Hiểm hoạ "chất béo bão hoà"
|
Món xúc xích rán ở vỉa hè có nguy cơ gây bệnh cao. |
Chất béo là 1 trong 3 chất dinh dưỡng quan trọng nhất trong khẩu phần ăn của con người. Người trưởng thành cần 20% năng lượng được cung cấp từ chất béo trong khẩu phần ăn để góp phần tham gia vào quá trình chuyển hóa thức ăn hấp thụ và chuyển hoá vitamin A, D, E, K trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng chất béo không cân đối trong khẩu phần ăn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khoẻ.
Báo cáo của Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho thấy: Nhiều đồ ăn nhanh như mì ăn liền, bánh, khoai tây chiên thường sử dụng lại các loại dầu chiên đã bị hydro hoá ở nhiệt độ cao làm sản sinh các loại chất béo có tên khoa học là Trans Fat (chất béo bão hòa).
Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới, Trans Fat gây tăng cholesterol xấu, giảm mức cholesterol tốt trong máu, là nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh về đường tim mạch. Trong một số trường hợp còn gây cản trở lưu thông máu dẫn đến các bệnh tim mạch nghiêm trọng, trong đó có bệnh xơ vữa động mạnh.
Ngoài một số đồ ăn nhanh, được sản xuất theo quy trình công nghiệp thì còn nhiều loại thực phẩm phổ biến trên thị trường cũng đang chứa nhiều chất béo bão hoà Trans Fat như: Thịt mỡ, bơ, nước dùng phở, canh, dầu chiên nhiều lần… Đây chính là nguyên nhân chính làm gia tăng chất béo, tiềm ẩn trong bữa ăn của người Việt Nam.
Người Việt Nam có thói quen ăn nhiều các loại thực phẩm tự nhiên và ít thực phẩm chế biến, do đó nguy cơ về Trans Fat cũng ít. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam: "Các loại đồ ăn vặt được bày bán khắp các vỉa hè ở Việt Nam như: Bánh rán, bánh khoai, bún đậu… đều được chiên đi chiên lại bằng các loại mỡ động vật không rõ nguồn gốc. Ăn nhiều loại thực phẩm này sẽ rất dễ mắc các bệnh về đường tim mạch".
Người tiêu dùng cần được bảo vệ
Theo nghiên cứu của ngành Y tế Công cộng Trường ĐH Harvard (Mỹ), Trans Fat đã gây ra từ 72.000 đến 228.000 ca bệnh nhồi máu cơ tim và khoảng từ 30.000 đến 100.000 người chết vì nhồi máu cơ tim hàng năm.
Theo ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng: Hiện chúng ta chưa có cách phòng chống tích cực với chất béo bão hòa, do vậy người tiêu dùng cần hạn chế sử dụng thực phẩm có chứa chất này một cách tối đa.
Thông thường, tiêu chuẩn cho phép chất béo bão hoà có thể có trên một sản phẩm ở mức 0,5g. Vì vậy, thay bằng các loại thực phẩm có chứa nhiều chất này như: Các loại sữa chứa nhiều chất béo, đồ ăn cứng đã được chiên qua dầu có sử dụng hydro hoá, mỡ heo, nước cốt dừa, người tiêu dùng có thể sử dụng nhiều hơn: Cá, rau xanh, quả chín… các đồ ăn chứa chất béo chưa bão hoà để đảm bảo lượng chất béo cần thiết cho cơ thể".
Hiện Việt Nam chưa bắt buộc các nhà sản xuất công bố lượng chất béo bão hoà trong sản phẩm. Số doanh nghiệp "tự giác" công bố các thành phần này trên bao bì nhằm cảnh báo người tiêu dùng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu rơi vào những doanh nghiệp sản xuất tiên tiến. Vì vậy người tiêu dùng cần phải tìm cách tự bảo vệ mình.
Tại hội thảo "Hiểm hoạ Trans Fat - người tiêu dùng Việt Nam cần được bảo vệ" được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra lời kêu gọi cơ quan chức năng sớm có các quy chuẩn, quy định bắt buộc và các biện pháp quản lý chất béo độc hại, yêu cầu các doanh nghiệp không sử dụng các loại nguyên liệu sản sinh ra chất béo độc hại để bảo vệ quyền người tiêu dùng.
Thiên Hà - Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.