Ngạt khí trong hầm hải sản, nước mắm: Chết vì thiếu hiểu biết

Song Khoa-Mai Khuê Thứ hai, ngày 25/07/2016 06:24 AM (GMT+7)
Ngạt khí trong hầm cá, hải sản hay nước mắm thường khiến nạn nhân khó có cơ hội sống sót bởi khí độc tích tụ lâu ngày. Vụ 3 công nhân bị tai nạn ngạt khí trong bể nước mắm ở Khánh Hòa (ngày 21.7 vừa qua) không phải là lần đầu tiên. Thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại; liều lĩnh và kém hiểu biết là 3 nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn thương tâm này.
Bình luận 0

Tai họa bất ngờ

Khoảng 11 giờ trưa 21.7, tại cơ sở nước mắm HL (Phước Long, Nha Trang, Khánh Hòa) đã xảy ra một vụ tai nạn bất ngờ làm 3 công nhân của cơ sở này phải nhập viện trong tình trạng bất tỉnh do ngạt khí sau khi được mọi người dùng móc câu lôi lên từ bể mắm.

img

Cơ sở nước mắm của bà Lan. Ảnh: S.K

img

Ngư dân cần được trang bị những kiến thức cần thiết để tránh những tai nạn đáng tiếc do hầm cá, hầm mắm gây ra. Ảnh: S.K

Theo các nhân chứng nhớ lại, trưa hôm đó, ông Lê Văn Thành cùng 2 công nhân khác là Trương Đức Việt và Huỳnh Văn Khiêm dùng đòn gỗ khiêng 2 bao muối, đi trên những tấm ván đậy trên bể muối nước mắm (3m x 1,5m) để đổ muối vào các bể để muối cá trong quy trình làm nước mắm. Khi 3 người vừa đi qua một bể cá thì 2 đòn gỗ đã bất ngờ bị gãy, khiến 3 công nhân nêu trên ngã xuống bể chứa nước mắm.

Còn một số nhân chứng khác thì cho biết, ban đầu chỉ 1 công nhân bị rớt xuống bể mắm, 2 người khác thấy vậy bèn xuống cứu thì cũng bị ngất xỉu theo. Nghe tiếng kêu cứu, một số công nhân đang làm việc ở gần đó đã chạy đến cứu. Họ đã dùng móc câu vào thắt lưng 3 người bị nạn đưa ra khỏi bể mắm. Tuy nhiên, khi đưa ra ngoài, 3 công nhân trên đã bị ngất xỉu. “Ngay khi được đưa ra ngoài chúng tôi đã đưa 3 công nhân bị nạn đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang chữa trị. Sau khi được thăm khám, các công nhân bị nạn được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp tục chữa trị” - bà Nguyễn Thị Bội, chủ cớ ở nước mắm HL nói. Các bác sĩ chẩn đoán ban đầu là các nạn nhân bị ngộ độc khí dẫn đến suy hô hấp. Tình trạng 3 bệnh nhân bị suy hô hấp, vì thế khoa hồi sức phải chủ động cho thở máy để có thể cứu được bệnh nhân.

img

Các công nhân đang được chữa trị tại bệnh viện. Ảnh: S.K

Chớ chủ quan với khí mêtan

Một số vụ tai nạn:

Ngày 23.4.2015, 4 thuyền viên của tàu cá BV-98569, đỗ ở khu vực vùng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để thu mua hải sản, đã bị tử vong khi xuống dưới hầm cá. Theo lời một số thuyền viên khác kể lại, một trong những thuyền viên xuống hầm cá lấy nước đá uống và bị bất tỉnh. Tiếp đó, 3 thuyền viên khác xuống cứu cũng bị ngất lịm theo. Khi lực lượng cứu hộ đến thì 4 người đều đã tử vong.

Ngày 27.9.2013, tại cảng cá Gánh Hào của huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã có 2 thanh niên tử vong sau khi được thuê xuống khoang tàu cá tỉnh Kiển Giang để bốc dỡ hàng lên bờ, 3 người khác cũng hôn mê. Được biết, khoang thuyền này sâu gần 9m.

Ngày 9.7.2010, 2 người công nhân xưởng mắm Bốn Phương (tại huyện An Nhơn, Bình Định đã tử vong sau khi xuống hầm nước mắm đã ngưng sản xuất cách đây 5 năm để dọn xác mắm. Hầm xác mắm sâu khoảng 2m.

Tuấn Kiệt (tổng hợp)

Vụ việc làm xôn xao làng nghề nước mắm Khánh Hòa, đây không phải là lần đầu xảy ra tai nạn ngạt khí cho công nhân làm nước mắm. Trước đây, năm 2009 cũng vào đúng 11 giờ trưa, tại cơ sở nước mắm Phúc Bính, tai nạn ngạt khí tương tự đã cướp đi mạng sống của 3 công nhân. Ban đầu cũng 1 người bị ngất trong bể mắm, 2 người khác xuống cứu và chết theo vì ngạt khí.

Thời điểm đó, người thì dùng cào, người khác dùng cây, rồi xả nước vào bể cho loãng khí rồi quăng dây thừng làm thòng lọng xuống kéo những nạn nhân lên đưa đi cấp cứu. Nhưng mọi cố gắng đều đã quá muộn, cả 3 nạn nhân đã chết trước khi lôi lên khỏi bể mắm. Và trước đó nữa, tháng 7.2000, xảy ra vụ tai nạn ngạt khí mêtan tương tự tại Công ty Thủy sản Cam Ranh trước đây (nay là Công ty CaFiCo Việt Nam) - 4 công nhân bị chết ngạt khi tham gia súc rửa hầm nước thải.

