Lễ cúng mời gọi các hồnĐồng bào Thái ở Sốp Cộp cho rằng khi đứa trẻ sinh ra có 80 hồn, được chia 30 hồn ở phía trước và 50 hồn ở phía sau; 80 hồn này luôn bảo vệ cho em bé. Khi người mẹ mang thai tháng thứ nhất phải mời thầy mo đến cúng.
Lễ vật cúng bắt buộc phải là một con gà trống, lễ cúng được diễn ra trong một ngày, thầy mo mời gọi các hồn về để nhập vào thai nhi trong bụng mẹ. Từ khi đó thai nhi trong bụng mẹ mới yên tâm, khỏe mạnh đến khi sinh ra.
Chữ Thái cổ ghi chép những bài hát ru của đồng bào Thái ở Sốp Cộp.
Ứng với vòng đời phát triển của trẻNgay từ khi trong bụng mẹ, người Thái cũng đã chọn những lời yêu thương, cưng nựng, vỗ về uyển chuyển nhất để tạo ra những bài hát ru cho trẻ nhỏ, quan tâm và giáo dục trẻ ngay từ khi người mẹ đang mang thai.
Theo từng thời kỳ, khi còn trong bụng đến lúc trẻ ra đời và cho đến khi lên 6 tuổi, người Thái đều có những bài hát ru ứng với vòng đời phát triển của trẻ: Tháng thứ nhất, “khi con vào bụng mẹ”, người mẹ có lời hát ru về một giấc mơ đẹp: “Mẹ mơ đeo vòng bạc vào tay/Đúng là con vào bụng mang thai”.
Tháng thứ hai mẹ có lời ru: “Nắng nóng mẹ thèm dưa…/Bé vào bụng hai tháng”. Tháng thứ ba là lời ru: “Mẹ thèm ăn chua me/Bé vào bụng ba tháng”. Tháng thứ tư là lời ru: “Mẹ thèm ăn chua cá ly/Bé vào bụng bốn tháng”. Tháng thứ năm mẹ lại có lời ru: “Mẹ lại muốn ăn chua cá bá/Bé vào bụng mẹ năm tháng”.
Tháng thứ sáu là lời ru: “Lại thèm muốn ăn thịt cá bỗng/Bé vào bụng sáu tháng có thai”. Tháng thứ bảy mẹ ru: “Lại thèm thịt chua cá tết/Bé vào thai bảy tháng”. Mẹ ru vào tháng thứ 8: “Lại thèm ăn quả nhót/Mẹ mang thai tám tháng”. Tháng thứ chín, tháng cuối cùng, người mẹ Thái ru rằng: “Lại thèm ăn chua thịt cá pậu/Bé trong bụng mẹ chín tháng mười ngày.
Hình ảnh thiên nhiên trong hát ruTrong những khúc hát ru đồng bào Thái ở Sốp Cộp, hình ảnh thiên nhiên xuất hiện nhiều, đa dạng. Bởi vì, đồng bào Thái ở Sốp Cộp trong hành trình mưu sinh của mình luôn lấy thiên nhiên làm điểm tựa. Những đối tượng của thiên nhiên như rừng già, thú dữ, ruộng nước, nắng, mưa, gió bão… luôn gắn liền với cuộc sống lao động cực nhọc từ bao đời nay của người Thái. Đó là hình ảnh các con vật nơi núi rừng: “Rắn bện thừng/ Thuồng luồng cổ vàng/ Ong đùi vằn thổi sáo/ Chuồn chuồn cấy lúa/ Cà cuống phát nương/ Gà nhỏ hái rau/ Chim cuốc ru em ngủ..”
Truyền dạy “di sản” văn hóaTrong vòng đời của đứa trẻ, đồng bào Thái ở Sốp Cộp đã sáng tạo ra những khúc hát ru để truyền dạy cho chúng những “di sản” văn hóa, phong tục của dân tộc mình, điều mà mỗi người dân Thái ở vùng này cần phải có khi lớn lên và ăn đời ở kiếp với miền đất này. Khi đứa trẻ còn nhỏ, qua những lời ru, người lớn gửi vào đó những kinh nghiệm chăm sóc, bảo vệ đứa trẻ: “Đã được tám tháng tận/ Đã được chín tháng mong/ Mở cửa mẹ ra bé thành người/ Ra sấp thành con trai/ Ra ngửa thành con gái…”.
Khi trẻ mới sinh, thời gian đầu thóp của trẻ chưa liền, người Thái có lời ru là Quán há phú sáư kamon (Lời hả hơi vào thóp), người mẹ thường vừa hà hơi vào thóp con vừa hát. Khi trẻ bú mẹ bị sặc, người mẹ cầm tai rung nhè nhẹ để trẻ trở lại bình thường, rồi hát cho con yêu những lời ru rất đỗi yêu thương: “Con yêu của mẹ/ Uống chớ sặc/ Ăn chớ mắc/ Uống cho xuôi/ Bú cho trôi/ Họng thông mở…”.
Đồng bào Thái có tục gội đầu vào mỗi độ xuân về. Do vậy, trong lời hát ru khi đứa trẻ còn nhỏ, người ta vừa ru, vừa hát lại vừa truyền dạy cho đứa trẻ cách chải đầu và chải làm sao để rũ bỏ mọi bụi bặm trên đầu, tránh xa những côn trùng và những điều xấu xa, tục bậy trong cuộc sống: “Chải chải - bảo bảo/ Tóc bạc đầu chớ lười - lười/ Vào bản chớ trộm dưa/ Cương chín chớ làm gái bản chửa hoang…”.
Mỗi giai đoạn lớn lên của đứa trẻ đều có những câu hát phù hợp để nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ và bản lĩnh của chúng. Không đơn thuần là công cụ để dỗ dành trẻ nhỏ mà những khúc hát ru ở Sốp Cộp đã thực sự là những bài học khai tâm khai sáng đầu đời của con trẻ, hướng tới hình thành trong mỗi đứa trẻ những phẩm chất tốt đẹp để khi chúng lớn lên sẽ giúp ích cho dân bản, cho cộng đồng. Đó là ước mơ cao đẹp của đồng bào Thái nơi núi thẳm.
LV (Theo LV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.