"Người tình tin đồn Mỹ Tâm" Dương Ngọc Minh "vớ đậm" nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Quốc Hải Thứ ba, ngày 09/10/2018 17:11 PM (GMT+7)
Tâm lý “ăn theo” chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhà đầu tư thời gian qua đã "đổ" tiền vào nhóm cổ phiếu thủy sản và dệt may khiến giá cổ phiếu những nhóm ngành này tăng mạnh. Nhờ đó, VHC của "nữ hoàng thuỷ sản" Trương Thị Lệ Khanh, HVG của ông Dương Ngọc Minh, người tình tin đồn Mỹ Tâm, có chuỗi ngày bứt phá ngoạn mục.
Bình luận 0

img

Cổ phiếu nhóm ngành thủy sản tăng mạnh nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (Ảnh: IT)

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ con số thống kê kết quả xuất khẩu 2 ngành thủy sản và dệt may 9 tháng đầu năm 2018, có thể thấy chỉ một số doanh nghiệp thực sự hưởng lợi từ cuộc chiến này.

Cổ phiếu thủy sản, dệt may “lên hương”?

Con số thống kê từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho thấy tính đến hết quý III.2018, tổng xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 6,42 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào thống kê của VASEP, có thể thấy mặt hàng tôm và hải sản nhìn chung đều giảm, trừ cá tra và cá ngừ đại dương.

Cụ thể, xuất khẩu tôm trong tháng 9 đạt giá trị gần 390 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với mức giảm khoảng 20% trong tháng 7 và giảm khoảng 14% trong tháng 8 khi so với cùng kỳ, có thể thấy toàn quý 3.2018 của ngành tôm đã giảm mạnh. Tổng xuất khẩu tôm tính đến hết tháng 9.2018 đạt trên 2,7 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các loại cá biển khác và hải sản khác ước chỉ đạt khoảng 1,2 tỷ USD.

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra trong tháng 9 tiếp tục tăng mạnh 45% đạt 205 triệu USD, nâng tổng xuất khẩu 9 tháng đầu năm lên 1,6 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chỉ có “dân cá tra” và có thị trường vững như Vĩnh Hoàn (VHC) của "nữ hoàng thuỷ sản" Trương Thị Lệ Khanh, Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh, người tình tin đồn Mỹ Tâm,... mới được xem là hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Cụ thể, cổ phiếu VHC của Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn "nữ hoàng thuỷ sản" Trương Thị Lệ Khanh, đã tăng mạnh từ 57.500 đồng/CP từ đầu tháng 7 (ngày 2.7), lên thẳng trên 92.400 đồng/CP ở thời điểm hiện tại, tăng gần gấp đôi thị giá chỉ sau hơn 2 tháng. Nguyên nhân là vì cùng với sự tích cực chung của thị trường, VHC còn được hỗ trợ bởi thông tin cá tra xuất khẩu vào Mỹ được hưởng thuế 0%.

Ngoài ra, mới đây nhất, Trung Quốc cũng mở cửa chào đón 221 mặt hàng thủy sản từ các quốc gia thành viên được ưu tiên của WTO, trong đó có Việt Nam nên đây sẽ là cơ hội để VHC của "nữ hoàng thuỷ sản" Trương Thị Lệ Khanh mở rộng thêm thị trường ở Trung Quốc.

img

Xuất khẩu cá tra trong tháng 9 tiếp tục tăng mạnh 45% đạt 205 triệu USD (Ảnh: IT)

Trong khi đó, với cổ phiếu HVG của Công ty CP Hùng Vương do ông Dương Ngọc Minh, người tình tin đồn của Mỹ Tâm làm chủ tịch HĐQT, cũng có chuỗi ngày bứt phá ngoạn mục. Mặc dù cổ phiếu này đang “lội sâu” dưới mệnh giá (dưới mức giá 10.000 đồng/CP), nhưng tính từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu HVG cũng đã có chuỗi ngày “bứt phá” ngoạn mục từ mức giá 2.280 đồng/CP (phiên giao dịch 5.7) lên mức giá 8.800 đồng/CP (phiên 5.10), tăng gần 400%, bất chấp khoản lỗ lũy kế sau 9 tháng niên độ 2017-2018 đạt trên 340 tỷ đồng, thuộc diện DN có lỗ khủng trên sàn giao dịch với lũy kế lên tới trên 600 tỷ đồng. Chính vì vậy, việc “đu theo” cổ phiếu HVG cũng được đánh giá là khá mạo hiểm dù “sóng thủy sản” cũng đang mạnh mẽ. Kết quả là, trong 2 phiên gần nhất, cổ phiếu HVG đều giảm kịch sàn và hiện giữ ở mức giá 7.620 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu ngành dệt may, nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhóm này bắt đầu trở mình và tăng tốt trở lại, thanh khoản cải thiện đáng kể sau chuỗi ngày thầm lặng. Đặc biệt, kể từ phiên giao dịch 18.9, trước thông tin Mỹ chính thức áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, cổ phiếu nhóm dệt may đã tăng bạo.

Cụ thể, với cổ phiếu TNG của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, trước thời điểm 18.9, cổ phiếu này chỉ giao dịch quanh vùng giá 11.000 - 12.000 đồng/CP nhưng thời điểm hiện tại đã tăng lên vùng giá 17.000 - 18.000 đồng/CP. Tương tự, cổ phiếu TMC của Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng tăng mạnh từ vùng giá 16.000 - 17.000 đồng/CP thời điểm đầu tháng 7 lên mức giá 29.000 - 30.000 đồng/CP ở thời điểm hiện tại chỉ sau hơn 2 tháng.

Một loạt các mã cổ phiếu ngành dệt may khác như GIL của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh; VGT (Vinatex), VGG (Dệt may Việt Tiến), STK (Sợi Thế Kỷ)… cũng xanh điểm từ đầu tháng 7 trở lại đây.

Tỉnh táo trước cơ hội

Liên quan đến câu chuyện đầu tư cổ phiếu  để “ăn theo” chiến tranh thương mại, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà đầu tư nên “tỉnh táo” trước cơ hội để có cái nhìn toàn diện về thị trường. Theo Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Ước tính, với mức thuế áp lên 25% mà chính quyền Trump dự kiến thi hành vào đầu năm sau đối với hàng Trung Quốc, thì tỷ trọng kim ngạch các mặt hàng Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam như gỗ, nội thất, nông sản và thực phẩm chế biến, nhựa cao su… sẽ tăng thêm. Đặc biệt là 2 ngành thủy sản và dệt may sẽ có nhiều cơ hội mở rộng hơn nữa ở thị trường này và xu thế đầu tư vào nhóm cổ phiếu này để đón đầu không phải là quá ngạc nhiên”.

img

Cổ phiếu VHC của Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn đã tăng mạnh từ 57.500 đồng/CP lên trên 92.400 đồng/CP chỉ sau hơn 2 tháng.

Tuy nhiên, ông Tín cũng lưu ý, cơ hội cũng là thách thức với Việt Nam khi có thể Mỹ sẽ áp dụng chính sách thuế nặng dành cho các mặt hàng xuất từ Việt Nam có hàm lượng hay nguồn gốc “made in China”, và thực tế điển hình câu chuyện ngành thép là một bằng chứng. Do đó, nhà đầu tư không thể chỉ lạc quan rằng ngành nào mà trong chiến tranh thương mại, Trung Quốc hay Mỹ vẫn mở rộng cửa nhập hàng Việt với thuế suất 0% thì ngành đó luôn giữ được lợi thế để đặt kỳ vọng “ăn theo” cổ phiếu, nếu xảy ra tình trạng hàng hóa xuất từ Việt Nam có nguồn gốc “made in China” thì có thể các ngành khác cũng sẽ bị vạ lây...

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Minh Trí, chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung leo thang đã và đang khiến phần lớn nhà đầu tư toàn cầu tỏ ra quan ngại về rủi ro với các nền kinh tế; đặc biệt dòng tiền đổ vào các thị trường cận biên như Việt Nam có thể sẽ giảm xuống vì họ sẽ rút tiền về các thị trường đầu tư chính. Khi đó, dòng vốn ngoại có thể sẽ bị rút ra ồ ạt kéo theo đó là chỉ số VN-Index có thể suy giảm mạnh.

“Nên nhớ, nếu ông Donald Trump nhắm đến các quốc gia khác để giảm nhập siêu thì Việt Nam cũng có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo của ông này. Và thực sự, nếu điều này xảy ra thì rủi ro sẽ rất lớn bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam”, ông Trí băn khoăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem