Người phụ nữ đưa... bèo Việt đi Nga, Mỹ, Nhật

Thứ bảy, ngày 26/07/2014 08:37 AM (GMT+7)
Nhiều năm qua, với việc sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ mây, tre, cói và bèo tây (còn gọi là cây lục bình), chị Nguyễn Thị Phả, chủ cơ sở sản xuất hàng mây tre đan, bèo cói xuất khẩu Ngọc Phú, xã Tri Trung (Phú Xuyên - Hà Nội) đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đồng thời đưa các sản phẩm làm từ bèo của Việt Nam đến với bạn bè năm châu.
Bình luận 0

Chị Phả bắt đầu làm nghề mây tre đan từ năm 1992, năm 2000, chị bắt đầu làm thêm các sản phẩm thủ công từ nguyên liệu là bèo tây. Khi được hỏi về cơ duyên đưa chị đến với những sản phẩm từ cánh bèo, chị cười bảo:

“Năm 2000, tôi nhận được một chiếc khay làm từ bèo tây từ trong Nam gửi ra, họ hỏi tôi có làm được chiếc khay như thế không? Tôi tháo ra để xem người ta làm bằng cách nào, cuối cùng tôi cũng làm được và bắt đầu làm các sản phẩm từ bèo”.

Bằng bàn tay tài hoa và óc sáng tạo, chị Phả đã biến những cánh bèo mỏng manh thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp, tinh xảo với nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau. Đến thăm cơ sở đúng lúc chị đang đan sản phẩm mẫu để dạy lại cho các thợ thủ công khác, chị chia sẻ:

“Mỗi năm chúng tôi làm khoảng 100 loại sản phẩm với kích cỡ, hình dáng khác nhau. Tôi thường tự tìm hiểu rồi sáng tạo ra những sản phẩm có kiểu dáng mới, lạ để số lượng mặt hàng thêm phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

img

Bằng bàn tay tài hoa và óc sáng tạo, chị Nguyễn Thị Phả đã biến những cánh bèo mỏng manh thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp, tinh xảo với nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau.

Sản phẩm thủ công làm từ mây, cói và bèo được thị trường ưa chuộng, nhất là sản phẩm làm từ bèo. Mỗi bộ sản phẩm làm từ bèo trên thị trường có giá 150.000 - 300.000 đồng (tùy theo hình dạng và kích cỡ của sản phẩm), có từ 2-3 sản phẩm/bộ. Sản phẩm thủ công làm từ bèo khá đa dạng như túi xách, khay đựng hoa quả, giỏ đựng đồ, thảm trải sàn...

Cơ sở sản xuất mây tre đan bèo, cói xuất khẩu Ngọc Phú hiện có 300 thợ thủ công, thu nhập trung bình đạt 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, cơ sở cũng tạo việc làm cho nhiều nông dân trong xã lúc nông nhàn, các hộ gia đình có thể nhận sản phẩm về nhà làm, thu nhập tính theo số lượng sản phẩm, trung bình đạt 1,5-2 triệu đồng/tháng. Ở Tri Trung có khoảng 50 hộ đang làm gia công cho cơ sở sản xuất của chị Phả.

Cuối năm 2013, do nhu cầu thị trường, chị Phả mở thêm 1 cơ sở sản xuất ở Ninh Bình, hiện cơ sở này có khoảng 200 thợ thủ công. Mỗi tháng, 2 cơ sở của chị sản xuất khoảng 2.000-3.000 bộ sản phẩm, doanh thu khoảng 4-5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lãi khoảng 250 triệu đồng.

Các sản phẩm thủ công do cơ sở sản xuất của chị Phả làm ra chủ yếu để xuất khẩu; các sản phẩm này đã có mặt ở rất nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Nga…

Bằng nhiệt huyết và lòng đam mê, chị Phả đã gắn bó với nghề hơn 20 năm nay. Năm 2013, chị vinh dự được công nhận là nghệ nhân, được UBND huyện Phú Xuyên khen thưởng vì “Đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển làng nghề huyện Phú Xuyên giai đoạn 2011-2013”.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, chị Phả chia sẻ: “Sắp tới, tôi sẽ mở rộng cơ sở sản xuất hiện có và thành lập thêm một cơ sở sản xuất nữa để đáp ứng nhu cầu sản phẩm thủ công làm từ bèo của thị trường”.
(Theo Kinh tế Nông thôn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem