Tôi còn nhớ, có những lần sau khi tát đìa xong, ba tôi được chia nhiều loại cá (trê, rô, lươn, sặt…). Trong đó có nhiều con cá lóc to cỡ bắp chân, được ba tôi mang về rọng trong lu dành cho má chế biến món ăn.
Cũng ở miền quê, gần như một truyền thống của gia đình là hễ cứ đến dịp lễ, Tết, trên mâm cơm cúng ông bà không thể thiếu nồi thịt kho cá lóc và món cá lóc hấp. Còn nhớ ngày ấy tôi còn nhỏ tuổi, chỉ phụ giúp ba má sắp mâm cỗ, còn tâm trí lại nghĩ đến món mà mình vốn ưa thích nhất, đó là cá lóc hấp cuốn bánh tráng chấm với tương ngọt.
Đĩa cá lóc hấp với sớ thịt trắng muốt ăn cùng rau sống (dưa leo, khóm, giá, rau thơm) cuốn bánh tráng với bún - món ăn mà tôi thích nhất từ thời còn trẻ thơ!. (Ảnh:BCT)
Hiểu được sở thích của con nên má tôi cũng hay làm món cá lóc hấp cuốn với bánh tráng. Đối với má, việc chế biến món ăn này rất mau lẹ, loáng cái là đã xong. Nhưng theo kinh nghiệm, để món ăn được ngon và hấp dẫn, má phải ra sau lu bắt con cá lóc cỡ 1,5 kg đem vào đập đầu và dùng dao bén cắt bỏ vi, kỳ, lạng da làm sạch. Móc bỏ nội tạng, (nếu có trứng, nhớ giữ lại cặp trứng cá rất ngon!), chà xát với muối, rửa sạch, để ra rổ. Cắt cá lóc ra làm đôi, đầu cá dùng nấu món canh chua truyền thống (hoặc kho ngót), thân cá cắt làm hai (hoặc để nguyên tùy thích) cho vào nồi chưng cách thủy. Độ khoảng 30 phút sau, khi thấy da cá nứt ra, là chín. Thế là, má lấy chảo phi đầu hành lá xắt nhuyễn cùng mỡ (dầu) thơm rưới lên thịt cá , múc cá ra cho vào dĩa là xong!
Sau này lớn khôn, đã đi làm ăn xa nhưng nhớ lời truyền dạy của má, tôi vẫn "công thức" ấy mà làm. Tuy có phần sáng tạo hơn, thêm dĩa bánh tráng nhúng, dĩa rau sống (rau thơm, dưa leo, khóm, giá sống), dĩa bún và một chén tương xay có rắc thêm đậu phộng rang giã giập, ớt bằm vào nữa là “tròn vị”.
Nếu có dịp về miền sông nước Cửu Long, mời bạn hãy tìm cơ hội khám phá cho được món cá lóc hấp cuốn bánh tráng này nhé. Và, tôi tin chắc, bạn sẽ không thể nào quên được món ăn dân dã đặc trưng nơi miền Tây hiền hòa và mến khách!...
* Bắt hôi: Sau khi đìa tát cạn, chủ đìa bắt cá xong, phần cá còn sót lại dưới đìa, ai bắt được nấy ăn. (Từ”hôi” ở đây có nghĩa là nhặt nhạnh những con cá còn sót lại.)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.