Nghề chằm ra món đồ thời trang hàng trăm năm chưa hề bị lỗi mốt ở miền Tây

Chúc Ly - Mai Anh Thứ sáu, ngày 24/09/2021 08:00 AM (GMT+7)
Ở miền Tây, trải qua thăng trầm vẫn có một xóm nghề chằm nón lá âm thầm gìn giữ những nét đẹp. Nét văn hóa truyền thống ở miền Tây qua từng chiếc nón lá. Với nhiều người dân miền Tây, nhất là phụ nữ, chiếc nón lá là món đồ thời trang bình dân chưa bao giờ bị lỗi mốt...
Bình luận 0

Xóm chằm nón lá - nơi giữ hồn văn hóa

Chiếc nón lá, hình ảnh bình dị và thân quen. Nón lá không chỉ đơn thuần là vật dụng để che mưa, che nắng mà còn là cái "duyên", cái "hồn" của vùng sông nước miền Tây... 

Ở miền Tây, trải qua thăng trầm vẫn có một xóm nghề âm thầm gìn giữ những nét đẹp, nét văn hóa truyền thống qua từng chiếc nón lá.

Không ai nhớ rõ nghề chằm nón lá xuất hiện ở thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) từ khi nào. Chỉ biết rằng nghề này theo chân một người đàn ông gốc Huế đến nơi đây lập nghiệp, rồi truyền lại cho bà con làm kế sinh nhai. Từ đó, cứ đời trước truyền cho đời sau, nghề chằm nón duy trì cho đến ngày nay.

Clip Xóm nghề chằm nón lá ở miền Tây - nơi lưu giữ hồn quê, tại thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Nghề chằm nón lá ở huyện Long Hồ phát triển nhất là vào những năm 70-80 của thế kỷ XX, với khoảng 300 gia đình sống bằng nghề. Hiện nay, số người theo nghề giảm đi nhiều, chủ yếu người lớn tuổi.

Xóm nghề chằm nón lá ở miền Tây - nơi lưu giữ hồn quê - Ảnh 3.

Chiếc nón lá mang nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hóa của người miền Tây. Ảnh: M.A.

Đảm đang và thạo việc chằm nón lá suốt 47 năm qua, cơ duyên đưa bà Nguyễn Thị Kim Loan (ngụ thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ) đến với nghề từ năm 18 tuổi. Khi đó, bà có chồng về vùng đất này, rồi được cha mẹ chồng truyền nghề. 

Từ đó, bà duy trì và phát triển nghề cho đến tận bây giờ, và nay bà đã 65 tuổi. Giờ đây dù mắt đã mờ, tay có phần không nhanh nhẹn như thời còn trẻ, nhưng nói về kỹ thuật chằm nón cũng như độ tỉ mỉ ở mỗi chiếc nón thì xóm này mấy ai bì lại.

Bà Loan kể: "Lúc đầu, nghề chằm nón lá tại thị trấn Long Hồ chỉ được xem như nghề phụ để kiếm thêm thu nhập cho chị em phụ nữ lúc nông nhàn. Nhưng về sau, những khi mất mùa, chiếc nón lá đã lo cho người dân đủ "cơm no, áo mặc", và dần trở thành nghề chính của xóm nhỏ. Xóm này cứ 10 nhà thì đã có 7 nhà theo nghề chằm nón".

Xóm nghề chằm nón lá ở miền Tây - nơi lưu giữ hồn quê - Ảnh 4.

Những chiếc nón lá hoàn thiện được làm từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ của xóm nghề chằm nón lá. Ảnh: M.A.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan ngụ thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, năm nay 59 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề chằm nón. Bà Lan tâm sự: "Nghề này cũng do cha ông mình để lại, người lớn làm thành thục rồi thì chỉ dạy cho con cháu nối nghiệp. Nhìn vậy chứ dễ học nghề lắm, ai chịu khó quan sát với tỉ mỉ một chút thì học nhanh lắm".

Gói trọn hồn quê trong từng chiếc nón lá

Để có được một chiếc nón lá đẹp người thợ phải trải qua quá trình lao động bền bỉ và cũng công phu với nhiều công đoạn, từ làm mô (hay làm khung), vô vành, xây lá, rồi đến chằm nón…khâu nào cũng đòi hỏi sự khéo tay và nhẫn nại.

Xóm nghề chằm nón lá ở miền Tây - nơi lưu giữ hồn quê - Ảnh 5.

Để có được một chiếc nón lá hoàn thiện, người thợ phải trải qua 15 công đoạn. Ảnh: M.A.

Theo bà con xóm nghề, nguyên liệu chính để chằm nón là lá mật cật. Lá mật cật già đem luộc chín, vuốt thẳng, phơi ráo. Lá phải được cán hay vuốt thẳng, sao cho sau khi chằm thì không bị co, dúm lại. Sau đó, lá mật cật được kết dính một cách khéo léo với vòng nan tre bằng chỉ trong suốt; xếp từng lá chồng dọc theo khuôn để chằm.

Thông thường, những người đàn ông sẽ phụ trách vót nan trúc hay tre để lên khuôn làm sườn nón. Các nan tre hay trúc phải được chuốt nhỏ và kích thước tương ứng cho 16 vành nón.

Xóm nghề chằm nón lá ở miền Tây - nơi lưu giữ hồn quê - Ảnh 6.

Những người phụ nữ gắn đời mình với nghề chằm nón lá luôn trăn trở giữ nghề. Ảnh: M.A.

Bà Lan vừa vót những nan tre vừa nói: "Chằm nón lá này khâu nào cũng vất vả hết. Làm xong một cái nón là qua 15 công đoạn. Vành mình mua trúc về mình cưa từ cỡ nhất cho tới cỡ 16, sau đó mình mới chẻ rồi mình mới vuốt. Còn lá phải chọn được lá đủ tiêu chuẩn và qua nhiều công đoạn xử lý mới sử dụng để chằm nón được".

Người ta chọn mua một chiếc nón đẹp trên cơ sở chiếc nón ấy có bền hay không, chằm dày hay thưa, vành vót vừa hay nhỏ. Tùy theo khoảng cách của từng mũi kim mà người mua phân biệt ra nón thưa và nón dày. Giá tiền cũng theo đó được ấn định. Nếu chằm nón đẹp thì sẽ bán được giá 50-60 ngàn đồng/chiếc.

Xóm nghề chằm nón lá ở miền Tây - nơi lưu giữ hồn quê - Ảnh 7.

Mỗi chiếc nón lá đẹp có giá bán từ 50-60 ngàn đồng. Ảnh: M.A.

Nếu so về tổng thể, chiếc nón tại Long Hồ không khác là bao với những chiếc nón của vùng miền khác nhưng với sự khéo tay và chịu khó trong từng công đoạn nên sản phẩm làm ra bền, chắc. Từ đó, được nhiều người tin dùng, rồi dần dà vang danh khắp miền Tây.

Vừa cầm tay chỉ dạy nghề cho mấy đứa cháu, bà Lan nói: "Ở đây mấy đứa trẻ nó đi làm hết, còn một số phụ nữ nội trợ trong gia đình thì làm nghề kiếm thêm. Làm một ngày 3-5 cái nón thì người thợ cũng thu được vài chục đến 100 ngàn đồng để chi tiêu trong nhà. Làm nghề nhiều năm cũng thành quen, nghỉ không làm thì thấy cũng buồn".

Xóm nghề chằm nón lá ở miền Tây - nơi lưu giữ hồn quê - Ảnh 8.

Những người thợ ở xóm nghề chằm nón lá mong mỏi sản phẩm được nâng giá trị để níu giữ người trẻ theo nghề. Ảnh: M.A.

Trải qua bao thăng trầm và sự thay đổi của cuộc sống, dù không còn hưng thịnh như thời hoàng kim, nhưng hiện vẫn còn hơn 300 hộ sống bằng nghề chằm nón lá. Chính lòng yêu nghề và sự quyết tâm của những người thợ đã âm thầm níu giữ cái nghề ông cha.

Chiếc nón lá gần gũi, thân thương với người Việt đến thế. Tuy chỉ là vật dụng đơn sơ nhưng nó lại ẩn chứa hồn quê mộc mạc, dung dị và cũng rất đỗi Việt Nam. Hiện nay, dù có nhiều loại nón đẹp mang phong cách hiện đại thế nhưng chiếc nón lá vẫn giữ cho riêng mình một chỗ đứng trong tâm thức người Việt, dù ở nông thôn hay thành thị.

Xóm nghề chằm nón lá ở miền Tây - nơi lưu giữ hồn quê - Ảnh 9.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan ngụ thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, người có hơn 20 năm gắn bó với nghề chằm nón lá. Ảnh: M.A.

Còn đối với bà con xóm nghề chằm nón lá giờ đây không còn đơn thuần là miếng cơm manh áo là kế sinh nhai của từng gia đình mà đó là cách để lưu giữ hồn quê.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem