Ngân hàng nào có khả năng chống chọi tốt nhất với áp lực NIM thu hẹp?

H.Anh Chủ nhật, ngày 08/01/2023 09:14 AM (GMT+7)
Những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Một số nhà băng được điểm tên trong danh sách này gồm: VIB, ACB, CTG, VPB, TPB, MBB và VCB.
Bình luận 0

Đến thời điểm hiện tại, chưa nhà băng nào công bố báo cáo tài chính năm 2022. Tuy nhiên, nhìn lại báo cáo tài chính 9 tháng 2022 của các ngân hàng, có thể diễn biến NIM - thước đo quan trọng đánh giá được khả năng sinh lời của ngân hàng, không đồng đều giữa các ngân hàng.

Theo đó, 3 nhà băng có NIM cải thiện mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022 gồm: LienVietPostBank (LPB), HDBank (HDB) và MBBank (MBB). Trong đó, tăng trưởng tín dụng vượt trội so với tăng trưởng tiền gửi ở MBB và HDB đã giúp 2 ngân hàng này cải thiện NIM. Riêng HDB, sự phục hồi mạnh mẽ của HD Saison cũng đóng góp vào việc NIM mở rộng.

Đối với LPB, việc NIM được cải thiện đến từ chi phí vốn giảm mạnh do ngân hàng đã giảm được tỷ trọng giấy tờ có giá với lãi suất cao trong cơ cấu huy động.

Một số ngân hàng khác ghi nhận NIM tăng nhẹ như VIB, VietcomBank (VCB), và ACB,…

Ngân hàng nào có khả năng chống chọi tốt nhất với áp lực NIM thu hẹp? - Ảnh 1.

Ngược lại, NIM của VietinBank (CTG), Techcombank (TCB), TPBank (TPB) , và VPBank (VPB) giảm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm 2022.

Với VietinBank, NIM giảm chủ yếu do việc ngân hàng đã tiếp tục các gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Với Techcombank và TPBank, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp giảm trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó đã ảnh hưởng xấu đến NIM (TPDN thường có lãi suất cao hơn các khoản vay thông thường).

Với VPBank (VPB), tăng trưởng tín dụng yếu ở FE Credit đã làm giảm lợi suất sinh lời và NIM.

Tuy nhiên, trong dự báo về ngành ngân hàng vừa phát đi các chuyên gia phân tích cao cấp tại Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng, NIM của các ngân hàng sẽ thu hẹp do áp lực chi phí vốn tăng cao.

Lý do, theo các chuyên gia phân tích đó là bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023- 2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn nhiều biến động: thị trường BĐS và TPDN đang gặp nhiều khó khăn; chính sách "diều hâu" của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất, và áp lực lạm phát.

Cùng với tình trạng căng thẳng thanh khoản, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với chi phí vốn tăng trong năm tới.

Thực tế, lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong những tháng gần đây do NHNN hút tiền đồng từ hệ thống để cân đối tỷ giá. Đồng thời, doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn, và sự kiện xoay quanh Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) - ngân hàng lớn thứ 5 tại Việt Nam về quy mô tổng tài sản.

Tuy đã hạ nhiệt, song các chuyên gia dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục ở quanh vùng 5-6% cho kỳ hạn qua đêm.

Liên quan đến lãi suất huy động, sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành 200 điểm cơ bản, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng nâng mạnh lãi suất huy động ở mọi kỳ hạn. Sang 2023, khi chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh, NIM của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp.

"Chúng tôi cho rằng lợi suất tài sản (asset yield) khó có thể tăng đủ mạnh để bù đắp do lãi suất cho vay khó tăng mạnh khi Chính phủ đang kêu gọi giảm lãi suất để chia sẻ gánh nặng cùng khách hàng", bộ phận nghiên cứu VnDirect nhận định.

Ngân hàng nào có khả năng chống chọi tốt nhất với áp lực NIM thu hẹp? - Ảnh 3.

VCB đặc biệt gây ấn tượng khi đã là một trong số ít ngân hàng cải thiện được tỷ lệ CASA từ đầu năm.

Vậy, ngân hàng nào có khả năng chống chọi tốt nhất với áp lực NIM thu hẹp?

Các chuyên gia cho rằng, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp.

Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất trong dự báo của VnDirect, lần lượt ở mức 87% và 64%.

Ngân hàng nào có khả năng chống chọi tốt nhất với áp lực NIM thu hẹp? - Ảnh 4.

Những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp.

VietinBank, VPB, TPB, và MBB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong năm 2022.

Trên phương diện CASA, Techcombank, MBBank và Vietcombank là những ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống. VCB đặc biệt gây ấn tượng khi đã là một trong số ít ngân hàng cải thiện được tỷ lệ CASA từ đầu năm, với động lực chính đến từ chính sách "zero-fee" ngân hàng đã triển khai từ đầu năm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem