Thứ nhiều người biết không tốt nhưng vẫn "lao đầu" vào, nôn ra máu vẫn uống

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 23/02/2023 06:08 AM (GMT+7)
Uống quá nhiều rượu bia khiến nhiều người trẻ đang phải đối mặt mới nguy cơ tổn thương dạ dày sớm. Có người trước thời điểm nhập viện 2 ngày nôn ra máu vẫn tiếp tục uống nhiều rượu.
Bình luận 0

Nhiều người trẻ nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu

Mới đây, PGS.TS. Bác sĩ Đỗ Trường Sơn, Trưởng Khoa ngoại tổng hợp (Bệnh viện E), cho biết thời gian qua, bác sĩ tiếp nhận khá nhiều người trẻ bị thủng dạ dày, chảy máu, viêm loét dạ dày do lối sống, thói quen ăn uống không khoa học.

Theo bác sĩ Sơn, điển hình là trường hợp bệnh nhân 25 tuổi là nhân viên kỹ thuật, chưa lập gia đình. Bệnh nhân chia sẻ thường xuyên phải đi công tác và uống rượu bia nhiều. Đặc biệt, vào thời điểm lễ Tết vừa qua, nam thanh niên này liên tục uống rượu bia dù biết không tốt cho sức khoẻ. Nhưng để duy trì các mối quan hệ với đồng nghiệp, đối tác, bạn bè anh không thể từ chối.

Thứ nhiều người biết không tốt nhưng vẫn "lao đầu" vào, nôn ra máu vẫn uống  - Ảnh 1.

Uống quá nhiều rượu bia gây hại dạ dày. Ảnh minh hoạ

Sau nhiều ngày uống rượu bia, bệnh nhân đi ngoài phân đen. Khi bị nôn ra máu, bệnh nhân mới đến y tế tuyến cơ sở để khám. Tại y tế tuyến cơ sở, bệnh nhân được chỉ định nội soi, chẩn đoán chảy máu dạ dày. Sau đó, bệnh nhân vẫn bị tái phát chảy máu dạ dày nên đã tới Bệnh viện E khám.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được phát hiện chảy máu dạ dày và có những vết loét nông chưa được điều trị triệt để. Sau khi được xứ lý vùng chảy máu, bệnh nhân không còn đi ngoài phân đen, tiên lượng khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng.

Bác sĩ Sơn cho biết bệnh nhân 25 tuổi trên đã được chỉ định kiểm tra toàn bộ cơ thể để loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn gây chảy máu dạ dày. Rất may mắn bệnh nhân không có thêm bệnh lý khác.

Nói thêm về trường hợp này, bác sĩ Sơn cho rằng nguyên nhân là do uống rượu bia nhiều. Kết hợp với những áp lực trong công việc và cuộc sống, chế độ ăn kém khoa học, bệnh nhân đã bị viêm loét, chảy máu dạ dày khi tuổi còn trẻ.

Tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 35 tuổi, được vợ đưa vào nhập viện trong tình trạng lờ đờ, mệt mỏi. Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân có thói quen uống nhiều rượu. Cách thời điểm nhập viện 2 ngày, bệnh nhân có nôn ra máu và đi ngoài phân đen. Đáng chú ý, ngay sau hôm xuất hiện tình trạng này, bệnh nhân vẫn tiếp tục uống nhiều rượu và bị nôn ra máu lần 2 nên được người nhà đưa vào nhập viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa dẫn đến tình trạng đi ngoài phân đen và nôn ra máu. Bệnh nhân có tiền sử uống rượu từ lâu. Có thể do loét dạ dày, xuất huyết dạ dày dẫn đến triệu chứng trên.

Dấu hiệu nào cảnh báo bị chảy máu dạ dày vì uống nhiều rượu?

Người thân chia sẻ, trước đó, bệnh nhân cùng 3 người khác uống rượu ngâm ngọc cẩu. Sau chầu rượu, cả 4 người cùng có biểu hiện nôn, mê man nhưng người đàn ông này có tình trạng nặng nhất nên được đưa vào viện.

"Bệnh nhân bị ngộ độc cấp, chúng tôi đang theo dõi tình trạng ngộ độc rượu do ethanol và chưa loại trừ ngộ độc methanol", BS Hùng chia sẻ về tình trạng của bệnh nhân và cho hay, với bệnh nhân ngộ độc rượu trong 6 tiếng đầu sẽ có chỉ định rửa dạ dày để loại bỏ trực tiếp chất độc.

Thứ nhiều người biết không tốt nhưng vẫn "lao đầu" vào, nôn ra máu vẫn uống  - Ảnh 2.

Bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc rượu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Bên cạnh đó, một phương án điều trị khác là giải độc không đặc hiệu. Các bác sĩ sẽ tăng lượng truyền dịch để bệnh nhân đi tiểu đào thải chất độc.

Chảy máu dạ dày thường có các dấu hiệu như: Đau nghiêm trọng vùng thượng vị; Thay đổi sắc tố da; Nôn ra máu; Đi ngoài phân đen. Một số triệu chứng khác là hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, choáng váng, tụt huyết áp, vã mồ hôi,… do thiếu máu. Khi xuất hiện các dấu hiệu trên, mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra và điều trị.

Hiện nay, người dân thường có thói quen dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, cũng có thể dẫn tới nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày tá tràng, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo bác sĩ Đỗ Trường Sơn, để tránh nguy cơ viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, chúng ta cần có lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia thuốc lá. Trong đó, việc tránh stress rất quan trọng. 

Khi con người luôn ở trong thái tâm lý căng thẳng, các hormone từ tuyến yên sẽ kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid HCl hơn, đồng thời suy giảm miễn dịch tại chỗ (giảm dịch nhầy bảo vệ niêm mạc). Điều này tạo điều kiện để acid HCl trong dịch vị dễ dàng tiếp xúc và gây tổn thương niêm mạc dạ dày, hình thành các vùng viêm loét.

Ngoài ra, người dân cũng nên đi khám sức khoẻ định kỳ hoặc đi khám khi có bất thường ở đường tiêu hoá. Những diễn biến cấp tính tại đường tiêu hoá như chảy máu dạ dày có thể diễn biến nhanh gây nguy hiểm cho tính mạng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem