Thoát khỏi thời “trăm thứ cái gì cũng phân phối” vô cùng khó chịu ấy là một cuộc giải thoát vĩ đại. Nhưng công bằng mà nói, thời kỳ gian nan ấy, để năm nào cũng lo được cho hàng triệu gia đình có một cái Tết đàng hoàng, cũng là chuyện không thể quên… Những cái Tết thời bao cấp mới chỉ cách đây hơn 20 năm thôi, nhưng với thế hệ 8X, 9X thì vô cùng lạ lùng…
Mua hàng Tết thời bao cấp. Ảnh: TL
Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là lễ trọng nhất trong năm. Dân gian giễu thầy bói:
“Số cô không giàu thì nghèo. Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”.
Nhưng ngẫm lại, cũng đúng. Tết đến, nghèo mấy cũng cố sắm cái Tết cho
tươm tất, dù hằng ngày phải ăn bo bo, mắm ruốc… Bàn thờ phải có chai
rượu chanh, rượu cà-phê là sang, lọ hoa, nải chuối, bánh chưng, bánh
tét. Đây không chỉ là món ăn mà còn là chuyện tâm linh, hồn vía Tết.
Thời kỳ ấy, tôi là cán bộ tổ chức của Công ty Thực phẩm, rồi Sở Thương
mại Bình Trị Thiên (cũ), nên các cuộc họp bàn chuyện Tết, những đợt “đi
chỉ đạo Tết” nóng hơn cả chỉ đạo chuyên môn. Thức cả đêm ở lò mổ lợn
Tết. Mấy trăm nghìn hộ gia đình cán bộ, công nhân và người ăn theo họ
trong đối tượng chính sách có tem phiếu. Còn hơn 80% số nhân dân lao
động ở nông thôn, thành thị. Người dân lo Tết theo cách riêng, thị
trường “nước nổi bèo nổi”. Ai cũng có Tết, đàng hoàng hay không còn tùy.
Trước Tết cả quý, lãnh đạo tỉnh sốt sắng về làm việc với lãnh đạo các ngành thương mại, lương thực, tính toán khả năng khai thác nguồn hàng để cung cấp Tết. Sau đó thương nghiệp vắt giò lên cổ mà chạy. Đầu tiên là Ban cán sự Đảng, lãnh đạo ngành họp. Bàn cái tóe khói. Câu hỏi gay gắt là: “Tết năm nay loại hàng gì đủ, nguồn ở đâu?”. Hàng thiếu, kiếm đâu cho có, không kiếm được thì có gì thay thế? Cán bộ phụ trách từng “mũi công tác” như “mũi thịt lợn”, “mũi gạo nếp”; rồi “mũi đường”, “mũi trà thuốc”, rồi pháo, bánh kẹo, củi, lá dong, chuối thờ…
Quyết tâm là hộ nào, cán bộ nào cũng có “tiêu chuẩn” Tết, thí dụ 0,5 kg thịt lợn, 0,3 kg gạo nếp, hai lạng đậu xanh, một cân bánh kẹo, năm lạng mứt, một phong pháo… Thống nhất rồi mới tính toán và công bố lên báo, dán ở các cửa hàng thực phẩm, công nghệ phẩm, lương thực. Đã công khai thì người tiêu dùng có quyền đòi hỏi, phán xét. giám đốc công ty, trưởng cửa hàng vò đầu bứt tai vì lo. Cốt tử là thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh, chè gói, thuốc lá, rượu, nước mắm, hạt dưa, bánh kẹo, mứt gừng…, rồi mì chính, hạt tiêu, củi, lá dong gói bánh, chuối nải để thờ… tất tật được đưa vào “kế hoạch”.
Ở Hà Nội thời đó, đi mua hàng Tết như “đi chiến đấu”. Xếp hàng, chen lấn, xô đẩy, có khi cả ngày. Phải dậy từ bốn, năm giờ sáng. Cô mậu dịch viên khuôn mặt đẩy vẻ ban ơn, cáu gắt, người mua vẫn kiên nhẫn chịu đựng. Cô cắt tem phiếu, ghi sổ, thu tiền, gọi tên cộc lốc, trịnh thượng ném hàng. Thế nhưng, vì một cái Tết gia đình, mọi người mấy hàng mấy chục năm ròng đã quen chịu đựng, chẳng ai phán ứng gì.
Mấy năm đầu, hàng Tết được bán từng mặt hàng một. Người ta nghĩ ra cách đóng gói nhiều thứ hàng Tết vào một túi. Ở Hà Nội và các thành phố lớn, hàng Tết chui vào túi ni-lông hết (trừ thịt, gạo nếp, đậu xanh) in cành hoa đào hoặc hoa mai và dòng chữ "Chúc mừng năm mới". Ai cũng như ai, hộp mứt thập cẩm bìa thô kệch, mấy lạng măng, miến, bóng bì, ít mộc nhĩ, nấm hương, gói mì chính nhỏ, một túi hạt tiêu, bánh đa nem, gói chè Hồng Đào hoặc Thanh Hương, thuốc lá Điện Biên hoặc Trường Sơn bao bạc, một chai rượu cam, rượu chanh Hà Nội, một bánh pháo tép… Còn thịt, gạo nếp, đậu xanh… thì đến cửa hàng.
Mua hàng Tết thời bao cấp. Ảnh: TL
Tất cả với từng hộ gia đình thì ít ỏi lắm, nhìn mà luễnh loãng. Nhưng tính gộp cả tỉnh, cả ngành mới thấy khổng lồ. Thứ gì cũng vài trăm tấn, năm bảy chục tấn, vài chục vạn cái.
Trong một cuộc họp, Giám đốc Sở Thương mại Bình Trị Thiên (cũ) Phan Đình Chi quát: “Không lo đủ lợn Tết thì cán bộ cả ngành ta phải nộp lợn nuôi của gia đình mình vô cho đủ”. Anh Phan Đình Chi và những cán bộ thương nghiệp vất vả năm ấy bây giờ nhiều người không còn nữa. Hồi đó, cán bộ thu mua về xã “kiểm kê” lợn Tết, nắm đầu lợn “như công an nắm hộ khẩu”, ghi chép “hồ sơ lý lịch” con lợn nuôi từ bao giờ, đến Tết thì được bao nhiêu ký. Rồi họp thôn, họp xã thông báo công khai để học không bán ra thị trường tự do. Bí thư Đảng ủy xã phải quán triệt, dặn dò, công bố chế độ đối lưu hàng hóa ưu tiên. Những vải tốt, đạm urê, chăn màn tốt…
Chặt chẽ thế mà vẫn “sổng”, vì mậu dịch thời bao cấp luôn “mua như cướp”, giá chỉ bằng hai phần ba giá chợ đen, dân chịu không thấu. Nuôi con lợn sống, bảy tháng ròng, giá thu mua một cân lợn hơi chỉ đồng sáu, hai đồng, bằng một phần ba giá bán cho thương lái, ai không xót.
Có lần, chiều 30 Tết, tôi về Cửa hàng C ở đường Phan Đình Phùng, Huế, là nơi cung cấp thực phẩm cho các đối tượng phiếu C, D. Mấy em mậu dịch viên trẻ như Liệu, Tiến, Lưu… dân Đông Hà, Đồng Hới òa khóc nức nở. Tôi hỏi sao khóc, Liệu bảo: “Bọn em không được về ăn Tết với bố mẹ rồi, phải trực đến 10 giờ đêm 30 Tết…”. Tôi ngậm ngùi: “Nghề phục vụ phải thế. Rồi ra Tết về nghỉ dài hơn, em ạ…”. Đó là gái mậu dịch viên chưa chồng. Còn có chồng con rồi, thì chồng phải thay vợ làm dưa món, muối kiệu, đi đánh bóng bộ tam sự, ngũ sự, mua cát bỏ bát nhang, xếp hàng mua hàng Tết, nấu cúng tất niên, vì vợ về đến nhà, tắm rửa xong là giao thừa…
Muốn có mỗi gia đình vài cân gạo nếp Tết, phải vô tận Đồng bằng sông Cửu Long. Kẹo, bánh, mứt, hạt dưa phải vô TP Hồ Chí Minh, chuối thờ thì lên A Lưới, Hướng Hóa hoặc vô tận Đồng Nai, Bình Phước, Khánh Hòa. Cả nước dùng tiền mặt. Mỗi cái Tết, Công ty Thực phẩm phải dùng xe con chở ba bì tải tiền (năm, sáu trăm triệu đồng) vô miền Nam mua hàng Tết về. Huế là xứ sở nhiều bàn thờ, trang thờ nhất nước. Mỗi nhà phải mua ít nhất năm, bảy nải chuối thờ. Có nhà mua tới vài chục nải. Lần đầu cung cấp chuối thờ, do vận chuyển kém, chuối chở từ miền Nam ra xây xát, bầm vỏ, ba, bốn xe tải chuối đổ đi, lỗ cả trăm triệu đồng.
Một thời thiếu thốn, vất vả đã qua, tình người vẫn ấm nóng quanh bữa Tất niên tập thể ngày 28, 29 Tết. Mổ lợn, lãnh đạo cũng như anh em đều bằng nhau, không phân biệt. Đầu, lòng, xương lợn sau khi mổ thịt phân phối, cả cơ quan dồn lại vui chung. Ăn xong mọi người chia tay, xe đạp lỉnh kỉnh túi thịt, túi gạo, nắm lá dong, nải chuối thờ… không khác gì đi chợ Đông Ba về.
Ngày Tết, cơ quan dán lịch phân công cán bộ “Trực Tết”. Cơ quan Sở Thương nghiệp của tôi quy định trực Tết phải cả đêm, cả ngày. Mỗi buổi trực được cơ quan “bồi dưỡng” một chiếc bánh chưng to tướng, thứ bánh gói bằng nửa cân nếp. Trực cả ngày thì được hai chiếc bánh. Vui lắm…
Nhân dân (Theo Nhân dân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.