"Người mang vết sẹo" hay chuyện về "những cây xà nu không mất"

Mai Nguyên Thứ năm, ngày 30/04/2020 14:00 PM (GMT+7)
“Sẹo à, ở đây ai chả có sẹo. Ai bộ đội mà không có sẹo”. Buổi chiều ở Ngọc Linh, ông cụ 90 ngồi thả khói brau (thuốc lá cuốn) lên trời, bình thản kể lại về một trong những trận chiến ác liệt nhất của chiến dịch Tây Nguyên...
Bình luận 0

img

Già làng A Mã. (Ảnh: M.L)

Những người mang vết sẹo

Theo con đường 14 huyền thoại, chúng tôi rẽ ở ngã ba Đăk Tả, men theo Tỉnh lộ 637, theo đường dẫn vào xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei, Kon Tum). Khi tôi bảo rằng muốn tìm hiểu về những người am hiểu Ngọc Linh thời chiến tranh nhất, người dân xã Ngọc Linh đều chỉ đến tìm già làng A Mã ở Long Năng - làng trung tâm của xã Ngọc Linh.

Những câu chuyện với những con người ở Ngọc Linh ở đây thường nằm ngoài mọi giáo trình, giấy tờ, những sự kiện lịch sử in trên sách. Không bao giờ có thể tìm thấy những cái tên mà người Xê Đăng ở đây kể trên bất cứ một bản đồ nào. Bởi vậy, câu chuyện chúng tôi không phải là những chi tiết trận đánh, không có ngày tháng năm, mà chỉ là cảm xúc của những năm tháng khói bom dai dẳng, chiếm giữ gần hết thanh xuân của những người con Ngọc Linh.

Rừng Ngọc Linh giờ biến đổi nhiều, mấy chục năm nay ông A Uôm nói chẳng còn con hổ nào nữa. Những cây xà nu cổ thật đẹp rực rỡ cũng ít. Nhưng những những cây mới đã mọc lên rồi, ông A Uôm bảo. Dù thế nào, những cây xà nu ở đây cũng sẽ không mất đi đâu. 

Già A Mã là người cao tuổi nhất Long Năng, đã hơn 90 tuổi. Là ước chừng thế, chứ cũng không ai biết cụ thể tuổi của cụ. Già A Mã da đỏ, mắt vẫn sáng, cười sảng khoái, duy có đôi tai ngễnh ngãng, nhưng vẫn hào hứng kể chuyện. 15 tuổi, A Mã gia nhập bộ đội đánh Pháp, rồi lại tiếp tục đánh Mỹ. Hỏi cụ lý do, cụ bảo: “Đi chứ, sao lại không đi”.

Những người lính xuất thân từ buôn làng như cụ A Mã nhiều vô kể. Cụ chỉ xa xăm: “Làng này đi bộ đội hết, đánh giặc chứ”. Tân Rát, Lê Toan, Tu Chiêu, Long Năng…, 17 ngôi làng dưới chân núi Ngọc Linh cứ lần lượt cống hiến những cây xà nu cho bộ đội.

Ngày rời làng đi, cậu bé A Mã đứng dưới chân núi, nhìn lên đỉnh Ngọc Ngưa, chào thần núi rồi đi. A Mã tin là thần núi sẽ bảo vệ mình. Ròng rã mấy chục năm, A Mã theo đoàn quân đi khắp Tây Nguyên, chẳng cần bất cứ một danh hiệu, sự tưởng thưởng nào.

Ngoài 90 tuổi, nhưng cụ A Mã vẫn nhớ những nơi đã đi qua: A Sò, Prao, P’Giằng, Khâm Đức, rồi Đăk Glei, Đăk Tô…, toàn những nơi hứng chịu bom đạn nhiều nhất. Dù là vẫn ở Tây Nguyên đấy, vẫn là chung quanh dãy Ngọc Linh đấy, nhưng cả mấy chục năm cụ cũng không được về nhà.

Trận chiến Đăk Tô – Tân Cảnh năm 1967, người lính A Mã bị một lưỡi lê đâm xuyên bụng. Nằm viện mấy tháng trời, A Mã ra quân, lần đầu về lại làng. Trận đánh năm ấy, người ta thống kê trung bình mỗi bộ đội Quân Giải phóng phải hứng chịu 25 viên đạn pháo và 1,6 tấn bom Mỹ. Nhưng chắc chưa ai thống kê còn có cả bao nhiêu lưỡi lê để lại sẹo trên những người lính như cụ A Mã.

Vết thương thành một vết sẹo sâu, kéo dài quanh bụng. Cụ khoe vết sẹo bằng giọng bình thản: “Sẹo à, ở đây ai chả có sẹo. Ai bộ đội mà không có sẹo”. Buổi chiều ở Ngọc Linh, ông cụ 90 ngồi thả khói brau (thuốc lá cuốn) lên trời, kể lại về một trong những trận chiến ác liệt nhất của chiến dịch Tây Nguyên, như chưa từng thấy bom đạn.

“Chẳng sao đâu, mình đánh nhau ở ngay Ngọc Linh á, ngay chân Ngọc Bơ á, thần núi phù hộ mình mà” - cụ nheo mắt.

img

Ông A Uôm leo núi Ngọc Linh. (Ảnh: M.L)

Cụ A Uôm ở Long Năng - một người đi rừng nổi tiếng Ngọc Linh, cũng là một cựu chiến binh. Ông chưa từng đọc Rừng xà nu của nhà văn Nguyên Ngọc, nhưng vô cùng tự hào khi giới thiệu đến mọi người cây thông: “Cây xà nu đó, nó đẹp chưa”. 50 năm trước, A Uôm gia nhập bộ đội khi mới là anh thanh niên đôi mươi chưa vợ.

Cuộc đời làm lính, A Uôm tự đếm có 5-6 vết sẹo to, sẹo nhỏ không tính. Vết to nhất là một vết dài ngoằn ngoèo như con rết trên đầu gối. Đó là “di tích” của một viên đạn găm vào trong một trận đánh ở Ngọc Hồi, phía bên kia dãy Ngọc Linh. A Uôm chẳng nhớ rõ là năm nào, chỉ nhớ lúc ấy ông cũng đang mải miết suốt đường 14.

Ngồi nghỉ trên đường lên núi cùng chúng tôi, ông A Uôm kéo ống quần, vết sẹo lành lâu rồi. “Năm đó người ta bảo có khi phải cưa chân, thế mà không cưa” - A Uôm nhẹ nhõm. Gần 70 tuổi, A Uôm vẫn leo núi phăm phăm, đi rừng không biết mệt. Vết sẹo ngủ quên lâu rồi.

Chỉ thi thoảng ông bảo, nó làm ông nhớ, những năm tháng ấy ông rất nhớ. Hôm ấy ông may mắn thoát nạn, còn người đồng đội đi cùng ông, nằm lại mãi ở Ngọc Hồi. Ông hỏi chúng tôi có qua nghĩa trang Đăk Glei không, ông kể rất nhiều cái tên đang ở đó, những người từng chiến đấu cùng mình.

Tấm bia trống

Tôi hỏi già A Mã và ông A Uôm nhớ nhất gì ngày đấy. Già A Mã cười rung móm mém: “Nhớ ngày chiến thắng”. Lúc đó A Mã đang ở trong xã Ngọc Linh, dễ phải mấy ngày sau mới biết tin. Lúc nghe tin mừng quá, hú ầm lên. A Uôm cũng bảo nhớ nhất là cuối cuộc chiến. Suốt chiến dịch Hồ Chí Minh, A Uôm chẳng nhớ mình đã đi qua đâu, đã đánh những nơi nào.

Nhưng ông nhớ lúc biết tin chiến thắng là ông ở Đà Nẵng. “Ôm nhau khóc cả đấy, vậy là sắp được về nhà rồi”.

img

Một cây thông trên đường lên núi Ngọc Linh. (Ảnh: M.L)

Già làng A Mã không nhớ năm nào ông có vết thương kia, chỉ là tôi nhìn trong số những huy hiệu bằng khen, những giấy tờ chế độ thì biết đó là trận Đăk Tô – Tân Cảnh. Ông A Uôm chẳng nhớ năm nào mình có mặt ở Đà Nẵng, chỉ biết đó là lúc ông biết rất rõ rằng sẽ không còn đánh nhau nữa. Họ trở về làng, lại đi rừng, leo núi. A Uôm tự hào không phải vì mình đánh nhau giỏi, mà tự hào vì mình là một trong những tay leo núi cừ nhất làng.

Gần 70 tuổi, A Uôm vẫn leo núi phăm phăm, đi rừng không biết mệt. Vết sẹo ngủ quên lâu rồi. Chỉ thi thoảng ông bảo, nó làm ông nhớ, những năm tháng ấy ông rất nhớ. Hôm ấy ông may mắn thoát nạn, còn người đồng đội đi cùng ông, nằm lại mãi ở Ngọc Hồi. 

Nghĩa trang mà ông A Uôm nói, nằm ngày tại vị trí của cứ điểm Đăk Pết năm nào, giữa một rừng xà nu thẳng tắp. Tôi cũng học ông A Uôm, gọi những cây thông ở đây theo như mô tả của nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi chưa từng thấy một tấm bia nào trống trải như tấm bia ở Nghĩa trang liệt sĩ Đăk Glei.

Trên tấm bia có 432 cái tên, hầu hết đều không đủ thông tin. Liệt sĩ Đính, cán bộ nằm vùng, hy sinh năm 1959. Liệt sĩ Đặng Văn Kiên, không có thông tin gì thêm. Liệt sĩ Mai, cán bộ nằm vùng xã Ngọc Linh, hy sinh năm 1959. Liệt sĩ A Mia, quê quán Mường Hoong, Đăk Glei, Kon Tum, không có năm sinh năm mất…

Rất nhiều những cái tên như thế, chỉ vỏn vẹn vài thông tin ít ỏi mà sau 45 năm vẫn không thể nào bổ sung đủ. Đó chỉ là một phần những mất mát ở dãy Trường Sơn trong thời kỳ đất nước trong cảnh “vầng trăng xẻ làm đôi”.

“Ngọc Linh là nơi cách mạng mà” - cụ A Mã bảo vậy. Người ta từng gọi dãy núi phía Nam Trường Sơn này là nơi bí ẩn chết người, người đến đó không có lối ra. Năm xưa, đây là vùng đất cấm với quân đội Mỹ. Ông già A Uôm đầy nói chắc nịch: “Người Pháp không vào được, người Mỹ cũng không vào được, chỉ có người Tây Nguyên vào được”.

Làng Long Năng của già A Mã, A Uôm cũng đã chuyển đến vài bận, bây giờ chỉ cần đi chục phút là đến nơi. Một dự án trồng sâm thoát nghèo đang được triển khai ở mấy làng trong xã. Riêng Long Năng, bây giờ nơi đó là điểm tập kết đầu tiên nếu muốn chinh phục đỉnh Ngọc Linh. Nhiều tour leo núi đã lục tục mở đến đây.

Không còn những câu chuyện mờ ảo về những người thợ săn mất tích trong rừng thẳm, nhưng hẳn sẽ ít ai trên con đường lướt qua Ngọc Linh, qua Mường Hoong, Đăk Chông biết, 45 năm trước, nhờ những con người lặng lẽ nơi này, đã có một dải Trường Sơn bừng giấc ngủ ra sao.  

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem