Người vực dậy nghề thêu

Thứ sáu, ngày 02/07/2010 13:13 PM (GMT+7)
(NTNN) - Không chỉ khôi phục nghề, chị Nguyễn Thị Làn, SN 1961, ở xóm Chùa, xã Xương Giang, TP. Bắc Giang còn là giáo viên đứng lớp dạy nghề thêu cho lao động nhiều địa phương.
Bình luận 0
 img
Chị Nguyễn Thị Làn giới thiệu bức tranh thêu của HTX Hoàng Lan.

Khôi phục nghề truyền thống

Sinh ra và lớn lên ở ngôi làng vốn nổi tiếng về nghề thêu, ngay từ nhỏ chị Làn đã được tiếp xúc với khung thêu, kim chỉ... Mười tuổi chị đã thêu thành thạo, 21 tuổi quản lý hơn 500 thợ thêu trong làng. Cho đến những năm 1990-1995, làng nghề bắt đầu mai một, chị Làn không khỏi băn khoăn làm sao để người dân quay lại với nghề, và sống được bằng nghề.

Năm 2003, HTX thêu Hoàng Lan ra đời, tập hợp những thợ thêu giỏi, còn nặng lòng với nghề. Những ngày đầu rất khó khăn, các tay thêu giỏi chủ yếu thêu chăn, gối nhưng thu nhập không đáng là bao. Sau đó, chị Làn chuyển hướng sang thêu tranh và các sản phẩm mỹ thuật. Chị vừa thiết kế mẫu mới, vừa đào tạo, nâng cao tay nghề cho chị em. Nhờ giữ được chữ tín, chẳng bao lâu HTX Hoàng Lan đã nhận được nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài nước (Nhật Bản, Pháp, Ba Lan...), đảm bảo được cuộc sống cho thợ thêu.

Hiện nay, xưởng thêu của chị tạo việc làm cho 25 thợ, với mức lương trung bình 1,5- 2 triệu đồng/tháng. “Sản phẩm tranh thêu của HTX thấp nhất là 70.000 đồng/bức, còn hầu hết có giá từ 500.000 – 700.000 đồng/bức. Với những đơn đặt hàng đặc biệt, các mẫu tranh sử dụng tơ tằm, có giá từ 5-8 triệu đồng/bức” - chị Làn bộc bạch.

Thắp sáng “lửa” nghề

img Em bị khuyết tật. Nhờ cô Làn em đã có cuộc sống mới, có thu nhập từ chính đôi tay của mình. Em và các bạn cùng hoàn cảnh luôn coi xưởng là ngôi nhà thứ hai. img

Nhờ bà con trong xã tín nhiệm, chị được bầu vào Uỷ viên Ban chấp hành phụ nữ xã. Những kì nghỉ hè, các bà, các mẹ trong thôn, xóm lại đưa con, cháu tới HTX của chị gửi gắm học nghề với mong muốn nghề cha ông không bị mai một. Tiếng lành đồn xa, chị được mời làm giáo viên dạy các lớp thêu ren cho thanh thiếu niên, độ tuổi từ 12-17 ở trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương... Với tay nghề cao, chị đã truyền nghề cho hàng trăm lao động.

Khi biết Quyết định 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn khuyến khích thợ giỏi, nghệ nhân tham gia các lớp dạy nghề, chị Làn nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, bởi học đi đôi với hành mới có thể thành nghề được. Mà muốn thực hành thì phải có thợ giỏi hướng dẫn”.

Tại xưởng của mình, chị Làn đã trực tiếp dạy nghề cho 12 trẻ khuyết tật. Nhiều em đã trở thành những “tay kim” giỏi của xưởng như em Loan, Huyền, Mến... Chị cho biết: “Với những lao động bình thường phải mất 6 tháng mới làm nghề được, còn với người khuyết tật phải 8-10 tháng mới có thể thêu thùa thành thạo. Tuy vậy, tôi vẫn kiên nhẫn dạy các em vì đây là đối tượng yếu thế. Ở nông thôn, các em có một nghề trong tay thì coi như cuộc sống ổn định”. Hiện, chị đang hướng việc dạy nghề tới lớp thanh thiếu niên độ tuổi dưới 18 để làm lớp thợ kế cận của HTX trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem