Anh Toàn bảo, cách đây hơn chục năm, bản Khiếng nghèo lắm, nhiều hộ thiếu ăn 4-5 tháng/năm và gia đình anh cũng không ngoại lệ. Nhận thấy bản có đất đai rộng, anh mạnh dạn nhận thầu 6ha để trồng thông. Hồi đó ở các xã lân cận cũng đã có người trồng thông, nhưng chủ yếu trồng theo Dự án 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chứ chưa chú ý đến trồng rừng sản xuất, nên hiệu quả rừng đem lại chưa cao.
|
Rừng thông 20 năm tuổi của anh Toàn. |
"Tôi bắt đầu trồng thông từ năm 1990. Ở đây khí hậu lạnh, nên tôi phải sang tận Trung Quốc để tìm hiểu và mua giống thông của Trung Quốc, loại thông chịu được lạnh và cho sản lượng nhựa cao để trồng. Lúc đầu chưa có vốn tôi chỉ trồng 3ha, thấy thông phát triển tốt tôi đầu tư trồng thêm 3ha, hiện hơn 3ha thông đã cho thu hoạch, trừ chi phí mỗi năm thu khoảng 100 triệu đồng"- anh Toàn cho hay.
Theo anh Toàn, thông là loại thân gỗ không kén đất, tốn ít công chăm sóc. Nhưng để thông phát triển tốt, cho nhiều nhựa cần bón phân định kỳ một năm 1 - 2 lần, trước mùa thu hoạch nhựa để kích thích thông khỏe cho nhiều nhựa hơn. Thông ít bệnh, nhưng thi thoảng hay mắc bệnh sâu róm ăn lá, vì vậy cần phải làm sạch cỏ thực bì dưới gốc, hạn chế sâu bệnh phát triển. Anh Toàn cho hay, những năm 1995 - 1998, bản Khiếng rộ lên phong trào trồng thông, nhờ đó đến nay bản đã có gần 200ha thông, trong đó hơn nửa đã cho thu hoạch. Nhiều hộ có tới 8-10ha thông, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Không chỉ đi đầu trồng thông, anh Toàn còn là người đi đầu trong phát triển chăn nuôi. Từ năm 2000 đến nay, trong chuồng lúc nào anh cũng có 20 - 30 con lợn thịt, 400 - 600 con gà, vịt. "Ở đây môi trường trong sạch nên lợn, gà, vịt ít dịch bệnh, trừ chi phí mỗi năm tôi thu khoảng 60 - 70 triệu đồng từ chăn nuôi" - anh Toàn cho biết. Tiền thu từ trồng rừng và chăn nuôi anh đã xây được nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi và nuôi các con ăn học trưởng thành.
Nam Tùng Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.