Nhiều tiền càng phải học nghề

Thứ hai, ngày 11/10/2010 05:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có vài trăm triệu đồng trong tay nhưng anh Nguyễn Ngọc Nung, thôn Hoàng Nha (xã Minh Hải, Văn Lâm, Hưng Yên) vẫn quyết đi học nghề, bởi theo anh, nếu không có việc làm, chẳng mấy chốc tiền sẽ "bay hơi". Và đến giờ, anh đã có một cơ sở sản xuất khang trang.
Bình luận 0

Tìm cách thoát nghèo

Nguyễn Ngọc Nung học hết THPT thì lên đường đi nghĩa vụ quân sự. Hết hạn nghĩa vụ, anh trở về nhà lấy vợ, gia tài duy nhất của vợ chồng anh là một chiếc xe ngựa kéo. Ngoài thu nhập ít ỏi từ xe ngựa kéo, vợ chồng anh còn làm đủ thứ nghề khác như xay xát, làm ruộng,… nhưng cuộc sống khó khăn cứ kéo dài không lối thoát.

img
Anh Nguyễn Ngọc Nung bên những cốt mũ cối do anh sản xuất.
 

Năm 2003, nhận thấy việc đi xuất khẩu lao động là cơ hội đổi đời, anh vay mượn thêm để có tiền đi Malaysia. Tại đây, anh được sắp xếp vào một công ty sản xuất cơ khí, chuyên sản xuất phụ kiện cho tivi, tủ lạnh… Nhờ làm việc chăm chỉ, thu nhập hàng tháng của anh thuộc loại cao, tầm 600 - 1.000USD/tháng.

Sau 2 năm đi xuất khẩu lao động trở về, vợ chồng anh đã xây được căn nhà khang trang và có một số vốn làm ăn mà trước kia có mơ anh cũng không dám nghĩ tới. Tuy nhiên, sử dụng số vốn đó như thế nào để có thể sinh lời vẫn là một bài toán nan giải với vợ chồng anh Nung.

Bàn bạc mãi, cuối cùng vợ chồng anh quyết định ra các xã, huyện lân cận để tìm hiểu những mô hình kinh tế có thể mang lại hiệu quả. Sau mấy tháng nghiên cứu, cuối cùng anh quyết định mở xưởng chế tạo cốt mũ cối.

Muốn giỏi phải học

Anh Nung cho biết, cơ sở của anh sẽ không dừng lại ở việc sản xuất mà sẽ đầu tư máy móc, nguyên liệu, mở lớp đào tạo lao động có tay nghề tốt để mang lại lợi nhuận cao hơn.

Những ngày đầu mở xưởng, vợ chồng Nung gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ở khâu sản xuất. Để làm ra những cái cốt mũ cối phải trải qua nhiều công đoạn và sử dụng rất nhiều nguyên liệu, như bìa các tông, keo, nhựa…

Anh Nung phải khăn gói đi phụ việc để học nghề. "Lúc đó mà có nơi dạy nghề này bài bản thì tốt quá, nhưng tìm đỏ mắt không có nên tôi phải lân la vừa làm vừa học" - anh Nung chia sẻ.

Vừa học hỏi cách làm ở một số vùng ngoài huyện, anh Nung còn chịu khó tìm hiểu để tìm nguyên liệu đầu vào với giá rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, việc tìm mối hàng để bán sản phẩm cũng không dễ vì loại hình kinh doanh của anh còn khá mới mẻ và nhu cầu trên thị trường chưa cao.

Sau khi tìm hiểu thị trường, vợ chồng anh quyết định đầu tư máy móc, tuyển người làm và trực tiếp đào tạo tay nghề. Phải mất hai năm kể từ ngày mở xưởng, vợ chồng anh mới bắt đầu có những khách hàng quen. Từ đó công việc kinh doanh bắt đầu phát đạt.

Anh Nung cho biết, bây giờ, trung bình mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất hơn 1.000 cốt mũ cối, thu nhập ổn định ở mức khoảng 10 triệu đồng/tháng. Cơ sở của anh hiện có 9 người làm, thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/ tháng.

Không giấu nổi tham vọng, anh Nung cho biết, cơ sở của anh sau khi ổn định sản xuất sẽ không dừng lại ở sản xuất cốt mũ cối mà sẽ đầu tư máy móc, nguyên liệu, mở lớp đào tạo lao động có tay nghề tốt để sản xuất mũ cối, mang lại lợi nhuận cao hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem