Ngôi miếu kỳ lạ và chiếc giếng tự có cá

Thứ tư, ngày 23/04/2014 17:15 PM (GMT+7)
Ít ai biết rằng, làng Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội) có một ngôi miếu thờ công chúa đời Lý. Dân làng vẫn quen gọi tên ngôi miếu này là “miếu Chúa”.
Bình luận 0
Xung quanh ngôi miếu chất chứa nhiều câu chuyện ly kỳ, khó lý giải mà người dân vẫn luôn tin rằng mọi chuyện đều bắt nguồn từ sự linh thiêng…
Những đạo sắc phong không có tên thật của vị phúc thần.
Những đạo sắc phong không có tên thật của vị phúc thần.

Nhiều chuyện lạ quanh “miếu Chúa”

Nhiều người làng Lệ Mật còn lưu truyền câu chuyện nhiều năm trước liên quan đến miếu Chúa. Cụ ông Trần Như Rất, 73 tuổi, kể lại một cách đầy hào hứng: “Vào những năm 1960, có sáu người thanh niên ra miếu chơi, trong đó có một anh vén màn của miếu lên để nghịch, một anh cầm súng phốc bắn vào tượng Chúa, một anh lấy nước bẩn xoa lên tượng. Ba anh còn lại thì chỉ đứng nhìn.

Ngay lập tức, ba anh đứng nhìn như bị trói tay vào gốc cây đa bên miếu, không thể đi lại được. Ba anh xâm phạm miếu và tượng thì hai tay cuốn vào nhau và cứ thế lăn về nhà. Sau đó, có nhà sư đi qua gốc cây đa, thấy ba anh đứng ở gốc cây liền hiểu ra sự tình. Nhà sư vào miếu khấn vái, xin cho những người đứng ở gốc cây thì sau đó họ được trở lại trạng thái bình thường”.

Năm nay, ông Chè cũng như dân làng rất tin tưởng rằng sẽ lại bắt được cá chép trong dịp lễ hội vào đầu tuần tới. Niềm tin này xuất phát từ việc nhân dân và chính quyền đã có những sự đồng nhất, yên ấm và đặc biệt là vào đầu tháng 3 âm lịch đã có một cơn mưa lớn.

Người làng Lệ Mật cũng cho rằng, những người có liên quan đến việc chặt cây đa trước đây của miếu Chúa cũng đều nhận được những kết cục không hay. Có người thì phải bỏ làng đi, có người phải chứng kiến nhiều thành viên trong gia đình chết trẻ một cách đầy đau đớn.

Điều đặc biệt khác nữa là ngôi miếu thờ công chúa đã tồn tại dưới chân một gốc đa, miếu đã khá lâu đời nên những cột kèo đã bị vỡ ra. Thế nhưng, rễ đa cuốn vào khiến cho các mảnh vỡ không thể rời nhau. Người dân địa phương cho rằng, đây đều là do sự linh thiêng của người được thờ trong miếu nên miếu dù đã cũ vẫn không bị đổ, vỡ.

Vị thành hoàng làng bí ẩn và 17 đạo sắc phong không tên

Tìm thêm thông tin về miếu Chúa, chúng tôi được biết dân làng cho biết, miếu vốn thờ một công chúa tên là Lý Viết Chiêu Nương. Mặc dù trong sử sách không ghi nhưng truyền thuyết của làng Lệ Mật thì cho rằng công chúa Chiêu Nương chính là con gái cả của vua Lý Thái Tông.

Có một lần, công chúa được vua cha cho đi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (nay là sông Đuống) thì gặp Vua Thuỷ Tề. Thấy nàng nhan sắc xinh tươi, Thủy Tề liền nổi sóng dữ, truyền cho giảo long lên bắt. Nghe tin dữ, nhà vua lập tức điều binh khiển tướng đi cứu con, nhưng ở dưới đáy sông thì tướng sĩ đều lực bất tòng tâm.

Lúc này, có chàng trai làng Lệ Mật xin vua được cứu công chúa... Chàng trai đã rất dũng cảm chiến đấu với giảo long và cuối cùng đưa được xác công chúa lên bờ trong tiếng reo hò của ba quân và niềm tiếc thương công chúa của nhà vua cùng dân chúng.

Sau đó, nhà vua đã ban cho chàng trai này chức quan Thái giám nội thị tự khanh cùng một trăm cân vàng, lụa là, gấm vóc, nhưng chàng đều khước từ không nhận.....Chàng xin được lấy đất trong một ngày đi bộ để đưa người làng Lệ Mật sang khai khẩn. Nguyện vọng của chàng ngay lập tức được nhà vua đồng ý.

Theo dân làng Lệ Mật thì toàn bộ vùng đất thuộc quận Ba Đình ngày nay chính là phần đất được giao cho chàng trai của làng. Sau đó, chàng trai nói trên đưa 13 dòng họ của làng sang sinh sống, lập nghiệp. Khi ấy, người ta gọi là 13 làng trại. Những làng trại này lập nghiệp và tạo cho vùng đất Ba Đình ngày nay thành một vùng nông nghiệp xanh tươi, trù phú. Cho đến nay, 13 dòng họ này vẫn về làng Lệ Mật để dâng hương hàng năm trong những ngày trọng lễ của làng.

Sau này, khi ông mất (theo dân làng chính là ngày 23/3 âm lịch, ngày nay được lấy làm ngày lễ hội của làng Lệ Mật), bỗng một tổ mối lớn xuất hiện đùn lên nơi mộ phần của ông. Nhà vua lúc ấy biết chuyện đã ban tặng tiền vàng để xây dựng nơi thờ tự cho ông và phong cho chức vị Thượng Đẳng Phúc thần. Từ đó, người Lệ Mật và dân 13 làng trại thờ cúng ông như một vị vị phúc thần của làng. Ông được thờ tự tại đình làng Lệ Mật ngày nay – kế bên đó là miếu thờ công chúa Chiêu Nương.
Cá chép đầu có dấu đỏ bắt lên từ giếng làng. Ảnh:HP (GĐ)
Cá chép đầu có dấu đỏ bắt lên từ giếng làng.

Ông Trương Văn Chè cho biết, không ai biết tên thật của vị phúc thần ấy. Chỉ biết, tại đình Lệ Mật có tới 17 đạo sắc phong của nhiều đời vua ban tặng nhưng trong tất cả những sắc phong này đều không nhắc tới tên thật của vị phúc thần mà chỉ nhắc đến chức vị “Thượng đẳng Phúc thần”.

Theo ông Chè, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, Hán Nôm cũng đã về đình làng Lệ Mật và dịch các đạo sắc phong nói trên nhưng vẫn chưa thể có kết luận vì sao các sắc phong đều không nêu tên thật của vị phúc thần của làng.

Cá của giếng từ hồ Tây... bay về?

Liên quan đến công lao chiến đấu với giảo long và đưa thi thể của công chúa lên bờ của chàng trai làng Lệ Mật, sau này, vong hồn nhà vua và công chúa vẫn luôn tỏ lòng biết ơn với chàng trai. Người làng Lệ Mật luôn tâm niệm rằng, cứ trước ngày húy 23.3 âm lịch là vong hồn vua và công chúa lại tạo một cơn mưa lớn để đưa cá chép từ hồ Tây bay về giếng của làng để dân làng mang dâng lên bàn thờ của vị Thượng đẳng Phúc thần như một món quà cảm tạ.

Trên thực tế, chiếc giếng của đình làng nằm kề bên miếu Chúa. Đây là giếng không hề thông với ao – hồ hay hệ thống nước chảy nào. Người làng cũng không bao giờ thả cá xuống giếng.

Theo tục lệ của làng, cứ đến trước ngày hội làng, mỗi dòng họ sẽ cử ra hai chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú để tham gia vào việc đánh lưới tại giếng. Nếu năm nào bắt được cá chép và là cá chép có đóng dấu đỏ thì năm đó dân làng sẽ làm ăn phát đạt, thịnh vượng...

Dân làng cho rằng, vua và công chúa chỉ gửi cá chép về khi nào người trong làng hòa thuận, thuận lợi về mọi mặt. Chính vì thế, không phải năm nào trai làng quăng lưới cũng bắt được cá chép trong ngày lễ hội. Có năm, dù lưới giăng rất kỹ thì cũng chỉ bắt được vài con cá trôi, cá ngão...

Cả ông Trương Văn Chè và cụ Trần Văn Rất cũng như nhiều người làng Lệ Mật đều khẳng định không có ai thả cá xuống giếng đình mà cá tự xuất hiện sau những cơn mưa lớn. Người làng Lệ Mật tin tưởng rất chắc chắn rằng cá trong giếng đều được “bay” từ hồ Tây về sau những cơn mưa ấy.

Theo ông Trương Văn Chè, năm nào hội làng bắt được cá chép trong giếng thì đều cho thấy những điềm tốt lành và ngược lại. Năm 1995, dân làng khá phát đạt và đã bắt được hẳn một con cá chép lớn có dấu đỏ trên vẩy. Sau đó, chính quyền và nhân dân địa phương có nhiều bất cập nên trong nhiều năm liền, Lệ Mật không được “tặng” cá chép. Phải tới năm 2011 và năm 2012, lễ hội mới lại bắt được cá chép trong giếng. Làng Lệ Mật bấy lâu nay chỉ có 1 -2 người đỗ đại học mỗi năm nhưng vào năm 2011, sau nhiều năm mới có cá chép thì bỗng nhiên cả làng có tới 26 cháu đỗ đại học. Đây là con số chưa bao giờ đạt được của làng.

Theo Giadinh.net ( Theo Giadinh.net)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem