Ngôi nhà ngói năm gian ở chốn quê!

Bùi Việt Phương Thứ hai, ngày 25/05/2015 18:28 PM (GMT+7)
Đã có một thời, nhà ngói, cây mít, sân gạch… là niềm mơ ước của bao gia đình nơi làng quê Việt. Dưới khuôn viên, mái nhà ấy, người nông dân có thể vui thú nhàn tản sau những ngày đồng áng cật lực. Ngày nay, cho dù mô hình đó dần nhường chỗ cho những kiến trúc hiện đại, tiện nghi nhưng vẻ đẹp thuần Việt ấy vẫn còn khắc sâu trong tâm trí nhiều thế hệ.
Bình luận 0

Ngày hè, cả khu tập thể bị cúp điện, cái nóng hầm hập trên tầng gác mái, mấy người trong hàng phố lại rôm rả kể chuyện ngày xưa ở quê với mái tranh, đống rơm, sân gạch… Thế rồi tất cả cùng lặng yên nghĩ đến một thời chân đất với bao nhiêu vất vả, lam lũ mà vẫn vui vẻ bởi sự hòa đồng với môi trường, với cảnh quê yên ả.

Với tôi, hình ảnh về ngôi nhà ngói năm gian có từ thời các cụ để lại vẫn khắc sâu trong tâm trí từ thuở ấu thơ. Ngôi nhà như chứng nhân qua bao thế hệ của gia đình tôi. Còn nhớ trong những giấc ngủ trưa hè hay dẫu đêm khuya, vừa xoa lưng cho tôi ngủ bà nội vừa bỏm bẻm miếng trầu kể chuyện ngày xưa. Thời các cụ lên đây vẫn còn rừng thiêng, nước độc, thú dữ rình rập bắt người và gia súc. Phải kiên gan, bền bỉ lắm mới gây dựng được cuộc sống cho sau này, chuyển hóa cái hoang dã thành điền viên thân thuộc. Chính thời khắc những trai tráng cùng khai khẩn lập làng, đắp những tảng đất đầu tiên làm nền nhà là lúc ông tôi cất tiếng khóc chào đời. Long mạch đã chọn, địa thế đã được bồi tụ, những cây xoan gai đã ngâm qua mấy mùa nương được đưa lên làm thành kèo, cột, rui, mè… Ngôi nhà thiêng liêng và gần gũi kể cũng từ ngày đó.

img
Ngôi nhà ngói cũ nơi chốn quê - (ảnh BVP).

Người ta vẫn thường nói, nếp nhà có ngay ngắn thì con cháu mai sau mới thành đạt. Chẳng nhớ đã qua bao năm tháng hồi chiến tranh, binh lửa mà ngôi nhà vẫn vững vàng bên mé rừng. Bao lần sang sửa, tuy không còn giữ được hình hài cũ nhưng vẫn trang nghiêm, cổ kính rêu phong.

Những ngày hè, ngồi dưới mái nhà mát lịm, nghe tiếng ve kêu, nhìn vườn tược, cây trái thấy yêu hơn làng quê yên bình. Căn nhà ấm cúng nhất là những khi năm hết Tết đến lại đông đúc con cháu quần tụ thịt lợn, giết gà, gói bánh đón mùa xuân mới. Hay những khi phải đưa tiễn một người về chín suối, hay đón một đứa trẻ ra đời... đều có mái nhà là chứng nhân cho những đổi thay.

Sau này trong làng tôi đã có thêm nhiều gia đình dỡ ngói cũ lợp tôn, xây mái  bằng… nhưng vẫn còn lại vài ba ngôi nhà bình dị nằm khuất lấp dưới tán mít, bóng xoài. Thỉnh thoảng, con cháu từ các thành phố xa trở về, lại được ngắm nghía, vui đùa dưới mái nhà, cùng quây quần bên mâm cơm ngoài hiên gạch để ôn lại những kỉ niệm xưa cũ. Những khi ấy, ngôi nhà lợp ngói trầm mặc, bình dị chính là mái ấm vỗ về, an ủi những người xa quê cùng tìm lại mối liên hệ với quê cha đất tổ để cùng thấy thêm yêu quê hương, làng xóm mình.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem