ngồi chắp tay như những vị thầy chùa, trước mặt có hàng chục hoa đăng lung linh phả ánh đèn lên khuôn mặt non nớt của cậu bé. Thấy chúng tôi đang tiến sát lại gần, em nhanh nhẩu: “Mua hoa đăng thả sông đi chú, một tháng mới thả một lần chú mua thả cầu may đi chú. 5 nghìn đồng một đèn thôi cháu không bán thách giá chú đâu”.
Thấy tội nghiệp chúng tôi mua dùm cháu 2 chiếc nhưng không thả mà cho lại cháu để dành bán cho người khác. Thấy chúng tôi trò chuyện thắm thiết, cháu mới giới thiệu cháu tên Nguyên, được một vài phút bắc chuyện Nguyên trải lòng: “Cứ đêm rằm nào cháu cũng ra đây bán hoa đăng cho khách thả trên sông. Mỗi đêm rằm như thế cháu nhận của người ta 100 chiếc hoa đăng với giá 3 nghìn đồng/chiế, sau đó bán lại cho khách với giá mỗi chiếc như thế 5000 nghìn đồng. Nhiều người thấy thương tình mua cho vài ba chiếc nhưng nhiều người họ vô tâm tạt vào nhìn rồi bỏ đi chú à”.
Cậu bé bán tò he ngồi chấp tay như Phật mong bán được nhiều con tò he
Nghe xong chúng tôi mới hỏi tiếp rằng ba má cháu có cho phép cháu đi bán vất vả vậy không, Nguyên cúi gằm, giọng nghẹn ngào thưa với chúng tôi bởi nhà nghèo đông anh em (Nguyên là anh cả của 3 đứa em nhỏ nữa) nên từ lúc lên 6 em đã biết đỡ đần ba mẹ những công việc nhà như nấu cơm, giặt quần áo, hay vào những đêm trăng rằm bày con tò he, bán đèn hoa đăng chắt chiu từng đồng gửi cho ba mẹ sắm sách vở cho mình và các em đến trường.
Và như Nguyên kể thì không riêng gì em mà ở phố cổ Hội An này còn có nhiều bạn đồng trang lứa như Nguyên hằng đêm cũng tất bật mưu sinh mà dường như các em không thể đếm được đã bao đêm mình bươn chải kiểm tiền cùng với những đêm trăng rằm của phố Hội.
Chia tay phố Hội, lòng chúng tôi dâng dâng một cảm xúc khó tả, một nỗi niềm cảm thương về những phận đời hằng đêm thao thức cùng đêm trường phố Hội.
Nguyễn Lánh (Nguyễn Lánh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.