Ông C.S- chủ một hãng nước mắm truyền thống Nha Trang  nói: “Cơ sở của tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch là, trước khi cho công nhân vào xưởng, tôi buộc mọi người mở hết tất cả các quạt lớn để loãng khí mê tan, không gây nguy hiểm cho công nhân”.

Cuối giờ chiều 24.7, hàng chục công nhân ở cơ sở HL vẫn làm việc tại các bể mắm, nhiều người vẫn không hết bàng hoàng: “Tôi nghe thấy tiếng la hét, ầm ĩ. Ngỡ chuyện chẳng lành nên tôi chạy đến thì thấy các công nhân đang dùng móc đưa người bị nạn ra khỏi bể chứa nước mắm”- một nhân chứng cho biết thêm. Còn bà chủ cơ sở nước mắm cho biết, sau khi được điều trị tích cực, 3 công nhân gồm Lê Văn Thành, 47 tuổi; Trương Đức Việt, 26 tuổi và Huỳnh Văn Khiêm, 24 tuổi đã tỉnh lại và có thể nói chuyện được, có thể xuất viện trong một vài ngày tới.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH)

Không thể chủ quan

Các vụ việc (ngạt khí – PV) diễn ra lặp đi lặp lại, ngày càng nhiều và để lại những hậu quả rất đáng tiếc. Chính vì vậy, Bộ LĐTBXH đã xây dựng, chờ phê duyệt quy chuẩn đảm bảo an toàn lao động trong hầm lò, xăng dầu, cống ngầm… bao gồm cả hầm kín trong chế biến, sản xuất thực phẩm. Theo dự thảo quy chuẩn này, người lao động và các chủ sử dụng sẽ được huấn luyện, được học cách đo khí trong hầm, cách sử dụng thiết bị bảo hộ cần thiết. Đặc biệt, Quy chuẩn cũng đề cập tới việc yêu cầu các địa phương thống kê con số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có liên quan tới môi trường làm việc kín như hầm lò, cống rãnh, thống kê các trường hợp tai nạn khi xảy ra.

Ông Phùng Huy Giật – Cán bộ huấn luyện của Hội An toàn
khoa học kỹ thuật lao động Việt Nam

Làm nhiều dễ chủ quan

Những tai nạn như vụ ngạt khí trong hầm làm mắm ở Nha Trang (Khánh Hòa) không phải là trường hợp hiếm gặp. Để làm việc trong môi trường kín như hầm, lò, cống … thì lao động và chủ lao động phải đảm bảo đủ 3 điều kiện sau: Một là chủ sử dụng phải phân công những người có đủ sức khỏe làm công việc này. Hai là thực hiện hướng dẫn cho người lao động về quy trình làm việc, quy trình xử lý sự cố, bố trí người cứu hộ khi cần thiết. Ba là thực hiện rà soát , trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn cứu hộ, cứu nạn khi ngạt khí...

Minh Nguyệt (ghi)

“Điếc không sợ súng”?

Ngư dân Lương Mãi (45 tuổi), ở phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ, mấy gần đây Đà Nẵng chưa nghe trường hợp nào về ngạt khí độc khi xuống hầm bốc cá, mà chỉ xảy ở các tàu Khánh Hoà, Vũng Tàu, Quảng Ngãi.

“Gần 24 năm đi biển, tôi cũng chứng kiến một vài trường hợp xuống hầm bị ngạt do khí. Có thể do trong quá trình muối, giữ cá trong hầm nhưng ít đá dẫn đến cá bị ươn, bốc mùi, mới xảy ra như vậy. Đặc biệt là lưu trữ cá bò nhiều, loại cá này có mùi nặng hơn các loại cá khác, và trong quá trình muối cá ít đá, dẫn đến cá bị ương mới sản sinh ra khí độc”-ngư dân Lương Mãi chia sẻ. 

Ngư dân Quỳnh Cơ (37 tuổi, ở Phổ Thạnh, Đức Phố, Quảng Ngãi) chủ tàu cá   QNga 94464 TS chia sẻ: “Thực tế, ngư dân cũng không biết chất độc dưới hầm là chất gì, chỉ nghe nhiều người nói là trước khi xuống hầm bốc cá cần mở hầm cho thoát khí trong thời gian 20-30 phút rồi mới xuống hầm. Qua chiêm nghiệm thực tế tôi thấy khi bốc cá mở hầm ra còn nhiều đá không có mùi thì không sao; nhưng khi có mùi, khi hầm cá hôi thì cần mở hầm ra để cho lâu chút đợi bớt mùi hôi rồi mới xuống bốc cá hoặc dọn vệ sinh. Còn khi xuống hầm bốc cá mà thấy người khó chịu thì phải lên ngay không nên ở lâu dưới hầm, tôi chỉ biết chút ít phòng trừ vậy thôi”.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng nói: “Chuyện ngạt khí không chỉ xảy ra trong quá trình chế biến mắm, mà ngay cả những người đánh bắt cá khi họ vào trong hầm bốc cá cũng cần phải thử, thổi bay hết khí đó rồi mới nên xuống hầm, nếu không sẽ dễ xảy ra việc hít phải khí độc, điều này giống như một tai nạn nghề nghiệp chứ không có nghĩa rằng sử dụng hoá chất độc mới tạo ra các loại khí trên mà ngay cả trong những điều kiện bình thường cũng gây ngạt khí dẫn đến tử vong”.

Kim Oanh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem