Nghịch lý: Trường "đói" giáo viên, cử nhân sư phạm đi bán cà phê

Trần Hiền Chủ nhật, ngày 15/04/2018 15:01 PM (GMT+7)
Gia Lai đang xem xét chấm dứt hợp đồng với 1.400 giáo viên, nhiều trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai lo bị lâm vào tình trạng thiếu người đứng lớp.
Bình luận 0

Thực hiện tinh giản biên chế, các địa phương ở Gia Lai đã chấm dứt hợp đồng với hơn 1.400 giáo viên. Cầm tấm bằng cử nhân sư phạm trong tay nhưng có giáo viên nay phải làm phục vụ ở quán cà phê, làm rẫy... để có tiền trang trải cuộc sống. Còn ngành giáo dục tỉnh thì đang “gồng mình” tăng tiết, tăng giờ vì thiếu giáo viên trầm trọng.

Cử nhân đi phụ bán cà phê

Cầm tấm bằng cử nhân sư phạm trong tay, cô Phạm Thị N (25 tuổi, trú tại huyện Ia Grai) lại phải đi phụ bán cà phê để kiếm sống. Tâm sự với chúng tôi, cô N cho biết: “Từ tháng 11.2016, tôi về dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (xã Ia Tô, huyện Ia Grai).

Sau đó luân chuyển qua Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh khai giảng dạy, đến tháng 1.2018 thì bị chấm dứt hợp đồng lao động. Suốt 4 năm đại học tôi luôn mong được đứng trên bục giảng để truyền thụ lại những kiến thức đến học sinh. Ra trường chật vật lắm tôi mới xin ký hợp đồng được. Mới quen được trường và các em học sinh thì lại bị cắt hợp đồng, hiện tại tôi đang rất hoang mang, 4 năm học tập mới có được chiếc bằng cử nhân mà giờ lại phải về đi bán cà phê”.

img

Ngành giáo dục Gia Lai đang phải "gồng mình" vì thiếu giáo viên

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Gia Lai, năm học 2017 - 2018 tỉnh có hơn 19.000 giáo viên trong diện biên chế giáo dục phổ thông và mầm non, vẫn còn thiếu so với mức quy định hơn 2.000 người. Chính vì vậy, các huyện đã ký 1.400 hợp đồng với các giáo viên đứng lớp để đảm bảo tương đối việc dạy học.

Nhưng sang năm 2018, thực hiện Kết luận số 17 - KL/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức thì tỉnh Gia Lai đã chấm dứt 1.400 giáo viên đang dạy hợp đồng tại các trường học trên địa bàn. Cụ thể, ở một số huyện như: Ia Grai và Chư Pưh đã cắt hợp đồng hơn 350 giáo viên. Do vậy trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng thiếu hụt giáo viên ngày càng trầm trọng. 

“Chắp vá” giáo viên  

Nếu chấm dứt hợp đồng 1.400 giáo viên sẽ dẫn đến nghịch lý là, trường thì thiếu giáo viên, trong khi nhiều giáo viên lại thất nghiệp. Để lấp chỗ trống của hơn 1.400 giáo viên, ngành giáo dục tỉnh đang phải “chắp vá” bằng cách chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, thực hiện tăng tiết, tăng giờ để đảm bảo được số tiết quy định.

Việc giáo viên biên chế tăng tiết cũng kéo theo quỹ lương “phình to” hơn so với chi trả cho giáo viên hợp đồng trong 1 năm dự kiến khoảng 10 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với lương giáo viên hợp đồng.   

img

Hình ảnh những giáo viên "cõng chữ" lên đỉnh BYầu

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn thực tại, ông Phạm Văn Đại - Trưởng phòng GD - ĐT huyện Ia Grai cho biết, vừa qua phòng có hơn 100 giáo viên bị cắt hợp đồng, điều này gây rất nhiều khó khăn cho ngành giáo dục trong việc giảng dạy, buộc các trường phải ghép lớp, giáo viên biên chế phải tăng số tiết. Một số giáo viên dạy trường này không đủ số tiết phải tăng cường qua trường khác để dạy cho đủ.

Tương tự, hiện Phòng GD - ĐT huyện Chư Pưh cũng có hơn 200 giáo viên giảng dạy tại 37 trường học phải cắt hợp đồng. Ông Huỳnh Minh Thuận - Giám đốc Sở GDĐT Gia Lai nói: “Đơn vị đã làm theo quy trình và trách nhiệm của mình trong việc tham mưu, hướng dẫn.

Buộc phải cắt hợp đồng với các giáo viên bản thân tôi rất trăn trở, lấy làm tiếc nhưng không thể làm khác được. Các giáo viên bị cắt hợp đồng phần lớn là giáo viên trẻ, ngành giáo dục cũng muốn tạo điều kiện để các thầy cô cống hiến nhưng không được”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem