Nhà hàng - "hang ổ" của các bệnh về hô hấp

Thứ ba, ngày 07/09/2010 06:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các nhà hàng ở Việt Nam không thiếu nơi “ướp” thực khách trong khói thuốc lá, khói đồ ăn. Ngon, vui là một mặt nhưng cái giá phải trả là bệnh viêm mắt, viêm họng, viêm xoang...
Bình luận 0

Vượt xa mức báo động

img
Ảnh minh họa

Nếu chỉ ám khói thức ăn là còn may. Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Munich, CHLB Đức, lượng khói thuốc lá trong nhiều nhà hàng mới đáng lo vì vượt xa mức báo động. Nói phải có sách, mách phải có chứng.

Nguy cơ của ung thư, bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch… trở nên rõ rệt nếu lượng khói nói chung, bất kể khói gì, chỉ cần vượt quá 50microgam/m3 không khí, vậy mà kết quả đo đạc ở tiểu bang Bayern, miền Nam nước Đức cho thấy lượng khói thuốc trung bình trong nhà hàng cho phép hút thuốc lá là 200microgram/m3; trong quán nhậu là 300microgram/m3

Vì vậy nhiều bác sĩ bình luận, thực khách đúng ra đã phải đeo khẩu trang khi dùng bữa, dù là số nhà điều trị này quên cho biết làm sao ăn cho ngon miệng nếu che kín mũi! Nếu kết quả đo bên Đức còn như thế thì bên ta dễ gì chịu lép vế với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… đang nhuộm xám vì khói xe, khói nhà máy và khói thuốc lá nơi công cộng!

Tai hại lại không đóng khung với người quyết tâm hút thuốc! Kết quả thống kê ở nhiều quốc gia bên trời Âu cho thấy số đối tượng dù không hút thuốc nhưng vẫn bị hại một cách oan uổng vì phải hít khói thuốc không hề thua số người “có hút có chịu”, đặc biệt là trẻ con, thai phụ, người cao tuổi, người đang bệnh nặng…

Thống kê cũng cho thấy, số trẻ bị hít khói thuốc dễ nghiện thuốc lá hơn số các em may mắn ít phải tiếp xúc với thuốc lá! Kết quả cũng tương tự ở số phụ nữ làm việc trong văn phòng với đồng nghiệp nam giới có thói quen không phì phèo không thể làm việc!

Thầy thuốc không làm gương

Lời thật khó tránh mất lòng nhưng hút thuốc trong lúc kẹt xe, trong nhà hàng cửa kính vì có máy điều hòa không khi, hay tệ hơn nữa, trong phòng đợi bệnh viện, trên sân nhà trẻ… phải được xem là hành vi phạm pháp vì xâm phạm sức khỏe của người lân cận.

Không lạ gì nếu nhiều quốc gia ở châu Âu đã đồng loạt quyết định cấm hút thuốc ở các nơi công cộng, trên chuyến bay, chuyến tàu hỏa, nhà hàng, bệnh viện, trường học… Bằng chứng hiển hiện là tỷ lệ ung thư giảm thấy rõ ở nơi nào cương quyết áp dụng luật cấm hút thuốc lá.

Tệ hơn nữa là khi thầy thuốc cũng hút thuốc liên miên, cũng nhậu nhẹt say mềm. Nếu đến nhà sản xuất cũng đành ép bụng ghi câu “hút thuốc có hại cho sức khỏe” ngay trên bao thuốc lá thì thử hỏi thầy thuốc làm sao gây ấn tượng tốt cho người bệnh nếu chính thầy thuốc cũng ám khói?! Cũng may chưa có thầy thuốc nào biện luận là phải hy sinh hút thuốc để qua đó hiểu rõ hơn tâm trạng của “nạn nhân”!

Nếu người bệnh phải tuân thủ y lệnh của thầy thuốc để cai thuốc lá, bỏ rượu bia khi mắc bệnh thì liệu có gì quá đáng nếu người bệnh ngược lại đòi hỏi thầy thuốc nêu gương sáng bằng cách dứt khoát nói KHÔNG với khói thuốc và hơi men?!

Ngành y tế đã từ lâu phổ biến cả chục điều y đức, dược đức gì đó. Không biết trong các quy định về đạo đức phong cách của thầy thuốc có điều nào ngăn cấm không được hút thuốc, uống rượu trong khi hành nghề? Không biết đòi hỏi như thế có thực sự hợp tình, hợp lý hay chỉ là thái độ bới lông tìm vết?

Câu trả lời xin dành cho người trong cuộc. Nhưng phải có câu trả lời dứt khoát vì đó là quyền lợi thiết thực của người bệnh, của những người đang xới đầy chén cơm cho thầy thuốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem