Nghệ sĩ nông dân quảng bá thành nhà Hồ

Lưu Nguyễn Thứ hai, ngày 03/08/2015 08:09 AM (GMT+7)
Tiếng đàn, lời ca mộc mạc chốn thôn dã của các “nghệ sĩ nông dân” huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã mang đến sức sống mới cho không gian di sản thế giới thành nhà Hồ.
Bình luận 0

Nghệ sĩ của ruộng đồng

Đã có nhiều năm làm diễn viên đoàn ca nhạc Hương Sen thuộc Công ty Lotaba Thanh Hóa, giải nghệ về làng rồi mà “máu văn công” trong người anh thương binh Nguyễn Đức Hùng vẫy chảy dào dạt. Không hát ăn lương, không hát bán vé thì hát cho nhau nghe, hát phục vụ lòng mình, tấm lòng của những người cứ nghe thấy tiếng dân ca cất lên là… thổn thức. Với suy nghĩ ấy, anh Hùng kết giao với nhiều bạn bè cũng thuộc giới say đàn mê hát trong phong trào văn nghệ địa phương.

img

Các nghệ sĩ làng ở huyện Vĩnh Lộc biểu diễn một tiết mục phục vụ du khách.  Ảnh:   LƯU NGUYỄN

Anh Hùng có chỗ dựa là vợ - chị Nguyễn Thị Tâm, cũng là một người rất say mê với nghiệp đàn ca sáo nhị. Những năm còn sản xuất ở nông trường Vân Du huyện Thạch Thành, chị cũng là thành viên tích cực trong đội văn nghệ. Sau này chị Tâm còn tiếp tục góp mặt trong đội văn nghệ thôn làng.

Hơn 2 năm nay, anh chị có một cửa hàng nhỏ cho thuê trang phục biểu diễn ở phố mới Vĩnh Tiến, thị trấn huyện Vĩnh Lộc. Làm gì thì phải thạo nấy, đương nhiên, nhưng về tình cảm, công việc này cho anh chị được gắn bó hơn với cái công việc văn nghệ mà mình yêu thích. Thế là hai vợ chồng cùng quyết tâm, một mặt vẫn duy trì cửa hàng để lo kinh tế cho gia đình, một mặt dành hết nhiệt huyết cho sự nghiệp văn nghệ của thôn xóm. Tập hợp những người yêu mến văn nghệ trong thị trấn huyện Vĩnh Lộc, ai có khả năng gì thì phát huy khả năng ấy, thế là những người dân ở đây đã có một đội văn nghệ “ra tấm ra món”.

Thành lập giữa năm 2014, Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ của nông dân thị trấn Vĩnh Lộc đã có cuộc ra mắt rất đáng nhớ trong dịp kỷ niệm Ngày di sản văn hóa 2014 ở Thanh Hóa. Các thành viên CLB văn nghệ  đề cử anh Hùng làm chủ nhiệm và thêm một điều may mắn là họ được trực thuộc Ban quản lý di sản thành nhà Hồ. Các bác nhạc công cùng một số chị em có giọng hát  tốt, khả năng múa đều là những người yêu văn nghệ và có thâm niên tham gia văn nghệ quần chúng rất lâu năm. Nhiều người say mê tiếng đàn tiếng hát đã mấy mươi năm nhưng ở dạng cá nhân, nay đều tụ hội với CLB.

Mang sức sống cho di sản

Chúng tôi gặp các nhạc công của quê hương Vĩnh Lộc lúc các ông đang ngồi nghỉ dưới hiên ngôi nhà lá - khu nghỉ chân cho du khách gần tường thành cổ. Ông Trần Xuân Nguyên chuyên đàn tam, ông Phạm Xa Phòng và Trịnh Xuân Thu chơi trống, ông Nguyễn Ngọc Lân thổi sáo, ông Lê Văn Duấn chơi líu, ông Phạm Hoàng Hà biết cả nhị, tam, sáo… Ông nào cũng như “con dao pha”, biết chơi nhiều hơn một loại nhạc cụ. Hỏi về sự góp mặt trong CLB văn hóa nghệ thuật vùng di sản thành nhà Hồ, ông Nguyên cười: “Chúng tôi lấy hoạt động văn nghệ làm sự mua vui thôi. Ham thích thì chơi chứ không đòi hỏi. Có kinh phí chi nước nôi là quý rồi!”.

Còn anh Hùng cho biết: “Việc CLB thường xuyên hoạt động và có được như ngày hôm nay là nhờ ý tưởng và lòng nhiệt tình của anh chị em. Lại gặp được ý tưởng của các cán bộ quản lý di sản thành nhà Hồ, rằng việc đón du khách tham quan cũng nên có cả phần văn nghệ truyền thống quê hương để không gian di sản, hoạt động văn hóa, du lịch nơi này thêm màu sắc, nên chúng tôi lại càng thêm hào hứng”. Anh chị Hùng- Tâm mời một số hạt nhân văn nghệ trên địa bàn thôn, xã, huyện tham gia với số người thường trực là 15, thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách tại điểm nghỉ chân trước thành cổ, tập trung vào các ngày thứ 7, Chủ nhật.

Chèo có, quan họ với dân ca ba miền có, cải lương cũng có, nhất là dân ca Thanh Hóa, thế mới ra cái chất địa phương. Cùng với bánh lá răng bừa, chè lam Phủ Quảng, nước chè tươi đem ra mời, từ hát đến các món đặc sản này đều miễn phí. Chị Tâm cho biết, khách đến nghỉ chân, uống nước, ăn bánh, nghe đàn hát nhiều giai điệu vùng miền, hầu như ai cũng thích. Có hôm đến tận bữa cơm trưa rồi mà chủ với khách còn mải giao đãi.

Ban ngày hầu hết các thành viên CLB đều đi làm việc đồng áng, tối rảnh rỗi hay những khi nông nhàn thì thường tụ họp tại nhà văn hóa của một thôn nào đó để tập luyện. Ngoài các bài ca lời cổ, còn có nhiều bài lời mới được mọi người trong CLB sáng tác thêm, tự biên tự diễn cho phù hợp với không khí đời sống mới, và để tăng vốn liếng, phục vụ du khách thêm phong phú. 


  Trợ cấp, chế độ cho hoạt động văn nghệ đầy tính tự nguyện này thì đến giờ vẫn chưa có gì, nhưng mọi người đã tự đóng quỹ để sinh hoạt. CLB chỉ xin được đặt một quầy hàng nhỏ bán đặc sản bánh địa phương, ai có nhu cầu thì mua chứ không nài nỉ. Bởi lấy vui, lấy sự giao lưu làm chính. Đón nhận niềm vui của du khách với những lời khen “chưa đi nơi nào có cách tiếp khách như ở đây!” , các thành viên CLB cho biết, mọi người đều “mát hết cả ruột”.   

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem