Nhớ bình bát quê mình

Bài, ảnh: Ba Cần Thơ Thứ sáu, ngày 03/07/2015 07:00 AM (GMT+7)
Một hôm đi chợ, chợt thấy những rổ bình bát chín vàng bày bán, lòng tôi lại bồi hồi nhớ về những rặng bình bát xanh mướt chạy dài thẳng tắp do ông tôi trồng để chống xói lở đất vườn.
Bình luận 0
Đất vườn quê ngoại tôi ngày xưa nằm cặp bờ sông Hậu. Hàng ngày các phương tiện giao thông thủy qua lại tấp nập. Những đợt sóng vỗ vào bờ “oàm oạp” liên tục đã khiến bờ đất bị xói lở đáng kể. Nghe người thân hiến kế, ông tôi mang những cây bình bát con về trồng nơi mé sông. Khoảng 4 – 5 năm sau những hàng cây bình bát vươn lên xanh tốt, rễ bám sâu vào lòng đất, tỏa bóng râm mát nơi bờ sông, trông thật nên thơ.
img
Cây và trái bình bát. (Ảnh: BCT)

Hàng ngày khi rảnh rỗi, anh em chúng tôi thường ra đây chơi trò chơi nhà chòi, nhảy dây, đá banh... và khi chiều đến trải chiếc chiếu xuống dưới rặng cây này ngồi ăn cơm và ngắm nhìn những ghe xuồng qua lại trên sông.

Thấy các cháu vui đùa bên rặng bình bát, ông đến gần kể cho chúng tôi nghe về loại cây đặc hữu ở vùng này: Bình bát là loại cây hoang dã mọc nhiều ở miền quê Tây Nam bộ nơi các kinh rạch chằng chịt. Cây phát triển và thích nghi trong mọi điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng khắc nghiệt.

Ngoài việc làm củi và làm cây chắn sóng, vỏ cây bình bát còn làm võng rất bền chắc mà ít người biết đến. Chỉ cần chặt những nhánh thẳng đem xuống sông ngâm nước cho lớp da bên ngoài nhũn, cạo bỏ lớp da mềm bên ngoài, lấy lớp da bên trong đem phơi khô, đánh tơi thành sợi đan thành những chiếc võng rất êm ái khó có loại dây nào sánh kịp. Còn trái bình bát chín là thứ quà vặt mà trẻ con rất ưa thích với vị ngọt nhẹ, thơm rất đặc trưng.

img
Ly nước đá bình bát với màu vàng cam hấp dẫn gợi nhớ tuổi thơ nơi quê ngoại da diết!. (Ảnh: BCT).

Tôi còn nhớ như in, mỗi năm khi hè đến cũng là thời điểm mùa bình bát chín. Trái bình bát có hình tròn dài (cỡ quả na), da láng, trái sống có màu xanh, khi chín vỏ trái có màu vàng cam, và mùi thơm đặc trưng. Sáng sớm, anh em chúng tôi thường ra gốc cây lượm trái chín rụng bẻ ra ăn ngay. Cơm bình bát mỏng, màu vàng nhạt, hạt bên trong có màu vàng sậm, có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng. Đôi khi “vẽ duyên” một chút thì dùng dao gọt bỏ vỏ, xẻ ra làm hai, bỏ vào ly giầm và không quên xin tiền ngoại “chạy ù” ra tiệm tạp hóa gần đó mua đường và nước đá thêm vào “cho sang” vì tuổi thơ nơi quê nhà ngày đó còn thiếu thốn đủ mọi bề !...
                   

Thời gian trôi đi quá nhanh. Ngoại tôi giờ đã xa khuất, tôi nay đã có gia đình và sống nơi thành phố, ít có dịp về thăm quê. Một hôm trở về quê ngoại, thăm các cậu đang chăm sóc ngôi nhà thờ họ, tôi sững sờ vì những thay đổi quá nhanh ở nơi đây.

Con đường mòn yên ả với hàng tre rợp bóng bên đường ngày nào không còn nữa, nay đã thay bằng con đường tráng xi măng rộng lớn. Những mái nhà tranh ngày xưa, nay đã thay bằng những nhà tường, nhà lầu với những tường rào bao kín xung quanh. Còn những rặng bình bát bên mé sông, nơi mà ông tôi hết lòng chăm sóc cho đất  vườn đừng lở, cũng như những kỷ niệm bền chặt của tuổi thơ anh em chúng tôi nơi đây, nay đã là khu tái định cư với nền cát san lắp cao vời vợi, chờ xây dựng những công trình mới,…

Bất chợt, bỗng nhớ đến bài thơ  “Sông lấp Nam Định” của cụ Trần Tế Xương ngày nào ở những năm Trung học:

Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò!”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem