Người phụ nữ của nhiều người phụ nữ

Ngọc Vũ Chủ nhật, ngày 18/03/2018 06:24 AM (GMT+7)
Vượt qua nghèo khó, bà Nguyễn Thị Anh Đào (trú khóm Hải Hòa, thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã làm giàu và sẻ chia, giúp đỡ người khác. Nỗ lực của bà được ghi nhận bằng giải thưởng Bông sen Hồng.
Bình luận 0

Vượt qua nghèo khó

Tôi có mặt tại ngôi nhà cấp bốn trông khá cũ kỹ của bà Nguyễn Thị Anh Đào vào dịp cuối xuân. Ở tuổi 58, bà Đào vẫn đẹp, làn da trắng và nụ cười trìu mến. Hành động luôn chân luôn tay của bà làm tôi có cảm giác con người này dù có giàu có đến mấy cũng không chịu ngồi yên hưởng thụ mà gọi là “việc đổ trên đầu”.

img

Bà Nguyễn Thị Anh Đào là người biết vượt lên khó khăn và sẻ chia với người cần giúp đỡ.  Ảnh: N.V

Không chỉ vượt khó làm giàu, bà Đào còn là người nhân hậu, biết sẻ chia, được nhiều người trân quý. Để bày tỏ sự quý mến, ông Trần Hữu Hùng – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh nói với tôi rằng, bà Đào là người phụ nữ của nhiều người phụ nữ.

Nhấp ngụm nước ấm, bà Đào rơm rơm nước mắt kể cho tôi nghe quá khứ cơ cực, gian truân. Bà Đào là con đầu trong gia đình nghèo có 5 chị em quê ở Quảng Bình. Cha đi bộ đội, từ nhỏ bà phải cùng mẹ gồng gánh chăm lo cho các em. 16 tuổi, cô gái trẻ tên Đào hăng hái cùng hàng vạn người tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn (xây dựng từ năm 1978-1983, thuộc TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Đến tuổi 19, cô Đào được tuyển vào làm công nhân nông trường Bến Hải (Vĩnh Linh, Quảng Trị) rồi được cử đi học tiếp và trở thành giáo viên mầm non.

Nghề giáo viên thời đó kham khổ, lương ba cọc ba đồng không đủ nuôi con nên năm 1993 bà Đào về hưu theo chế độ. “Khi mới bỏ nghề giáo, tôi thực sự bối rối, không hướng đi, chỉ biết cuốc đất trồng khoai sắn, lên đồi lấy củi, bứt tranh, đót về bán kiếm tiền. Thời ấy chỉ mong lo cho con đủ ăn ngày ba bữa là tốt lắm rồi” - bà Đào nghẹn giọng.

Cuộc sống bà Đào nhiều năm sau cứ trôi đi trong nghèo khổ, dưới mái nhà nhỏ xiêu vẹo. Mãi đến năm 2008, khi thấy heo sữa được thị trường tiêu thụ mạnh, giá cao nên bà Đào mới tập tành đi buôn. Để có tiền buôn lợn, bà Đào lấy can đảm vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh 6 triệu đồng, rồi chạy đôn chạy đáo mượn thêm của bà con hàng xóm. Hàng ngày, bà Đào thu mua lợn sữa trong dân, gom đủ số lượng thì bán lại cho đầu nậu để xuất đi nước ngoài. “Từ đi chiếc xe đạp cà tàng chở lợn, sau đó tích cóp mua xe máy rồi sắm xe tải. Nhờ chịu khó và “gặp thời” nên sau vài năm buôn lợn, tôi có số vốn kha khá” - bà Đào tâm sự.

Những năm đó, giá lợn sữa và thịt đều “sốt” mạnh. Chớp lấy cơ hội, bà Đào trở thành đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi cho một công ty lớn. Hiện nay, bà Đào đang quản lý hơn 300 đại lý lớn ở 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình; cung cấp nguồn thức ăn chăn nuôi cho hàng chục ngàn hộ nông dân.

Có vốn trong tay, bà Đào thực hiện ước mơ lớn nhất đời mình là xây dựng trang trại sản xuất, cung cấp lợn giống. Năm 2016, bà Đào bỏ ra 15 tỷ đồng xây dựng trại nuôi 500 lợn nái. Dự kiến mỗi năm trại lợn này sẽ xuất ra thị trường gần 10.000 con giống chất lượng cao. Ngoài ra, bà Đào còn nuôi khoảng 2.000 con lợn thịt/năm theo hướng lợn sạch để xuất khẩu châu Âu. Tháng 5.2017, bà Đào còn đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị sản xuất tinh bột nghệ, phục vụ nhu cầu sử dụng ngày cao tăng của người dân. Hiện nay, bà Đào đang giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức lương từ 4 - 7 triệu đồng/tháng.

