Đến một ngày, những thứ đã theo chân người nhà quê đi lên non mở đất, qua các tháng năm chiến tranh, phân phối bao cấp lại được trả về trên mâm bàn sang trọng. Bên màn hình công nghệ, thay cho đồ uống nhiều đường hóa học, phẩm màu là cốc rau má mát lành. Thứ rau giăng mắc, lân la như họ hàng, làng mạc (dây mơ, rễ má).
Thứ rau “thảo dân” men bám lấy đất thừa, bờ chênh, dốc đứng mà sống lại chứa trong mình vị mát làm dịu đi mọi cái nóng nực trong lòng người. Dù chẳng ngạo nghễ thành chúa tể hay đầu bảng, nào đã được nhớ đến mỗi khi cầu viện thiên nhiên. Nhưng, đến khi tất cả đã chào thua, thứ lá con mang mùi bùi ngai ngái, màu xanh lạt sẽ khiến người ta phải sững sờ. Vị mát đâu chỉ thoảng qua, còn đẩy lùi bao chứng bệnh tiềm tàng đang lăm le gây họa với con người.
Rau má (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet)
Chỉ cần rửa sạch, xay và lọc lấy nước, uống vào những lúc nóng nực, tự dưng ta đã loại bỏ được cái hầm hập trong gan ruột. Những cơn ngứa ngáy dưới làn da, trong máu nóng đến mức phải cào cấu da thịt mình sẽ nguôi dần và chỉ còn lại. Nếu như các loại sinh tố được nâng niu vị sự sang trọng giữa không gian lãng mạn, giữa các cuộc chuyện trò tao nhã như chanh leo, mãng cầu, bơ, dưa hấu…thì rau má chỉ lủi thủi xó bếp, góc phòng để giải nhiệt rồi lại trở về với đất mọn đời cằn như đã từng sống ngàn năm nay.
Nhưng để rồi, đằng sau câu chuyện nhỏ ngày hè ấy, có một sự nhìn nhận mới về cách sống khoa học hơn khi trân trọng những bài học về cái ăn, cái ở muôn đời của tổ tiên. Về sự kết hợp những giá trị truyền thống từ lời khuyên nhỏ bé nhất của dân gian giữa thời hiện đại.
Và sâu xa hơn nữa, là yêu đất đai, vườn tược. Dẫu chỉ là nhúm rau, nhánh cỏ bên đường cũng đã góp phần giúp cho con người vượt qua khó khăn để sống hạnh phúc và điềm tĩnh hơn. Chợt nhớ đến câu nói của các cụ xưa: “đói rau, đau thuốc” với rau má dại quê mùa hình như là cả hai điều ấy.
(Theo Báo Tin tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.