Nhóm khủng bố đánh bom tự sát ở Kabul giết 13 lính Mỹ là ai, có quan hệ gì với Taliban?

Minh Nhật Thứ sáu, ngày 27/08/2021 10:59 AM (GMT+7)
Quân đội Mỹ cho biết, một nhánh của tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan đứng sau vụ đánh bom tự sát ở Kabul hôm thứ Năm khiến hơn 70 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ, cùng 140 người bị thương.
Bình luận 0
Kẻ nào đánh bom tự sát ở Kabul 
Nhóm khủng bố đánh bom tự sát ở Kabul giết 13 lính Mỹ là ai, có quan hệ gì với Taliban? - Ảnh 1.

Nạn nhân vụ tấn công liều chết ngoài sân bay Kabul ngày 26/8 được đưa đến bệnh viện. Ảnh: NYT.

Theo người đứng đầu Bộ tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM), tướng Kenneth McKenzie cho biết hôm 27/8 rằng, những kẻ đánh bom liều chết được "đánh giá là chiến binh IS". Vị tướng này cho biết ông tin rằng những kẻ đánh bom tự sát đã thực hiện các vụ đánh bom bên ngoài sân bay quốc tế ở Kabul tại cổng phân giới do quân đội Mỹ kiểm soát.  

“Chúng tôi tin rằng mong muốn của chúng (IS) là tiếp tục các cuộc tấn công đó và chúng tôi cho rằng, những cuộc tấn công đó sẽ tiếp tục diễn ra", tướng McKenzie cảnh báo.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ tin IS đang muốn tiến hành nhiều cuộc tấn công tự sát hơn bao gồm đánh bom xe tự sát hoặc tấn công tên lửa. 

Trong khi đó, nhánh IS tại Afghanistan cũng đã lên tiếng thừa nhận đứng sau vụ đánh bom bên ngoài sân bay Kabul.

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISIS-K), một nhánh của IS ở Afghanistan, đã nhận trách nhiệm và khẳng định rằng, chủ đích của họ là nhắm đến lính Mỹ cùng đồng minh.

Hai phần tử đánh bom tự sát cùng nhiều tay súng đánh vào khu vực đông người bên ngoài sân bay Kabul vào ngày 26/8 khiến ít nhất 60 người Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ tử vong.

Thông báo của ISIS-K kèm hình ảnh một người được nhóm mô tả là hung thủ đánh bom. Hình ảnh cho thấy người đàn ông mang đai bom liều chết, đứng trước cờ đen IS và che gần kín mặt bằng vải đen.

Amaq, kênh thông tin chính thức của IS, thông báo người trực tiếp đánh bom tên là Abdul Rahman al-Logari. Giới quan sát nhận định, với cách đặt tên này, có khả năng kẻ đánh bom là người gốc Afghanistan.

Nhóm khủng bố đánh bom tự sát ở Kabul giết 13 lính Mỹ là ai, có quan hệ gì với Taliban? - Ảnh 2.

Các chiến binh ISIS-K. Ảnh BBC.

Theo tuyên bố của IS, phần tử nhóm đã mang bom lẻn qua được chốt kiểm soát an ninh Taliban. Bom được kích nổ khi hung thủ đứng cách một nhóm quân nhân Mỹ, phiên dịch viên và nhân sự hỗ trợ khoảng 5m.

Tướng McKenzie cũng cho biết, kẻ đánh bom tự sát đã thực hiện hành vi của hắn sau khi vượt qua các phòng tuyến của Taliban.

Mỹ đã chấp nhận dựa vào Taliban để duy trì các trạm kiểm soát an ninh xung quanh sân bay Kabul, ngay cả trong bối cảnh có các báo cáo xác nhận rằng, người Mỹ đã bị các chiến binh Taliban đe dọa và đánh đập khi cố gắng tới cổng sân bay. 

Tướng McKenzie cho biết họ sẽ tiếp tục yêu cầu Taliban hỗ trợ an ninh và nhấn mạnh rằng ông không thấy bằng chứng Taliban có liên quan hoặc để xảy ra vụ tấn công. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã bác bỏ khả năng Taliban liên quan đến vụ việc.

Kẻ thù không đội trời chung với Taliban
Nhóm khủng bố đánh bom tự sát ở Kabul giết 13 lính Mỹ là ai, có quan hệ gì với Taliban? - Ảnh 3.

Các chiến binh ISIS-K bỏ vũ khí đầu hàng chính phủ ở Jalalabad, Nangarhar, Afghanistan ngày 17/11/2019. Ảnh Getty

Taliban, Mạng lưới Haqqani và al Qaeda có quan hệ mật thiết với nhau ở Afghanistan. Thậm chí, Taliban đã tích hợp các thủ lĩnh và chiến binh của Mạng lưới Haqqani có liên kết với al Qaeda vào cơ cấu chỉ huy của mình.

ISIS-K từ lâu có xung đột với Taliban và al Qaeda ở Afghanistan khi cho rằng sự cai trị của Taliban là bất hợp pháp.

Nhưng trên thực tế, chính các cựu chiến binh Taliban ở Pakistan đã thành lập ra nhóm ISIS-K trong nỗ lực chiêu mộ những kẻ đào tẩu khỏi Taliban cũng như những kẻ khủng bố sùng bái IS. ISIS-K cũng được cho là có một số mối liên hệ với Mạng lưới Haqqani. 

Mạng lưới các mối quan hệ và sự hỗn loạn ở Kabul có thể khiến việc xác định toàn bộ những kẻ phải chịu trách nhiệm cho các vụ đánh bom liều chết hôm 26/8 trở nên khó khăn.

Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng, Taliban sẽ lĩnh hậu quả nếu có một cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ hoặc làm gián đoạn các hoạt động sơ tán của Mỹ.

"Chúng tôi đã nói rõ với Taliban rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lực lượng của chúng tôi hoặc làm gián đoạn hoạt động của chúng tôi tại sân bay sẽ bị đáp trả nhanh chóng và mạnh mẽ", ông Biden nói. 

“Chúng tôi cũng theo dõi chặt chẽ mọi mối đe dọa khủng bố tiềm ẩn xung quanh hoặc tại sân bay, bao gồm từ các chi nhánh của IS ở Afghanistan, những kẻ khủng bố đã được phóng thích khỏi nhà tù", ông Biden nhấn mạnh thêm.

Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, nhánh IS ở Afghanistan là kẻ thù không đội trời chung của Taliban. 

Nhóm khủng bố đánh bom tự sát ở Kabul giết 13 lính Mỹ là ai, có quan hệ gì với Taliban? - Ảnh 4.

ISIS-K là kẻ thù không đội trời chung với Taliban. Ảnh Mirror.

Một báo cáo từ Liên Hợp Quốc vào tháng 7 cho biết, một quốc gia thành viên đã ước tính sức mạnh của ISIS-K là "từ 500 đến 1.500 chiến binh", trong khi một quốc gia khác đánh giá rằng số lượng thành viên của "ISIS-K có thể tăng lên tới 10.000 trong trung hạn".

 Báo cáo cũng lưu ý, ISIS-K "phần lớn hoạt động ngầm và bí mật" và do Shahab Muhajir lãnh đạo. Muhajir “cũng có thể từng là chỉ huy cấp trung trong Mạng lưới Haqqani” và vẫn “tiếp tục duy trì hợp tác với tổ chức khủng bố này”.

Báo cáo cho biết thêm rằng, một số quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc “đã báo cáo về sự hợp tác cấp chiến thuật hoặc cấp chỉ huy giữa ISIL-K và Mạng lưới Haqqani".

ISIS-K đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công ở Afghanistan vào năm 2020 và 2021. Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan “đã ghi nhận 77 cuộc tấn công do ISIL-K tuyên bố nhận trách nhiệm và hoặc bị quy cho” trong 4 tháng đầu năm 2021, tăng 21 cuộc tấn công tương tự trong cùng kỳ năm 2020.

Tổng thanh tra chính của Chiến dịch Freedom's Sentinel đã đưa ra một báo cáo hồi tháng 5 cảnh báo rằng, ISIS-K sẽ củng cố vào năm 2021.

"Sau một chuỗi thất bại lớn vào năm ngoái, ISIS-K đã lấy lại sức mạnh trong quý này... Nhóm này đã duy trì nhịp độ hoạt động ổn định và duy trì khả năng thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở Kabul và các thành phố lớn khác... ISIS- K đã bổ sung thêm tân binh vào hàng ngũ của chúng bằng cách kêu gọi các thành viên Taliban bất mãn gia nhập tổ chức", báo cáo tháng 5 của Chiến dịch Freedom's Sentinel cho biết.

IS đã mở rộng hoạt động sang khu vực Khorasan vào năm 2015, được cho là bao gồm Afghanistan, Pakistan, Iran và các khu vực Trung Á. Những người sáng lập chi nhánh này đã cam kết trung thành với thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi vào năm 2014.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem