Từ nhân viên ngân hàng thành nông dân
Ngồi trên căn nhà sàn, nhâm nhi cốc nước dâu ngắm đàn vịt trời nhởn nhơ bơi lội, Cường nói: “Cả chục tỷ đồng của tôi đấy ông ạ”. Nhìn vào đàn vịt trời mà Cường “giới thiệu”, thực sự tôi vẫn chưa thể hình dung hết quy mô, cũng như giá trị tài sản mà anh đang rất đỗi tự hào đó.
Từ nhân viên ngân hàng, Nguyễn Đăng Cường trở thành chủ trang trại với 4 vạn con vịt trời. Ảnh: Gia Tưởng
Nhà đông con, nên mới học hết cấp 2 Cường đã phải “dạt” vào Nam vừa kiếm sống, vừa đi học. Học xong, Cường đi bộ đội và đóng quân ở Bình Dương. Ra quân lại đi học thêm về ngành ngân hàng, rồi vào làm tại một ngân hàng ở Hà Nội với chân giám sát việc thu ngân. Tình cờ một hôm có khách hàng đến gửi tiền nói với Cường: Cháu còn trẻ tuổi như thế, nên chủ động kiếm ra tiền rồi tự trả lương cho mình, chứ cứ chờ đến tháng người ta phát lương cho thì chán lắm.
Ngẫm nghĩ câu nói đó mãi, năm 2004 Cường quyết định về quê tự làm trang trại. Ngay sau khi về quê, Cường được giao 6,6ha đất ao thuộc diện “đầu thừa đuôi thẹo” của xã. Có đất, Cường nghĩ ngay đến việc làm trang trại, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy khó, vì kinh nghiệm, kiến thức về nông nghiệp của anh lúc này gần như không có. Ban đầu, Cường mua cá giống về thả, nhưng cá nuôi thì chậm lớn, đến lúc gần “được ăn” thì lại bị… đánh trộm. Chán cá, Cường chuyển sang nuôi các con đặc sản như nhím, cầy hương và rồi vẫn thất bại do không có lãi. Tiếp đó, anh lại tìm cách nuôi vịt đẻ với số lượng lên tới 1.600 con, tưởng nuôi vịt đẻ sẽ có lãi, ai ngờ cơn bão dịch cúm gia cầm năm 2009 “quét” qua đã buộc anh phải “treo chuồng” vô thời hạn.
Thất bại nối tiếp thất bại, những tưởng cái nghiệp “làm nông” của Cường sẽ dừng lại, thì trong một lần được một người bạn mời đi ăn vịt trời ở nhà hàng trên TP.Bắc Ninh với giá 750.000 đồng/con, Cường đã nảy sinh ý định sẽ nuôi vịt trời bằng được.
Hành trình thu phục vịt trời
Trở về nhà, Cường bắt đầu cải tạo lại chuồng trại và một mình bắt xe vào Nam tìm mua giống vịt trời về nuôi. Phải mất tới 2 lần “lộn ra, lộn vào” từ Đồng Tháp rồi tới Cần Thơ anh mới “gom” được 94 con vịt trời. Thời gian đầu, khi đưa vịt về Bắc do anh chưa biết cách chăm sóc để vịt thích nghi với điều kiện, khí hậu mới nên 30 con đã chết. Còn 64 con trong tay, anh bắt tay vào gây dựng đàn vịt trời của mình. “Cả 64 con này đều được bắt từ thiên nhiên. Nuôi được hơn 3 tháng, thì đàn vịt đẻ những quả trứng đầu tiên, tôi mừng quýnh mang trứng đi ấp, nhưng tất cả số trứng đó đều bị ung, không nở được một con vịt giống nào”- Cường nhớ lại.
Ngồi soi lại từng quả trứng bị ung, Cường biết được nguyên nhân cơ bản là do trứng bị “thiếu đực”. Khi bắt con vịt đực đầu đàn lên, Cường thấy vịt quá gầy, chỉ còn mỗi “lông bọc da”, trên cơ thể vịt đầy sán và ký sinh trùng, nên vịt không được khỏe để “đạp mái”. Cường nói: “Lúc đó, tôi nghĩ do vịt đang sống ngoài thiên nhiên quen rồi, mình nuôi nhốt làm sức đề kháng của vịt kém hơn, nên ký sinh trùng phát triển. Tôi đã dùng thuốc tẩy ký sinh trùng đường máu, rồi tăng cường những thức ăn có vi lượng cao, gần tháng sau thấy lũ vịt đực khỏe hẳn lên và chịu khó “gần” những con vịt mái hơn”. Rồi lũ vịt trời cái tiếp tục đẻ được 10 quả trứng, Cường tiếp tục đem đi ấp và thật bất ngờ, đã nở được 9 chú vịt con đầu tiên. Đây chính là mốc quan trọng đánh dấu sự thành công trong nuôi vịt trời của Cường sau này.
Sau cái “đận” ấy, nghiệp chăn vịt của Cường bắt đầu “phất” khi đàn vịt liên tục sinh sôi, nảy nở hết lứa này đến lứa khác. Và đến nay, Cường đã có trong tay tới 4 vạn con vịt trời. Khi nghe tôi hỏi, chỉ trong vòng có mấy năm, từ 64 con vịt, mà sao đã “tạo” ra được tới cả 4 vạn con, Cường cho biết: “Nói thì khá đơn giản, nhưng để có được đàn vịt như ngày hôm nay, nhiều đêm tôi đã phải thức trắng để theo dõi từng quả trứng được ấp. Vật “gia bảo” của trang trại là đàn vịt giống bố mẹ 1.500 con, đàn giống này được chăm sóc nghiêm ngặt và tách riêng”. Về đàn vịt bố mẹ này, Cường cho biết: “Tôi phải nhớ từng con vịt bố, mẹ ở đàn nào, dòng nào để khi phối giống với nhau tránh bị cận huyết, suy thoái giống. Mặt khác, để có được tỷ lệ trứng ấp thành công 95%, ngoài thức ăn thông thường, mình phải tăng cường các loại vi chất, khoáng chất như sắt, canxi và các chất để tạo xương cho con giống có bộ khung chắc khỏe”.
Biến trang trại thành một tổ hợp hữu cơ
Để có thức ăn phục vụ cho đàn vịt trời “khủng”, Cường đã biến trang trại của mình thành một tổ hợp hữu cơ thật sự. Theo đó, phân vịt thì để nuôi bèo tây, rồi lại thu hoạch bèo tây băm ra trộn với cà rốt, khô đậu tương làm thức ăn cho vịt. Trứng vịt ấp hỏng Cường cho khoảng 400 con lợn mán ăn, còn phân lợn qua xử lý biogas thì biến thành sản phẩm nuôi cá. Mỗi năm trang trại của Cường xuất 15 tấn cá trê sạch, 400 con lợn mán, riêng 2 khoản này cũng có thu ngót 2 tỷ đồng, cộng với tiền bán vịt giống, vịt thương phẩm, trang trại của Cường đã cho thu hoạch trên dưới 10 tỷ đồng/năm, mà cái hay là cả trang trại chỉ sử dụng có 6 lao động. Năm 2014, tổng doanh thu từ trang trại của Cường đạt 13 tỷ đồng và vươn lên chiếm vị trí trang trại hiệu quả kinh tế cao nhất trong vùng.
Sau gần 7 năm mải miết nhân đàn, đến bây giờ mỗi ngày Cường có thể cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 vịt trời phục vụ cho hệ thống nhà hàng đặc sản của Bắc Ninh và bước đầu vươn ra Hà Nội. Để có được cơ ngơi đó, từ lâu Cường đã có một “lịch làm việc khủng khiếp”. Một ngày của ông tỷ phú vịt trời được bắt đầu khoảng 3 giờ sáng, đưa vịt trời lên xe ô tô, chở ra Hà Nội giao cho các đầu mối tiêu thụ. Sau đó về chỉ đạo xử lý công việc của trang trại bằng chiếc máy tính bảng. Nói về ước mơ của mình với con vịt trời, Cường tâm sự: “Thực ra, vịt trời cũng chỉ là một món ăn bình dân, ai cũng có thể ăn được, chứ không đắt đỏ như mọi người nghĩ. Tới đây tôi sẽ đưa vịt vào các bếp ăn của một số cơ quan nhà nước, cũng như mở rộng tiêu thụ tại các chợ đầu mối, vì vịt của tôi hoàn toàn sạch, được chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ”.
Hiện, Cường đang có ước mơ biến lòng hồ Thủy điện Sơn La thành nơi chăn thả và là thế giới của vịt trời. “Nếu bà con Sơn La đưa vịt trời lên lòng hồ thủy điện nuôi, thì đảm bảo sẽ xóa đói giảm nghèo, vì ở đó vừa có không gian lại sẵn kiếm thức ăn cho vịt” - Cường nói. Được biết, mới đây tỉnh Bắc Ninh cũng đã tặng tỉnh Sơn La 420 con vịt để nuôi thử nghiệm và theo Cường, nếu bà con nuôi đúng kỹ thuật, chịu khó chăm sóc chắc chắn sẽ thành công .
Vui lòng nhập nội dung bình luận.