Ngày giỗ Tổ nghĩ về khát vọng non sông

Hoàng Trọng Thủy Thứ tư, ngày 21/04/2021 09:27 AM (GMT+7)
Những quốc gia "giàu chí tiến thủ" bao giờ cũng có khát vọng mãnh liệt để huy động sức mạnh tổng hợp, dẫn dắt toàn dân tộc vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội, kiên định mục tiêu. Những "quốc gia thất bại" thường thiếu khát vọng vươn lên, không đủ năng lực hóa giải các thách thức và bỏ lỡ các cơ hội phát triển.
Bình luận 0

Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, nhiều vị vua của các triều đại phong kiến ngay khi mới lên ngôi, đã từng bước xác lập "ngọc phả", khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước Việt Nam.

Khát vọng dân tộc trường sinh - Nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương đã dựng cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập". 

Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, nhiều vị vua của các triều đại phong kiến ngay khi mới lên ngôi, đã từng bước xác lập "ngọc phả", khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước Việt Nam.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, thay mặt Nhà nước công – nông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 22/SL-CTN công nhận Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngày 19/9/1954, trước Đền Hạ thuộc Đền Hùng, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong trên đường về tiếp quản Thủ đô: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"!

Các Vua Hùng là những người đầu tiên viết nên những trang sử vẻ vang dựng nước, giữ nước. Truyền nối cho con cháu trong hiện tại và cả mai sau; tưởng nhớ và biết ơn các Vua Hùng là đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của mỗi người dân Việt Nam, thể hiện niềm tự hào và tự tôn dân tộc một cách chính đáng, đồng thời bồi đắp thêm sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - Nhờ đó, Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng các kẻ thù xâm lược để thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Trong đổi mới và hội nhập - Việt Nam đã giành được những thắng lợi vinh quang. 

Tuy nhiên, so với các nền kinh tế thành công của châu Á ở cùng giai đoạn của trình độ phát triển, thì Việt Nam vẫn còn khiêm tốn và còn đó những "nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế". Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, Việt Nam chỉ được xếp vào nhóm các nước "non trẻ": Xếp hạng 72/100 quốc gia về cấu trúc kinh tế; 90/100 về đổi mới và công nghệ; 77/100 về năng lực sáng tạo; 75/100 về chất lượng giáo dục đại học và 80/100 về chất lượng đào tạo nghề. 

Trong bối cảnh đó, sự thống nhất về tư tưởng, quyết tâm hành động trên bình diện quốc gia hướng tới hiện thực hóa khát vọng dân tộc độc lập, tự chủ, tự cường; xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng; là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là một yêu cầu lịch sử, cấp thiết hiện nay.

Là nước đi sau, đang phát triển, Việt Nam cần làm rõ những vấn đề mấu chốt trong quá trình sản xuất, tái tạo và "vốn hóa" tri thức, sử dụng người tài dựa trên một thể chế được thiết kế phù hợp, bền vững, có khả năng giải phóng sức lao động và năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân, huy động được mọi nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh chung của cả dân tộc. Bên cạnh đó, phải xây dựng được một cấu trúc xã hội bền vững, đoàn kết và đồng thuận tự nguyện trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Điều trước hết cần thực hiện là phải nêu cao và làm sâu sắc, lan tỏa khát vọng tự cường phát triển của dân tộc Việt Nam thành công hoặc là không bao giờ, bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển, lúng túng trong "bẫy thu nhập trung bình", để rồi rơi vào trì trệ, suy thoái. Phải nêu cao, làm sâu sắc và lan tỏa khát vọng tự cường dân tộc trong tâm trí mỗi người dân, đặc biệt là khát vọng dám dấn thân, dám hy sinh cho lợi ích chung của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Những quốc gia "giàu chí tiến thủ" bao giờ cũng có khát vọng mãnh liệt để huy động sức mạnh tổng hợp, dẫn dắt toàn dân tộc vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội, kiên định mục tiêu để hiện thực hóa khát vọng. Những "quốc gia thất bại" thường thiếu khát vọng vươn lên, không đủ năng lực hóa giải các thách thức và bỏ lỡ các cơ hội phát triển.

Xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế, dựa trên ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là yêu cầu quan trọng của quản trị phát triển đất nước, là hiện thực hóa khát vọng non sông.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem