Đó là chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao (HVNCLC), tại buổi công bố kết quả điều tra bình chọn HVNCLC năm 2019 được tổ chức sáng nay 14.2, tại TP.HCM.
Người dân mua sắm ở Siêu thị BigC Gò Vấp dịp tết Kỷ Hợi vừa qua (Ảnh: Quốc Hải)
Theo bà Vũ Kim Hạnh, kết quả cuộc điều tra với 270 phỏng vấn viên trên toàn quốc cùng với 60 quản lý, giám sát vùng đã thực hiện phỏng vấn trực tiếp 12.000 hộ gia đình và 5.400 điểm bán tại 12 tỉnh, thành phố là những trung tâm kinh tế trọng điểm của bốn vùng kinh tế (miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ), năm nay cho thấy, dù tỉ lệ ưa thích và tiêu dùng hàng Việt Nam của người dùng trong nước vẫn cao, chiếm ưu thế với tỉ lệ lần lượt là 89% và 93%. Tuy nhiên, tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập từ kết quả khảo sát ba năm gần đây vẫn cao hơn tỷ lệ mua dùng hiện tại.
“Với xu thế này, có thể trong tương lai gần tỷ lệ mua dùng sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch sang các sản phẩm ngoại nhập, nhất là hàng của Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan”, bà Hạnh, chia sẻ.
Cũng theo bà Kim Hạnh, điểm đáng mừng với các doanh nghiệp Việt hiện nay là các DN đều cảm nhận được sức cạnh tranh gay gắt họ gặp phải trong các năm tới với làn sóng hàng ngoại tràn vào. Đặc biệt từ 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, sân chơi mới mở ra nhưng cũng đồng thời khép lại cơ hội nếu các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng.
"Tôi cảm nhận các doanh nghiệp hiểu rõ áp lực cạnh tranh này và có những phản ứng khác nhau. Một số doanh nghiệp sắp xếp lại hoạt động kinh doanh, giảm danh mục hàng hoá, tập trung hơn vào ngành mình chuyên sâu nhất. Ngay cả phân phối, họ cũng tổ chức co cụm lại, chú ý đến hiệu quả hơn. Hiện tinh thần thâm nhập, mở rộng thị trường phía Bắc của nhiều doanh nghiệp đang sụt giảm khi họ nhận thấy không cạnh tranh nổi với hàng gian, hàng giả, hàng Trung Quốc và chi phí vận chuyển cao", bà Hạnh nói.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, một vấn đề mà các doanh nghiệp VN vẫn đang bức xúc hiện nay là “chi phí ban ngành” quá nhiều khi đẩy mạnh phát triển thị trường. Chưa kể, các chính sách hỗ trợ DN từ phía Nhà nước cũng chưa thực sự hiệu quả, còn rất tản mạn.
“Tết vừa qua, tôi có hỏi một DN làm nông sản an toàn ở Gò Công (Tiền Giang) có được Nhà nước hỗ trợ không? Anh này trả lời có và không. Tôi thấy ngạc nhiên thì anh này giải thích có chương trình hỗ trợ 1 triệu đồng/ha nhưng sau khi trừ đi các khoản chỉ còn khoảng 500 nghìn đồng/ha nhưng vẫn bị thiếu từ năm 2016 đến nay chưa thấy”, bà Hạnh kể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.