Nhìn khối tài sản kếch xù và khoản thu nhập mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng nhưng gia đình bà Đào vẫn ở trong căn nhà cấp bốn trông khá cũ kỹ, tôi tỏ ý thắc mắc. Đáp lời, bà Đào cho biết, ngôi nhà tuy cũ nhưng chất chứa nhiều kỷ niệm thời gian khó, chắt chiu dành dùm nhiều năm mới xây dựng được nên bà không nỡ phá bỏ dù dư sức xây nhà mới. “Bao lần tôi quỳ lạy trước ngôi nhà, lòng nghĩ phải đập bỏ nó đi xây nhà mới nhưng rồi không nỡ. Cứ vậy cho đến hôm nay” - bà Đào nói.

Làm phúc cho đời

Không chỉ vượt khó làm giàu, bà Đào còn là người nhân hậu, biết sẻ chia, được nhiều người trân quý. Để bày tỏ sự quý mến, ông Trần Hữu Hùng – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh nói với tôi rằng, bà Đào là người phụ nữ của nhiều người phụ nữ.

Chị Trần Thị Tình - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khóm Hải Hòa cho hay, cứ đến dịp lễ, tết bà Đào đều dành tặng nhiều suất quà ấm áp đến chị em phụ nữ khó khăn trong khu phố và thị trấn. Bà Lục Thị Xây (trú khóm Hải Hòa, thị trấn Hồ Xá) là một trong nhiều người được bà Đào thường xuyên giúp đỡ. Ở tuổi 75, nhẽ ra đang hưởng phúc tuổi già thì bà Xây phải chăm đứa con trai Phan Xuân Thuận (40 tuổi) bị liệt suốt 3 năm nay. Để chữa bệnh cho con, bà Xây đã bán hết đất đai, tài sản nay chỉ còn căn nhà cấp bốn xây dựng từ năm 1980. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, 2 năm nay, mỗi tháng bà Đào hỗ trợ mẹ con bà Xây 200.000 đồng để có thêm chút cơm, chút cháo. Hoàn cảnh chị Phan Thị Hương (cùng khóm Hải Hòa) bị tàn tật cũng được bà Đào hỗ trợ 100.000 đồng/tháng để thêm phần thuốc thang khi trái gió trở trời.

Theo chị Tình, không chỉ một mà rất nhiều người đã và đang được bà Đào giúp đỡ, động viên về tinh thần, vật chất nhưng bà không bao giờ kể lể. Ở khóm Hải Hòa nói riêng và huyện Vĩnh Linh nói chung, mỗi khi ai ốm đau, bệnh tật cần tiền chữa trị đều được bà Đào cho mượn, nhiều lúc đến cả trăm triệu đồng. Nhiều năm nay, bà Đào còn hỗ trợ phụ nữ huyện Vĩnh Linh hàng vạn con gà, vịt giống để chăn nuôi phát triển kinh tế. Là thành viên Hội đồng nhân dân thị trấn Hồ Xá, ngoài ghi nhận ý kiến nhân dân để phản ánh lên cấp có thẩm quyền, bà Đào còn dành toàn bộ lương bổng đem tặng cho phụ nữ khó khăn cần giúp đỡ.

Chị Tình cho hay, từ tấm lòng nhân ái của bà Đào, chị em trong khóm phố học tập nên đã gây dựng chương trình mua thẻ bảo hiểm cho phụ nữ nghèo. 115 chị em phụ nữ trong khóm Hải Hòa, mỗi người góp 10.000 đồng/năm cộng thêm tiền quỹ để mua 2 đến 3 thẻ bảo hiểm cho phụ nữ nghèo.

Đang ngồi tâm sự, bà Đào bỗng nhìn ra phía xa xăm, bấm đốt ngón tay rồi nói: “Tôi từng trải qua nghèo khổ, khó khăn nhưng may mắn vượt qua, giờ có cơ hội giúp đỡ những người đang nghèo khó, đó là niềm hạnh phúc. Tôi đang kêu gọi thêm nhà hảo tâm, chị em phụ nữ cùng với tôi mua quà thăm những trường hợp khó khăn. Trước tết, tôi còn phải nấu mấy nồi cháo đưa lên bệnh viện huyện cho bệnh nhân ấm cái bụng”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem