Với tôi, hẻm cũng như ngõ ngách tâm hồn của phố. Bước vào hẻm sẽ tìm thấy sự bình yên, bắt được nhịp sống chậm rãi dần ngưng đọng. Bước vào hẻm, như thể đã lạc vào một thế giới nào đó rất riêng tư và lắng đọng.
Hẻm Nguyễn Văn Trỗi, nơi có quán bánh canh cua Minh Hoa nổi tiếng Đà Lạt.
Những con hẻm ở Đà Lạt luôn nhấp nhô, hết lên cao rồi xuống thấp. Địa hình đồi núi của cao nguyên đã ban tặng cho những con hẻm xứ này một diện mạo đặc trưng và đầy quyến rũ. Những lối hoa cỏ dại luôn có mặt ở khắp nơi để tô điểm cho vẻ đẹp hoàn hảo của hẻm.
Bức tranh của hẻm được vẽ nên từ màu xanh non của những vạt cỏ trên lối đi, điểm xuyết màu tím biếc của những đóa hoa forget me not, rực rỡ sắc vàng tươi của đám dã quỳ mọc ra từ các mô đất cao ngất trên bờ ta-ly hai bên lối đi hẹp. Bồ công anh thường mọc ra từ các kẽ nứt ven đường. Chúng đẹp nhất lại là khi lụi tàn – lúc những cánh hoa khô kết thành khối cầu trắng nõn. Chờ một cơn gió đến, những nàng vũ công ấy sẽ tung nhẹ đôi cánh bay bổng qua khắp các hẻm phố, gieo rắc những hạt giống hồi sinh. Chắc hẳn không có nơi đâu trên đất nước Việt Nam này có thể tìm thấy những con hẻm thơ mộng như ở nơi đây.
Thời còn là sinh viên, tôi sống trong hẻm 60A Phù Đổng Thiên Vương. Bao nhiêu năm đi xa Đà Lạt, tôi là vẫn nhớ như in tiếng rao bánh mì nóng vang lên trong hẻm phố về đêm. Lúc đầu nghe, không hiểu rõ là ai đó hô cái gì, dần dà thì mơ hồ nhận ra một tiếng “nóng” trước khi tiếng rao ngưng bặt. Rồi tiếng rao bất chợt lại vang lên từng hồi, chạy dài tản ra khắp các ngóc ngách của hẻm, hun hút sâu vào không gian.
Tôi yêu tất thảy những âm thanh nhộn nhạo các loại tiếng rao của món hàng hè phố bình dị, từ bắp nóng đến banh bao nóng, sữa đậu nành nóng... văng vẳng trong các hẻm phố như một điều gì thật đặc biệt của thành phố này. Những tiếng rao của người xứ lạnh luôn luôn được kết thúc bằng chữ “nóng” – ấm áp khó tả trong khí trời dưới 13 độ C về khuya.
Một đoạn hẻm ngắn ở khu biệt thự đường sắt trên đường Quang Trung với hàng rào gỗ sơn trắng và những cây hoa dại hai bên đường là địa điểm chụp hình yêu thích của các bạn trẻ.
Bạn bè tôi rất nhiều người sống ở khu Đa Thiện. Để đến phòng trọ của các bạn ấy, phải băng qua các hẻm nhỏ trên đường Trần Quang Khải. Những con hẻm này lại ăn sâu ra những vườn rau, vườn hoa trong lòng phố. Ở khu Đồi Trà cũng có những con hẻm thông ra các khu vườn xanh mướt như thế. Những con đường nơi đây luôn có vị ngai ngái của đất bazan trộn lẫn trong mùi thơm của rau củ quả. Vườn trong phố - mẫu hình lý tưởng để xây dựng một thành phố xanh chính là ở những khu vực này.
Người Đà Lạt yêu thiên nhiên và vô cùng mến khách. Nhớ một lần, tôi và các bạn đã tạt qua một con đường nhỏ để xin vào vườn kính ngắm bông hồng, khi ra về còn được bác chủ vườn hào phóng tặng nguyên một bó hoa lớn.
Hẻm Ánh Sáng nằm ngay trung tâm thành phố, nổi tiếng với những quán bún bò, mì quảng đậm chất Đà Lạt.
Quán ăn trong hẻm cũng thường là những quán ăn vừa ngon vừa rẻ hợp với túi tiền sinh viên chúng tôi thời ấy… Nếu một lần nào đó đến với phố núi, bạn hãy thử tìm đến những quán ăn lừng danh của hẻm qua sự chỉ dẫn của những người dân bản xứ. Nào là, bánh canh cua trên hẻm đường Nguyễn Văn Trỗi; Hủ tiếu bà Sáu trên hẻm đường Bùi Thị Xuân; Bánh mì bò kho Ngọc Hiệp trên hẻm đường Phan Đình Phùng...
Muốn thưởng thức cà phê với không gian đẹp có thể tìm đến những quán cà phê vườn nằm trong hẻm đầu đường Đinh Tiên Hoàng. Dư vị của món ngon sẽ khiến cho cuộc sống trở nên mới mẻ và ngọt lành. Tìm được cho mình một góc ngồi trong hẻm chính là đã hiểu hơn về những ngóc ngách, đời sống và tâm hồn của người dân phố núi.
Màu vàng rực rỡ của đám dã quỳ phủ kín hai bên lối đi trong một con hẻm trên đường Đặng Thái Thân.
Tín hiệu cho mỗi mùa xuân về trên cao nguyên Lâm Viên là khi hương thơm của mimosa bắt đầu len lỏi vào khắp các hẻm phố, hè sang - thu lãng đãng như cánh hoa hồng dại rơi khe khẽ bên thềm, đông đến rét mướt. Những con hẻm nhỏ uốn mình trong lòng phố núi thêm lần nữa thay áo cho mùa, chỉ có vẻ lãng mạn, và chất thơ là luôn còn mãi.
Bước chân vào hẻm, nghĩa là bạn đã rành rọt lắm thành phố này. Tôi vẫn nhớ cảm giác thích thú của những lần mình đi tắt từ Nguyễn Văn Trỗi sang Phan Đình Phùng bằng lối đi nhỏ gần nhà thờ Tin Lành. Khi đôi chân sáo nhảy nhót trên những bậc dốc lên xuống của lối nhỏ, bỗng dưng nhận ra mình đã yêu da diết thành phố cao nguyên hoa từ thuở nào.
Báo Lâm Đồng (Theo Báo Lâm Đồng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.