Người mê dạy nghề cho nông dân

Thứ tư, ngày 22/09/2010 23:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghỉ hưu năm 2008 nhưng ông Phạm Văn Nên lại tất bật hơn lúc đương chức Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ, Long An. Ông nói: "Giờ tôi trở về với nghề dạy học, học sinh là những người nông dân đang muốn học nghề để làm giàu trên đồng ruộng của mình".
Bình luận 0

Người thầy tâm huyết…

Kể cả khi đã chuyển sang làm lãnh đạo chính quyền cấp huyện, bà con nông dân huyện Tân Trụ, Châu Thành vẫn gọi ông bằng cái tên rất dễ thương: "Thầy giáo Nên" bởi ông xuất thân từ nghề dạy học. Năm 1989 người thầy tâm huyết với học trò này trúng cử đại biểu HĐND rồi làm Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách khối văn hóa-xã hội.

img
Ông Nên cùng ban Chủ nhiệm HTX rau an toàn Long Khê thăm mô hình rau hiệu quả cao.

Hơn 3 nhiệm kỳ làm lãnh đạo chính quyền, ông có điều kiện gắn bó hơn với người nông dân. Ông kể: "Một bộ phận nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ngập mặn và nhiễm phèn đã nghèo vật chất, trình độ khoa học kỹ thuật lại càng thấp. Bà con sản xuất chủ yếu bằng kinh nghiệm nên thu hoạch chỉ từ huề đến lỗ".

Cách nay 2 năm, biết "thầy giáo Nên" chuẩn bị nghỉ hưu, Liên minh HTX tỉnh Long An không bỏ lỡ cơ hội, xuống huyện Tân Trụ mời ông lên cộng tác với công việc khá mới: Dạy nghề cho nông dân.

Ông Nên kể: "Mấy chục năm làm thầy nhưng là thầy của tụi trẻ, nay làm thầy dạy kiến thức KHKT cho nông dân tôi không khỏi bỡ ngỡ. Hơn nữa lúc ấy cơ sở vật chất cũng như nhân lực phục vụ dạy nghề của Liên minh HTX chỉ là con số 0".

Để tháo gỡ khó khăn này, ông Nên nghĩ ngay tới mối quan hệ ông tạo dựng trong quá trình làm lãnh đạo với nhiều kỹ sư khuyến nông, bảo vệ thực vật; cán bộ cấp huyện, cấp xã. Ông đề nghị họ phối hợp tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người nông dân hiểu mục đích của học nghề, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh làm tăng thu nhập, hướng tới xóa nghèo và làm giàu từ nông nghiệp.

Mở lớp theo nhu cầu

Tính đến tháng 9-2010 ông Nên đã trực tiếp tổ chức gần 80 lớp dạy nghề nông dân với tổng số 2.400 học viên".

Trên cơ sở kinh phí dạy nghề của các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn do Sở LĐ-TB&XH chuyển sang, "thầy giáo Nên" tiến hành tìm thầy dạy rồi mở các lớp dạy nghề theo nhu cầu của nông dân ở từng khu vực.

Ví dụ, các huyện Bến Lức, Đức Huệ và một phần Đức Hòa do thổ nhưỡng bị nhiễm phèn, ông tổ chức dạy nông dân lên liếp trồng chanh, trồng mía, trồng dứa; còn ở huyện Thạnh Hóa nông dân có truyền thống trồng khoai mỡ trên đất ngập phèn, vùng hạ Long An đất chật người đông bà con chuyển từ đất lúa sang trồng rau màu cho thu nhập gấp 5-7 lần so với lúa... "thầy giáo Nên" mời kỹ sư chuyên về các loại cây trồng xuống tận địa bàn mở lớp, giảng bài.

Mỗi lớp trung bình từ 30-35 nông dân tham dự với 120 tiết học trong thời gian 30 ngày, trong đó 1/3 thời gian học lý thuyết, 2/3 thời gian đi tham quan, thực hành trình diễn tại những mô hình của nông dân sản xuất có hiệu quả.

Tiếng lành đồn xa, biết "thầy giáo Nên" vừa có tâm lại có kinh nghiệm chuyên sâu về phương pháp tổ chức dạy nghề cho nông dân, từ tháng 6-2010 Trường Cao đẳng nghề Tây Sài Gòn thuộc Bộ LĐ-TB&XH đã mời ông về cộng tác, lo mảng dạy nghề nông thôn, đối tượng chính vẫn là nông dân và con em của họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem