Ảnh minh hoạ
1. Tử vi viết: “Đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng 12 con giáp là
các cá nhân tuổi Ngọ - những con người đầy năng lượng, thẳng thắn và nồng nhiệt.
Là trung tâm của đám đông, họ mang lại tiếng cười, niềm vui cho tập thể bằng
khiếu hài hước, sự thân thiện của mình”.
Ngựa trong tín ngưỡng cùng được tôn vinh là: “Ngựa ông” – ngựa
để cho thánh thần giá ngự. Nhiều ngôi đình, đền ở ta có ngựa bạch, ngựa hồng
đúng chầu. Trong tín ngưỡng hầu đồng, lễ lạt luôn có mã ngựa năm màu (xanh, đỏ,
đen, trắng, vàng hoặc tím), không rõ là ngũ phương hay ngũ hành. Đồ lễ dâng lên
đều được đem hóa ngay để dâng tiến cho các vị thần.
Một số nơi đình đền miếu mạo, tượng thờ ngựa được tạc bằng
đá, khá đẹp. Điển hình là ở Huế và Thanh Hóa, hai vùng đất có thời nhà nước
phong kiến từng đóng đô.
Trong nghệ thuật, ngựa cũng được đề cập đến nhiều trong mĩ
thuật, điêu khắc từ Âu sang Á, ngựa chủ yếu được khai thác ở nhiều khía cạnh
trên, tượng với hình ảnh mạnh mẽ nơi chiến trận, hiền lành khi làm công việc phục
vụ như kéo xe thồ hàng, có khi mềm mại uyển chuyển như nhành liễu mà Từ Bi Hồng
từng vẽ (mã liễu)…
“Mã đáo thành công” – đó là tranh 8 con ngựa đang lồng lên
phóng vun vút về phía trước, những người làm ăn buôn bán rất thích tranh này.
Nó như điềm báo vận may cho việc làm ăn.
2. Còn tôi thì ấn tượng với ngựa trên núi. Những
năm đi công tác liên miên ở miền núi, tôi luôn gặp những chú ngựa bên đường hoặc
trên nương bãi gặm cỏ. Lúc khác là ngựa đi theo chủ. Những con ngựa go móng chắc
nịch, một người đàn bà lưng đeo quẩy tấu, tay nắm đuôi ngựa nương bước trên đường
núi gập ghềnh. Cũng rất ít khi gặp người cưỡi ngựa, mà thường là ngựa thũng thẵng
thồ hàng, chậm rãi gõ móng từng nhịp.
Thế là hình ảnh con ngựa đi dần vào cảm xúc nghệ thuật từ
lúc nào không nhớ nữa. Nhưng tôi nhớ là từ lâu lắm rồi tôi đã thích vẽ ngựa.
Bức vẽ đầu tiên khá dụng công ve bằng màu bột. Tôi vẽ một bà
mẹ người “Dao tiền” đang chất đồ lên lưng ngựa ở góc chợ. Vẽ nhọc nhằn cả tháng
trời, bột đắp dày bong ra, lại đắp tiếp. Vậy mà thầy dạy tôi, họa sĩ Trần Quốc
Tiến, nheo nheo mắt, phán một câu không thương tiếc: Cậu mà cũng đòi vẽ ngựa à?
Đã nhìn Vi Kiến Minh vẽ ngựa chưa?
Lời nhận xét xòa như gáo nước lạnh ụp lên đầu, giữa lúc tôi
cần một lời khích lệ.
Họa sĩ Vi Kiến Minh khi đó cũng là thầy trong trường. Ngựa
trong bức lục “đóng thuế nông nghiệp” của ông tinh tế vô cùng. Tôi mà so cùng
tay bút lão luyện của ông có họa là phấn bì vôi.
Nhưng không nản, lòng yêu thích hình ảnh ngựa vẫn không vơi
đi trong đầu tôi.
3. Năm 1973 lần đầu tiên lên Hà Giang, chuyến đi
23 ngày ấy tôi dành hẳn 2 tuần ra bãi chợ chỉ kí họa ngựa đủ các dáng, đầy một
quyển sổ ghi chép.
Theo năm tháng, con ngựa đi vào tâm trí sâu đậm dần. Khi xem
ngựa của các họa sĩ Trung Hoa như Hàn Cán hay Từ Bi Hồng thì thấy đẹp nhưng xa
cách.
Ngựa Hàn Cán là ngựa quý tộc, ngựa của lớp nho quan nhà
giàu, béo mập mà bệ vệ sang trọng tính cách nhà quan. Ngựa của Từ Bi Hồng thì
thường hướng về cái kiêu hùng cá nhân, kiêu hùng bày đàn, ít thấy sự chia sẻ
bình dân mà thường là diễn tả khí phách quân tử Tàu pha chất kiếm hiệp. Ngựa họ
Từ giống hiệp sĩ, tách ra như kẻ kiếm khách trong sách chưởng, không phải ngựa
gắn với đời sống con người.
Với tôi, hình ảnh ngựa khác hẳn. Tôi đã gặp những đàn ngựa
thồ lầm lũi đi xuyên rừng, trĩu nặng trên lưng là những bao tải sắn bó chặt đưa
ra trạm thu mua… Tôi lại gặp đàn ngựa thồ muối lầm lũi vượt dốc Phiềng Sa dầm
mình với gió nắng miền Tây trong tác phẩm của Tô Hoài. Những con ngựa cùng những
mã phu người nhẫy mồ hôi và bụi đường đi như mê, bí bách trong cái nóng ngột ngạt
của rừng lặng gió. Con đường thì khô rang, hoang vắng và khấp khểnh… Nhìn thế mới
nhận ra thân phận người và ngựa nào có khác gì nhau.
Từ đấy con ngựa trong mắt tôi không còn “đẹp như tranh”. Dần
dà trong tôi hình ảnh ngựa đã hình thành với một góc nhìn của riêng mình: Ngựa
gần của lớp người lao khổ, như là một thân phận, nhìn ngựa thấy phận người,
nhìn người thấy phận ngựa…
Nói một cách chính xác thì không phải tôi vẽ ngựa mà là tôi
vẽ tranh có hình ảnh ngựa trong đó. Trong bối cảnh mênh mông trùng điệp của núi
rừng, hình ảnh con ngựa chỉ li ti đốm nhỏ, trông thật mong manh, nhưng chính nó
đã cùng con người đã làm nên hồn cốt núi rừng.
Đỗ Đức
Thể thao & Văn hoá (Theo Thể thao & Văn hoá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.