Ngược ngàn tìm trái hồng Vành khuyên (kỳ 2): Lên rừng hồng “hái” tiền triệu mỗi ngày

Gia Tưởng Thứ ba, ngày 28/09/2021 13:00 PM (GMT+7)
Cây hồng Vành khuyên đến với con người và vùng đất Văn Lãng (Lạng sơn) như một món quà của tạo hóa. Và sau nhiều năm từ một cây hồng cổ, người dân ở nơi đây đã có những rừng hồng bát ngát. Vào mùa thu hoạch, cứ mỗi sáng vác sào lên rừng, bà con lại thu hoạch tiền triệu từ chính đồi rừng của mình.
Bình luận 0

Vác sào đi "hái" tiền

Đã quá trưa, khi chúng tôi có mặt ở khu rừng hồng Pắc Tạc, anh Hoàng Đỗ Khải (sinh năm 1997) đã dọn những quả hồng cuối cùng trên cây để chuẩn bị về.

Nhìn vào bao tải đầy những hồng, anh Khải cho biết: "Cứ đầy bao tải này là khoảng 50kg, cộng với số hồng ở túi vải bên ngoài nữa là khoảng 70kg rồi. Như giá hồng hôm nay cân 16.000 đồng/kg thì cũng được hơn 1 triệu đồng. Đó là một mình làm thôi, còn hôm nào hồng chín nhiều thì cả nhà mình cùng đi hái nữa, thu cũng được vài tạ một buổi sáng".

Theo anh Khải, người miền núi quen lao động nên hái hồng không khó. Các thiếu niên cũng giúp được gia đình thu hồng. Hái hồng tương đối an toàn, không dễ bị tai nạn như đi hái hoa hồi, vì hồi mọc cao, cành lại giòn.

Ngược ngàn tìm trái hồng Vành khuyên (kỳ 2): Lên rừng hồng “hái” tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 1.

Anh Hoàng Đỗ Khải mỗi buổi đi hái hồng thu nhập cả triệu đồng. Ảnh: Gia Tưởng

Theo ông Bùi Xuân Nam, chất lượng quả hồng ở Văn Lãng ngày càng tốt lên. Đặc biệt, bà con thu hoạch đúng ngưỡng nên quả hồng ngọt, giòn, nhiều cát, thơm đặc trưng. Ông Nam cũng cho biết, buôn hồng Vành khuyên thì không lo bị ế, do hồng có chất lượng ngon lại bảo quản được lâu. Có những năm, giá hồng Vành khuyên lên đến 22.000 đồng/kg mà không có để mua.

"Hồng cứ nổi cái khuyên tròn xung quanh là đã già và thu hoạch được. Nếu quả màu xanh thì chỉ ngâm 2 ngày 2 đêm là ăn rất ngọt, giòn và cát nhiều. Còn quả màu vàng thì phải ngâm 4 ngày 4 đêm mới ăn không bị chát" - chỉ những quả hồng đủ màu sắc xanh, đỏ, anh Khải cho biết.

Bà con kinh nghiệm sẽ chọn những vườn hồng có màu xanh là ăn ngon nhất, dễ bảo quản, bởi lớp vỏ còn cứng, vận chuyển không bị nát. Còn khi quả hồng chín đỏ, ngâm xuống nước sẽ nổi lên, ăn chát không thể nào nuốt được. Vì vậy, hồng chín đỏ thường bỏ đi, không có người mua.

Ông Hoàng Viết Sầm còn chia sẻ thêm, để những quả hồng chín đúng thời vụ, trúng dịp Trung thu thì mới được giá.

Sau hàng chục năm, bà con ở đây đã đúc rút ra kinh nghiệm trồng và chăm sóc hồng. Với cây hồng, nếu bón nhiều phân, quả sẽ xanh lâu, vỏ dày, thậm chí là không chín được. Bởi vậy, chỉ nên bón một lượng phân rất nhỏ đủ để hỗ trợ sức cho cây, còn lại để cây hút dinh dưỡng từ đất đồi thì quả mới to và chín đúng vụ. Chăm hồng không khó, nhưng phải hiểu được đặc tính của cây.

Anh Khải cũng chia sẻ, cây hồng cũng bị nấm và bọ rệp sáp tấn công, cần phải có biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây hồng. Bởi vậy, phải biết chăm sóc thì cây mới cho quả hồng đẹp mã, chất lượng ngọt, giòn, thơm mới đạt yêu cầu.

Ăn theo quả hồng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân Văn Lãng vốn phụ thuộc kinh tế vào những của khẩu Tân Thanh, Na Hình đều bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người trước kia đi làm cửu vạn, hằng ngày thu cả triệu đồng, nhưng nhiều tháng nay không có việc làm.

Thế nhưng, đời sống của người dân ở vùng trồng hồng vẫn "lên hương" do hồng Vành khuyên năm nay được mùa được giá.

Chị Chu Thị Kiều (35 tuổi) vừa trên đường chở những bao hồng mới hái xuống cân cho HTX hồng Nà Mò, thu 5 - 6 triệu đồng về.

Chị Kiều cho biết: "Cứ cân hồng hôm nào thì thu tiền hôm đó thôi. Nhà mình có 200 cây, thu hoạch năm nay được hơn chục tấn hồng. Với giá như hiện nay là 16.000 đồng/kg, bình quân mỗi cây hồng cũng được 1 triệu đồng".

Chị Kiều cho biết thêm, từ khi gia đình chị có thu nhập từ cây hồng, đời sống không còn lo thiếu ăn nữa. Nếu cuối năm thu xếp được, gia đình chị dự định sẽ mở rộng diện tích trồng hồng.

Còn chị Chu Thị Ngọc (sinh năm 1973) là người cân hồng ở HTX hồng Nà Mò cho biết, nhà chị đang có 300 cây hồng cho thu hoạch. Gia đình chị cũng mới trồng thêm 400 cây hồng, sang năm 2022 sẽ cho thu hoạch tiếp.

Chị Ngọc kể, mỗi khi đến mùa hồng, các chủ buôn hồng Vành khuyên ở các tỉnh đều ký gửi tiền cho những người cân hồng thuê như chị. Trong ngày cân được bao nhiêu, chủ buôn sẽ điều xe lên chở hết tới đó, hôm sau lại chờ bà con đi hái để cân tiếp.

Chúng tôi gặp ông Bùi Xuân Nam (47 tuổi) đang đóng chuyến hàng 9 tấn hồng Vành khuyên chở về Hải Dương để kịp ngâm.

Ông Nam chia sẻ, hơn 10 năm nay, ông đã buôn bán hồng Vành khuyên đi khắp các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa… thậm chí xuất đi tận các tỉnh miền Nam.

Theo ông Nam, chất lượng quả hồng ở Văn Lãng ngày càng tốt lên. Đặc biệt, bà con thu hoạch đúng ngưỡng nên quả hồng ngọt, giòn, nhiều cát, thơm đặc trưng.

Ông Nam cũng cho biết, buôn hồng Vành khuyên thì không lo bị ế, do hồng có chất lượng ngon lại bảo quản được lâu. Có những năm, giá hồng Vành khuyên lên đến 22.000 đồng/kg mà không có để mua.

"Cứ sau mỗi mùa hồng, tài khoản lại tăng lên một vài con số đáng kể. 9 tấn hồng này bán kịp có khi lên tới 20 triệu đồng cũng là một điều bình thường, tất nhiên đã trừ công lái xe và bốc vác"- ông Nam nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem